Lê Hồng Hải Nhân, nhà sáng lập GEEK Up: Khởi nghiệp vì tinh thần khởi nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Hải Nhân tiếp tục hành trình khởi nghiệp với GEEK Up. Ở giai đoạn mở rộng mô hình kinh doanh, Hải Nhân sẽ không đánh đổi những giá trị về văn hóa, con người mà mình đã xây dựng.
Lê Hồng Hải Nhân, nhà sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành GEEK Up. Lê Hồng Hải Nhân, nhà sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành GEEK Up.

Hiểu khách hàng nhờ… thất bại

Hải Nhân bắt đầu hành trình khởi nghiệp từ năm 2008, khi cựu sinh viên Đại học Công nghệ thông tin sinh năm 1988 này hoàn thành sớm chương trình hệ kỹ sư 5 năm. Cả 4 dự án mà Nhân tham gia hay sáng lập đều không tồn tại quá một năm, trong đó có cả dự án chưa kịp chào đời thì Nhân “đóng cửa” vì nhận thấy không có cơ hội thành công.

Sau mỗi lần thất bại, Nhân đều cảm thấy “tổn thương và đau đớn”, tự nói với bản thân: “Như vậy là đủ rồi”. “Một thời gian ngắn sau đó, khi trái tim lành lặn lại đôi chút, thì nhiệt huyết lại nổi lên và tôi lại khởi nghiệp tiếp”, Nhân nói.

Nhân khởi nghiệp không phải để theo đuổi tiếng gọi của sứ mệnh cao cả nào đó, không phải để thay đổi thế giới, không vì mục tiêu trở thành một người giàu có, nổi tiếng và cũng không phải để chứng tỏ bản thân. Động lực khởi nghiệp của Nhân phần nhiều đến từ mong đợi một công việc mà mình có thể dành trọn tâm huyết cho nó.

Nhân luôn tò mò về cuộc sống, luôn muốn hiểu thêm về bản thân và thế giới. Việc sống và làm việc hết mình, “chiến đấu” vì một điều gì đó giúp Nhân thỏa mãn được điều đó và cảm nhận về cuộc sống một cách sinh động, thú vị hơn. Nhân tự nhận thấy, bản thân khởi nghiệp vì tinh thần khởi nghiệp, chứ không phải là mô hình khởi nghiệp.

Qua 4 lần khởi nghiệp thất bại, Nhân có thể thấu hiểu hơn các đặc thù trong quá trình kinh doanh của start-up. Văn hoá, mức độ ưu tiên, phương thức hoạt động hay cách ra quyết định của start-up và doanh nghiệp rất khác nhau, song từ trải nghiệm của mình, Nhân có thể nhận ra sự khác biệt đó.

“Với tri thức, người ta có thể tiếp nhận được qua trường lớp, sách vở, Internet…, nhưng trí tuệ thì chỉ có thể hấp thụ được từ thực tế cuộc sống, từ sự thành công hay vô số lần thất bại”, Nhân chia sẻ.

Chặng đường mới

Từ đội ngũ 10 người trẻ chung chí hướng, giờ GEEK Up có gần 100 thành viên sau 8 năm thành lập và khoảng 400 sản phẩm số được xây dựng. GEEK Up là đối tác xây dựng sản phẩm số của nhiều start-up nổi tiếng như Karzo (Myanmar), Funding Societies (Indonesia), Waitrr và Hmlet (Singapore)… Tại Việt Nam, các đối tác mà GEEK Up đã đồng hành là ELSA, TicketBox, The Coffee House...

Sau 6 năm thành lập, GEEK Up quyết định mở rộng mô hình kinh doanh từ năm 2019. Từ đó đến nay, start-up này phải chịu cùng lúc 2 áp lực liên quan đến kỳ vọng mở rộng và bài toán phát sinh từ đại dịch.

Nhưng hành trình thú vị nào mà chẳng có nhiều thử thách, chông gai. Nhà sáng lập GEEK Up cho biết, họ vẫn sẽ đầu tư vào con người, tiếp tục tin tưởng lẫn nhau để tiến về phía trước như cách họ đã làm để duy trì hoạt động công ty trong giai đoạn đầu thành lập.

Khi ấy, những thành viên đầu tiên của GEEK Up đều rất ý thức được rằng, để đi xa cùng nhau thì mọi người phải hợp nhau ở một mức độ nhất định, không chỉ trong công việc, mà cả ngoài cuộc sống. Mỗi người có tính cách, nền tảng, nhân sinh quan khác nhau, nên ai cũng phải chấp nhận điều chỉnh hành vi của mình.

“Một hành vi nào đó mà đội ngũ thấy hay thì sẽ cùng nhau ghi nhận và khuyến khích. Ngược lại, chúng tôi sẽ nhắc nhở nhau để hạn chế dần”, nhà sáng lập GEEK Up nói.

Đến nay, start-up này vẫn theo đuổi sứ mệnh mà đội ngũ đã gắn bó từ ngày đầu thành lập là mang lại giá trị cho doanh nghiệp, cho người dùng thông qua những sản phẩm số tạo tác động tích cực. Khi chọn tham gia GEEK Up, các nhân sự đều muốn chia sẻ sứ mệnh và những giá trị mà công ty đang theo đuổi, thay vì tiền bạc, sự nổi tiếng, hay quyền lực.

Thử thách của GEEK Up khi bước vào chặng đường mới “mở rộng mô hình kinh doanh” là làm sao để có thêm nhiều thành viên mới và không đánh đổi những giá trị về văn hóa, con người mà họ đã có từ những ngày đầu.

“Đôi bạn cùng tiến” Waitrr - GEEK Up

Câu chuyện hợp tác với Waitrr là minh chứng dễ hiểu nhất về cách GEEK Up đang hoạt động và giá trị mà họ cùng đối tác tạo ra. GEEK Up và Waitrr như “đôi bạn cùng tiến” hơn 6 năm qua. Tim Wekezer, nhà sáng lập Waitrr là người mang tư duy rất khác biệt khi xác định đây là một start-up công nghệ. Nhưng thay vì xây dựng riêng một đội ngũ công nghệ nội bộ, Tim quyết định tìm kiếm đối tác xây dựng sản phẩm số (Product Partner). Như vậy, toàn bộ nguồn lực của Waitrr có thể tập trung vào việc giải quyết các bài toán kinh doanh.

Tim chia sẻ với Hải Nhân rằng, mô hình công nghệ quyết định sự tồn tại của Waitrr, nhưng điểm khác biệt tạo nên lợi thế cạnh tranh của Waitrr nằm ở sự am hiểu về ngành, thị trường và khách hàng. Nhà sáng lập Waitrr nhận ra, rủi ro sẽ rất cao nếu đội ngũ phải phụ trách luôn mảng công nghệ và tin rằng, nếu có một đối tác có thế mạnh và chuyên môn về công nghệ, Waitrr có thể tập trung phát huy tối đa điểm mạnh về kinh doanh của mình.

Với sự đồng hành của GEEK Up, từ một ứng dụng chỉ có một chức năng duy nhất là menu điện tử, đến nay, Waitrr có đủ các tính năng giúp khách hàng sử dụng dịch vụ của nhà hàng một cách trọn vẹn như khám phá cửa hàng, tìm hiểu món ăn, đặt món, ưu đãi, thanh toán, giao hàng, tích điểm. Từ một ứng dụng được triển khai thử nghiệm trong một nhà hàng đầu tiên, Waitrr đã trở thành một trong 2 ứng dụng được giới thiệu tại sân bay Changi (Singapore) để du khách khám phá ẩm thực tại Đảo quốc Sư tử.

Hồng Phúc
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục