Với kết quả trên, hoạt động thu ngân sách đã lật ngược thế cờ khá kịch tính. Bởi chỉ trước khi kết thúc năm 2015 hai tháng, do giá dầu giảm sâu, nên theo tính toán của Bộ Tài chính khi đó khiến ngân sách hụt thu khoảng 31.000 tỷ đồng.
Đây là một trong những lý do chính khiến Chính phủ phải đề xuất Quốc hội cho phép sử dụng 10.000 tỷ đồng thu từ thoái vốn nhà nước tại các DN để kế hoạch thu ngân sách không bị “vỡ”. Tuy nhiên, chỉ hơn 2 tháng sau, thu ngân sách đã chuyển từ nguy cơ hụt thu sang vượt thu với tỷ lệ khá lớn trong bối cảnh nhân tố khó khăn là giá dầu giảm vẫn còn đó.
Nhờ đó, ngân sách không phải dùng đến 10.000 tỷ đồng thu thoái vốn nhà nước tại các DN mà Quốc hội đã cho phép.
Từ thực tế lật ngược thế cờ trên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tâm đắc rút ra bài học: đối mặt với khó khăn thì phải quyết liệt, sáng tạo biến thành thuận lợi, phải nỗ lực tìm ra và tận dụng triệt để mặt tích cực trong khó khăn. Bài học này đã được ngành Tài chính đúc rút từ thực tế.
Đó là khi đối mặt với giá dầu giảm, đe dọa hụt thu ngân sách, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cũng như chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp để tận dụng tối đa mặt tích cực của giá dầu giảm nhằm giảm đến mức thấp nhất chi phí đầu vào cho nền kinh tế và DN.
Cùng với đó là quyết liệt cải cách môi trường kinh doanh, mà trọng tâm với ngành Tài chính là đơn giản hóa thủ tục thuế, hải quan, nhằm tiết kiệm chi phí, thời gian, mang lại cơ hội kinh doanh tốt cho DN.
“Những nỗ lực cải cách trên đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các DN, từ đó gia tăng nguồn thu cho ngân sách bền vững hơn...”, ông Dũng nói và chia sẻ thêm, dĩ nhiên không thể bỏ qua một giải pháp quan trọng nữa mà ngành Tài chính cũng quyết liệt triển khai trong năm qua là tập trung đấu tranh với các hành vi gian lận thuế, chống thất thu và nợ đọng thuế, nên cũng góp phần tăng thu cho ngân sách.
Nhờ nỗ lực này mà Bộ trưởng Tài chính cũng đã thực hiện xong lời hứa trước Quốc hội là đảm bảo thu được 34.000 tỷ đồng trong tổng số 76.000 tỷ đồng nợ đọng thuế nội địa năm 2014, khi hết năm 2015 ngành Tài chính thu được trên 39.000 tỷ đồng tiền nợ thuế.
Từ chia sẻ của tư lệnh ngành Tài chính hé lộ ra một khía cạnh đáng suy ngẫm. Ấy là khó khăn chính là cơ hội để thực hiện triệt để hơn các cải cách về môi trường đầu tư, kinh doanh, giúp nguồn thu ngân sách dịch chuyển mạnh hơn từ các nguồn thu “thô” sang nguồn thu “tinh”.
Đây cũng là con đường để nền kinh tế và DN gia tăng sức khỏe để chủ động tận dụng tối đa các cơ hội, hóa giải thách thức khi cánh cửa hội nhập quốc tế của Việt Nam đang rộng mở hơn bao giờ hết.