Lật ngược án sơ thẩm liên quan tới bảo hiểm Hàng Không, Xuân Thành

(ĐTCK) Như thông tin về vụ tranh chấp hợp đồng vận chuyển giữa CTCP Dịch vụ thương mại và du lịch Trung ương (Công ty Thương mại) và Công ty TNHH Vận tải và Thương mại Vũ Gia Nguyên (Công ty Vũ Gia Nguyên) ĐTCK đã đăng tải. Bản án sơ thẩm đã bác yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường của Công ty Thương mại. Vụ việc đã được đẩy lên tòa phúc thẩm và kết quả là án sơ thẩm đã bị lật lại.
Lật ngược án sơ thẩm liên quan tới bảo hiểm Hàng Không, Xuân Thành

Sơ thẩm bác đơn vì sự cố bất khả kháng

Vụ tranh chấp này có 3 công ty khác đều có quyền và nghĩa vụ liên quan là Bảo hiểm Hàng không, Bảo hiểm Xuân Thành và Công ty TNHH Thương mại Vận tải biển Hợp Thành (Công ty Hợp Thành – đơn vị cho thuê tàu).

Công ty Thương mại mua bảo hiểm hàng hóa tại Bảo hiểm Hàng không và Công ty Vũ Gia Nguyên mua bảo hiểm trách nhiệm tại Bảo hiểm Xuân Thành.

Nhắc lại vụ việc, tháng 2/2013, Công ty Thương mại thuê Công ty Vũ Gia Nguyên vận chuyển bằng đường biển 870 tấn hàng trên tàu Hợp Thành 16 từ cảng Nhà máy xi măng Hạ Long (Quảng Ninh) đến cảng sông Hàn (Đà Nẵng). Tuy nhiên, trong quá trình vận chuyển hàng, tàu gặp mưa to, gió lớn, dẫn đến một phần be mạn trái phía mũi tàu bị gãy… , nước biển tràn vào hầm hàng làm 181 tấn xi măng bị vón cục và 82,2 tấn xi măng ướt đông chết, hư hỏng hoàn toàn.

Nguyên đơn Công ty Thương mại cho rằng, Công ty Vũ Gia Nguyên phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói trên với tổng số tiền là 223 triệu đồng.

Trong khi đó, bị đơn cho rằng, không có nghĩa vụ bồi thường, bởi đây là sự cố bất khả kháng: tai nạn do thời tiết xấu, tố lốc, mưa to bất thường gây ra. Chủ tàu và thuyền viên trên tàu không phải chịu trách nhiệm, trách nhiệm bồi thường thuộc về bên bảo hiểm hàng hóa. Bảo hiểm Xuân Thành và Công ty Hợp Thành phủ nhận trách nhiệm về tổn thất nói trên căn cứ vào sự cố bất khả kháng.

Căn cứ vào kết luận giám định, Bảo hiểm Hàng không từ chối bồi thường, vì cho rằng tổn thất nằm ngoài phạm vi bảo hiểm.

Tại bản án sơ thẩm, HĐXX nhận định thiệt hại nói trên là do sự cố bất khả kháng căn cứ vào nhật ký hàng hải và văn bản của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương. Tòa cấp sơ thẩm đã bác yêu cầu khởi kiện của Công ty Thương mại.

Gió cấp 5 có phải sự cố bất khả kháng?

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn Công ty Thương mại cho rằng, sự kiện mưa to, gió lớn gây ra tổn thất hàng hóa vào ngày 23/2/2013 không phải là sự cố bất khả kháng. Tàu khởi hành trong điều kiện được thông báo trước về tình hình thời tiết và đã biết về việc có mưa, gió mùa Đông Bắc cấp 5 - 6 xảy ra. Căn cứ nhật ký tàu, cấp gió tại thời điểm xảy ra sự cố là gió cấp 5 và chỉ mang tính cục bộ. Theo tập quán hàng hải, trong điều kiện như vậy, tàu khởi hành bình thường, không lánh, không trú ẩn, nhất là đối với tàu hạn chế cấp 2 như tàu Hợp Thành 16.

Ngoài ra, theo nguyên đơn, xem xét tình trạng tàu ở những vị trí có hư hại cho thấy, những vì trí này đã bị hư hỏng từ trước nhưng không được khắc phục sửa chữa, là nguyên nhân dẫn đến nước tràn vào tàu làm hư hỏng hàng hóa.

Phía bị đơn Công ty Vũ Gia Nguyên vẫn giữ quan điểm cho rằng, sự cố nói trên là sự cố bất khả kháng. Sau khi sự cố xảy ra, thuyền trưởng đã trình Kháng nghị hàng hải và được Cục Hàng hải xác nhận. Đây là tai nạn do thiên tai gây ra, là tai nạn hàng hải bất khả kháng, không thuộc lỗi của người vận chuyển, theo quy định tại Điều 78 Bộ luật Hàng hải về miễn trách nhiệm cho người vận chuyển.

Tàu Hợp thành chở quá tải    

Đáng chú ý, tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn đưa ra chứng cứ cho thấy tàu Hợp thành 16 đã chở quá tải. Cụ thể, theo Giấy chứng nhận cấp tàu mà Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp, tàu Hợp Thành 16 có trọng tài toàn phần là 891 tấn, trong khi thực tế, ngoài 870 tấn xi măng của Công ty Thương mại, 20 tấn nhiên liệu, 2 tấn nước dằn và 7 tấn nước ngọt, tàu Hợp thành 16 còn chịu thêm tải trọng của 50 tấn hàng hóa là xi măng nhận chở thêm bên ngoài.

Công ty Thương mại cũng trình nhiều tài liệu, văn bản thể hiện Công ty Hợp Thành đồng ý cho tàu Hợp Thành 16 chở tăng tải, như Biên bản đại diện tàu Hợp Thành 16 nhận hàng với Nhà máy xi măng Hạ Long, Hóa đơn tăng tải số 0001391 ngày 18/2/2013 (số lượng 50 tấn)…

Trước những chứng cứ, tài liệu này, Công ty Vũ Gia Nguyên và Công ty Hợp Thành đã phải thừa nhận có việc chở tăng tải.

Phúc thẩm lật ngược án sơ thẩm

Theo HĐXX, căn cứ vào Điều 161 Bộ luật Dân sự, sự kiện được cho là bất khả kháng phải hội đủ 3 yếu tố: xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được, không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Căn cứ hồ sơ, tài liệu vụ án được thẩm tra và kết quả xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX cho rằng, cấp gió tại thời điểm xảy ra sự cố chưa đủ để tạo ra tình trạng thời tiết có bão, hơn nữa, tình hình thời tiết này đã được dự báo trước, cho nên không thể xem là sự cố “không lường trước được”. HĐXX cũng cho rằng, kết luận giám định của Công ty Hàng hải H.D.T là có cơ sở khi cho rằng, thuyền trưởng không xem xét, đánh giá đầy đủ nguy hiểm tàu gặp phải, không khắc phục khiếm khuyết trước hành trình.

Ngoài ra, tàu Hợp thành 16 chở quá tải là đã vi phạm quy định về an toàn hàng hải đối với tàu biển, ảnh hưởng an toàn hàng hóa trong quá trình vận chuyển. Từ đó, HĐXX phúc thẩm đã sửa án sơ thẩm, chấp nhận đơn khởi kiện của Công ty Thương mại, buộc Công ty Vũ Gia Nguyên phải bồi thường số tiền 223 triệu đồng cùng với án phí 11,1 triệu đồng.

Hoàng Duy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục