Bộ Tài chính "phản pháo" đề xuất phí đường bộ của Bộ Giao thông

(ĐTCK) Bộ Tài chính nhận thấy, đề nghị của Bộ GTVT chưa phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cam kết với nhà đầu tư trong hợp đồng BOT mà Nhà nước đã ký...
Hiện cả nước có 53 trạm thu phí (ảnh: trạm thu phí cầu Đồng Nai) Hiện cả nước có 53 trạm thu phí (ảnh: trạm thu phí cầu Đồng Nai)

Phí đường bộ đối với dự án BOT do Bộ Tài chính đưa ra quá cao, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất lùi thời hạn tăng phí đối với một số trạm thu phí BOT nhưng không được Bộ Tài chính chấp thuận, đang là những vấn đề gây phản ứng trái chiều. 

Để làm rõ hơn vấn đề trên, trong thông tin cung cấp cho báo chí chiều nay (7/1), Bộ Tài chính cho hay, sau khi nhà đầu tư xây dựng dự án hoàn thành, căn cứ vào mức thu phí tại hợp đồng BOT, nhà đầu tư có văn bản đề nghị với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xem xét.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT có văn bản đề nghị Bộ Tài chính ban hành thông tư quy định thu phí hoàn vốn của từng dự án, trong đó đề xuất cụ thể về mức thu phí, thời gian thu phí hoàn vốn, lộ trình điều chỉnh tăng mức thu phí...

Theo Bộ Tài chính, trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT và hợp đồng BOT mà Bộ GTVT đã ký với nhà đầu tư (mức thu phí hoàn vốn và thời gian thu phí hoàn vốn), Bộ Tài chính thống nhất với Bộ GTVT để ban hành thông tư quy định mức thu phí từng dự án...

Mặt khác, về mức thu từng dự án phù hợp với quy định tại Thông tư 159/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thu phí sử dụng đường bộ hoàn vốn các dự án đầu tư xây dựng đường bộ, trong đó quy định khung mức thu phí; lộ trình điều chỉnh mức thu phí: năm 2014 mức thu tối đa không quá 2,5 lần mức tối thiểu khung; năm 2015 tối đa không quá 3 lần mức tối thiểu khung; năm 2016 áp dụng mức tối đa khung.

Thông tư 159/2013/TT-BTC được ban hành căn cứ vào Luật Giao thông đường bộ; Pháp luật phí, lệ phí; chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh tăng mức thu phí đường bộ theo lộ trình đến năm 2016 đạt mức 3,5 lần so với mức phí cơ bản tại Thông tư số 90/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ.

Ngày 30/12/2015, Bộ Tài chính nhận được Công văn 17178/BGTVT-TC ngày 25/12/2015 của Bộ GTVT đề nghị lùi thời hạn điều chỉnh mức thu phí hoàn vốn của 23 dự án BOT (có lộ trình tăng phí kể từ ngày 1/1/2016) đến ngày 1/6/2016.

Bộ Tài chính nhận thấy, đề nghị của Bộ GTVT chưa phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cam kết với nhà đầu tư trong hợp đồng BOT mà Nhà nước đã ký và không thể ban hành Thông tư lùi thời hạn ngay được từ ngày 1/1/2016 vì phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ Tài chính nhận thấy, đề nghị của Bộ GTVT chưa phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Mặt khác, hiện cả nước có 53 trạm thu phí, nhưng Bộ GTVT chỉ đề nghị lùi thời gian điều chỉnh tăng mức thu phí 5 tháng của 23 trạm, trong khi đó, vẫn tiếp tục có văn bản đề nghị Bộ Tài chính ban hành thông tư quy định thu phí hoàn vốn 7 dự án sắp hoàn thành, với mức thu bằng 3,5 lần mức thu cơ bản.

Do đó, Bộ Tài chính đã có Công văn 19683/BTC-CST ngày 31/12/2015 đề nghị Bộ GTVT đánh giá toàn diện chính sách, tổng thể tình hình thu phí các dự án... để đảm bảo công bằng giữa các nhà đầu tư, tôn trọng cam kết với nhà đầu tư, ổn định tâm lý của họ và môi trường đầu tư ở Việt Nam, tuân thủ đúng quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật.  

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục