“Đã là người Việt, ai cũng đều muốn Việt Nam tốt đẹp hơn”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nổi tiếng là một “chất xám” Việt thành công tại Mỹ, tiến sỹ trẻ Hùng Trần, nhà sáng lập Got It và STEAM for Vietnam, chia sẻ: “Rất nhiều người muốn quay về Việt Nam không phải chỉ để tránh dịch mà muốn về làm việc lâu dài. Đây là nguồn lực rất quý mà thông thường không hề dễ thu hút và tuyển dụng”.
“Đã là người Việt, ai cũng đều muốn Việt Nam tốt đẹp hơn”

Chúng ta đã bàn luận rất nhiều về câu chuyện thu hút “chất xám” Việt quay về phụng sự Tổ quốc (cũng không nhất thiết phải làm việc tại Việt Nam). Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp, tổ chức của chúng ta đang phải giải những bài toán hóc búa, đòi hỏi có nguồn lực giỏi giang để bước mạnh mẽ ra toàn cầu?

Tôi luôn nghĩ rằng, có cách nào đó để thu hút nguồn chất xám Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào các hoạt động kinh tế hay khoa học kỹ thuật ở Việt Nam, sẽ rất tốt. Các nhân tài đã được đào tạo bài bản và được tôi luyện trong môi trường làm việc ở nước ngoài để tạo ra rất nhiều giá trị cho những nơi họ đang làm việc, nếu mang những kiến thức và kinh nghiệm ấy về Việt Nam, có thể giúp đất nước giải quyết được nhiều vấn đề một cách hiệu quả.

Đương nhiên là không phải họ có thể giải quyết được tất cả những vấn đề mà Việt Nam đang có. Tuy nhiên, những gì nằm trong phạm vi họ có thể giải quyết thì khả năng lớn là họ sẽ có cách làm rất bài bản và chuyên nghiệp.

Nhân tài Việt Nam ở nước ngoài từng được kỳ vọng sẽ như những chú cá hồi Đại Tây Dương sẵn sàng quay lại nơi sinh ra và sống một cuộc đời đầy kiêu hãnh. Dù vậy, không thể không nói đến những thách thức lớn, chúng ta có thể “hóa giải” chúng như thế nào?

Môi trường làm việc ở nước ngoài cũng không hẳn là hoàn toàn dễ dàng. Ở lĩnh vực nào cũng có những khó khăn, trở ngại nhất định và mọi người đều phải vượt qua. Tuy nhiên, điều khác biệt là môi trường làm việc ở nước ngoài khá là minh bạch nên làm việc một cách chăm chỉ và thông minh, có thể vượt qua được các thử thách.

Đối với đàn cá hồi về nước có lẽ rào cản lớn nhất là cách thức làm việc. Làm sao để có thể hòa nhập tốt được trong môi trường làm việc ở nhà có lẽ là vấn đề khó khăn cho rất nhiều người. Muốn họ về và làm việc hiệu quả, chắc chắn cần phải có ai đó hướng dẫn họ vượt qua cửa ải này đầu tiên, trước khi họ chán nản và từ bỏ.

Bản thân anh và nhiều cộng sự chọn cách hành động như thế nào để có thể vượt qua những thách thức như vậy và bước đầu gặt hái thành công?

Trước khi qua Mỹ làm nghiên cứu sinh tiến sỹ, tôi đã có một thời gian khoảng 5 năm làm việc ở Việt Nam nên ít hay nhiều cũng có một chút kinh nghiệm để sau này quyết định đặt đội ngũ kỹ thuật của mình ở Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng đã có nhiều lúc phải tự hỏi mình là quyết định đó có đúng đắn không khi công ty không thể tăng trưởng được do không tuyển được người phù hợp mặc dù đã thử đủ mọi cách.

Sau đó, lãnh đạo công ty đã ngồi lại với nhau và nhìn vào một thực tế là các kỹ sư người Việt Nam ở Silicon Valley không hề kém cạnh so với đồng nghiệp của họ nhưng ở Việt Nam, Got It không thể tìm được những kỹ sư tương tự. Cuối cùng công ty quyết định tuyển chọn những bạn mới tinh vừa tốt nghiệp và đầu tư mạnh vào đào tạo.

Cách tiếp cận đó tuy mất thời gian, tốn kém, và cũng có một chút mạo hiểm nhưng cuối cùng đã mang lại kết quả rất tốt. Got It đã đào tạo cho mình được một đội ngũ kỹ sư người Việt rất cứng cáp, có thể làm việc thoải mái với các đồng nghiệp tại Silicon Valley để xây dựng những sản phẩm chất lượng cao phục vụ thị trường toàn cầu.

Nhiều doanh nghiệp Singapore đã từng thực hiện các cuộc “thay máu”, sử dụng nhân sự có kinh nghiệm, có trình độ ở nước ngoài về đầu quân cho doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp họ đã có những thành công vượt trội. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam tự hỏi liệu họ có thể thực hiện được không?

Điều này cũng còn phải phụ thuộc vào từng doanh nghiệp, sản phẩm của họ là gì và phục vụ thị trường nào. Đối với những sản phẩm hướng tới thị trường nước ngoài thì việc thuê nhân sự ở nước ngoài, nhiều khả năng, sẽ tạo ra những thay đổi tích cực vượt trội.

Để làm được điều này thì việc thay đổi tư duy quản lý rất quan trọng, đặc biệt là các lãnh đạo công ty phải là những người đầu tiên cảm giác thoải mái với việc làm việc trong môi trường đa văn hoá với nhiều thứ hoàn toàn khác biệt, thậm chí là đối nghịch với các quan điểm lãnh đạo trước đây mà mọi người quen thuộc.

Tiếp theo là cũng phải chuẩn bị về mặt tài chính cho tốt vì nhân sự giỏi cũng phải được đãi ngộ tương xứng với mức lương có thể cao hơn rất nhiều so với mọi người tính toán.

Cuối cùng, thời điểm hiện tại là cơ hội vàng để có thể thu hút lực lượng người Việt ở nước ngoài về nước. Do tình hình đại dịch Covid-19 đã đưa thế giới vào tình trạng có rất nhiều thứ bất ổn với một tương lai bất định. Trong khi ở Việt Nam, mặc dù dịch đã bùng lên lần thứ hai nhưng việc kiểm soát khá tốt đã tạo ra một môi trường khá an toàn so với các nơi khác trên thế giới.

Điều này làm rất nhiều người muốn quay về Việt Nam không phải chỉ để tránh dịch mà muốn về làm việc lâu dài. Đây là nguồn lực rất quý mà thông thường không hề dễ để thu hút và tuyển dụng.

Một bình thường mới được thiết lập đang đòi hỏi mỗi người phải thay đổi và thích ứng. Những hành động tích cực dù là thật nhỏ, sẽ góp lại thành một thay đổi lớn lao. Khởi xướng STEAM for Việt Nam tại Mỹ, phải chăng anh mong muốn thật nhiều điều tốt đẹp cho đất nước?

Đã là người Việt, ai cũng đều muốn Việt Nam tốt đẹp hơn. Cá nhân tôi chọn con đường giáo dục vì bản thân mình được như ngày hôm nay là do may mắn có được giáo dục tốt.

Tôi đã cùng rất nhiều người Việt trẻ và tài giỏi ở khắp nơi trên thế giới lập ra tổ chức phi lợi nhuận STEAM for Vietnam với ước muốn là mang giáo dục STEAM đẳng cấp quốc tế về cho người Việt một cách hoàn toàn miễn phí. Hy vọng là qua chương trình này, các thế hệ đi trước sẽ cùng nhau để nắm tay kéo các thế hệ sau vươn lên và đi ra thế giới.

Hoạt động đầu tiên của STEAM for Vietnam năm nay là tổ chức trại hè lập trình miễn phí cho các bé từ 8-16 tuổi để dạy các bạn tư duy máy tính và lập trình cơ bản. Chương trình đã thu hút hơn 7.000 đăng ký tham dự từ cả 63 tỉnh, thành ở Việt Nam và 42 quốc gia khác.

Một bức tranh các bạn trẻ tham gia trại hè của STEAM for Vietnam vẽ Trần Hùng

Một bức tranh các bạn trẻ tham gia trại hè của STEAM for Vietnam vẽ Trần Hùng

Về lâu dài, chương trình muốn nhân rộng để tiến tới phổ cập tư duy máy tính và các kỹ năng lập trình cơ bản cho các bạn ở độ tuổi trên. Hy vọng là được đào tạo bài bản về tư duy máy tính, các bạn sẽ trở lên làm việc hiệu quả hơn rất nhiều do có được cách suy nghĩ logic và tối ưu trong tất cả các ngành nghề, chứ không riêng ngành công nghệ.


Hà Vy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục