2 DN bảo hiểm bị "lôi" vào tranh chấp song phương

(ĐTCK) Vừa qua, TAND quận Hải Châu (Đà Nẵng) đã xét xử vụ án tranh chấp hợp đồng vận chuyển giữa nguyên đơn CTCP Dịch vụ Thương mại và Du lịch Trung ương (Công ty Thương mại) và bị đơn Công ty TNHH Vận tải và Thương mại Vũ Gia Nguyên (Công ty Vũ Gia Nguyên).
Bảo hiểm Xuân Thành là một trong những bên liên quan của vụ tranh chấp Bảo hiểm Xuân Thành là một trong những bên liên quan của vụ tranh chấp

2 DN bảo hiểm bị "lôi" vào tranh chấp song phương ảnh 1

Bảo hiểm Xuân Thành là một trong những bên liên quan của vụ tranh chấp

Vụ tranh chấp này có 3 công ty khác đều có quyền và nghĩa vụ liên quan là Bảo hiểm Hàng không (bảo hiểm hàng hóa cho Công ty Thương mại), Bảo hiểm Xuân Thành (bảo hiểm trách nhiệm cho Công ty Vũ Gia Nguyên) và Công ty TNHH Thương mại Vận tải biển Hợp Thành (Công ty Hợp Thành - đơn vị cho Công ty Vũ Gia Nguyên thuê tàu).

Cụ thể, tháng 2/2013, Công ty Thương mại thuê Công ty Vũ Gia Nguyên vận chuyển bằng đường biển 870 tấn hàng trên tàu Hợp Thành 16 từ Cảng Nhà máy Xi măng Hạ Long (Quảng Ninh) đến Cảng sông Hàn (Đà Nẵng).

Tuy nhiên, trong khi vận chuyển hàng, tàu gặp mưa to, gió lớn, sóng mạnh lên bất thường đã làm gãy một phần be mạn trái phía mũi tàu, gãy giá đỡ nêm bạt hầm hàng, gãy ống thông hơi… Ngày hôm sau, khi tàu thả neo tại vịnh Đà Nẵng, thuyền viên phát hiện hầm hàng số 1, số 2 bị ngập nước, hàng hóa được dỡ khỏi tàu đưa về kho.

CTCP Hàng hải HDT, đơn vị được mời giám định mức độ và nguyên nhân tổn thất kết luận, 181 tấn xi măng bị vón cục; 82,2 tấn xi măng ướt đông chết, hư hỏng hoàn toàn. Về nguyên nhân tổn thất, HDT kết luận, điều kiện cấp gió lúc xảy ra sự cố không phải là gió bão, như vậy tổn thất không phải là do bão trực tiếp gây ra.

Thuyền trưởng không xem xét, đánh giá đầy đủ nguy hiểm mà tàu gặp phải, không áp dụng thích hợp các biện pháp để giảm tổn thất. Thuyền trưởng thiếu quan tâm đến công tác bảo quản tàu cũng như khắc phục khiếm khuyết trước hành trình.

Căn cứ vào kết quả giám định, biên bản hiện trường và biên bản làm việc giữa các bên, nguyên đơn cho rằng, Công ty Vũ Gia Nguyên phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại 223 triệu đồng.

Trong khi đó, bị đơn cho rằng, theo điều khoản hợp đồng và quy định miễn trách nhiệm của người vận chuyển, thì bên vận chuyển không phải bồi thường thiệt hại về hàng hóa do sự cố bất khả kháng gây ra (cụ thể ở đây là tai nạn xảy ra trên biển do thời tiết xấu, tố lốc, mưa to bất thường). Tổn thất này thuộc về trách nhiệm bồi thường của bảo hiểm hàng hóa (nếu có).

Như vậy, mấu chốt quan trọng của vụ án để xác định ai, bên nào sẽ phải chịu trách nhiệm về khoản thiệt hại nói trên nằm ở “sự cố bất khả kháng”. Thời điểm tàu gặp tai nạn có được coi là sự cố bất khả kháng hay không?

Theo ghi nhận trong nhật ký tàu, tại thời điểm xảy ra sự cố, tàu chạy ngang sóng, sóng đánh trực diện vào mạn trái. Suốt hành trình, gió giật cấp 4 và chỉ tăng lên cấp 5 trước và sau sự cố 5h, hiện tượng thời tiết này cục bộ, trong khu vực nhỏ và sự khác biệt về mức gió không quá lớn.

Xem xét kỹ hơn, quầy hầm hàng, bạt che phủ hầm hàng, vị trí nước biển tràn vào hầm hàng, tình trạng mạn giả bị gãy… nhà giám định nhận thấy, hầm số 1 bị mất 3 m giá đỡ nêm bạt hầm hàng từ trước đó rất lâu. Bạt che phủ ngoài cùng cũ, đã có vết rách.

Mạn giả vốn được được thiết kế như một phần thân tàu, chắc chắn và chịu được gió cấp 7 nhưng mới gặp gió cấp 5 đã bị gãy, chứng tỏ là quá cũ và yếu. Từ đó, Bảo hiểm Hàng không xác định, tổn thất lô hàng xi măng không thuộc phạm vi trách nhiệm của bảo hiểm.

Bảo hiểm Xuân Thành cũng cho rằng, thiệt hại này không thuộc trách nhiệm chủ tàu và nhà bảo hiểm, bởi theo Bộ luật Hàng hải, thì người vận chuyển được miễn trách nhiệm nếu tổn thất xảy ra trong trường hợp thiên tai.

Đối với bên cho thuê tàu, Công ty Hợp Thành cho biết, đã khắc phục sự cố ngay hôm sau khi tàu neo ở vịnh Đã Nẵng và khẳng định, thuyền trưởng, thuyền viên đã làm hết trách nhiệm, tai nạn do thiên tai gây ra, là trường hợp bất khả kháng, nên được miễn trách nhiệm.

Dù kết quả giám định tổn thất không phải là hậu quả trực tiếp do bão gây ra, nhưng HĐXX vẫn cho rằng, thiệt hại nói trên là do sự cố bất khả kháng căn cứ vào nhật ký hàng hải và văn bản của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương: tại khu vực và thời điểm xảy ra tai nạn có mưa rào, gió mạnh kèm theo gió giật. Bản án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Thương mại.

Ngoài ra, HĐXX cũng không chấp nhận yêu cầu của Công ty Thương mại là buộc Bảo hiểm Hàng không bồi thường tổn thất nếu Tòa án xác định đây là trường hợp bất khả kháng.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 161 Bộ luật Dân sự: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.

Trường hợp tàu Hợp Thành 16, sự kiện mưa to, gió giật cấp 5 - 6 đúng là yếu tố khách quan nhưng không phải sự kiện bất khả kháng, vì không phải không dự liệu trước được khi mà tình hình thời tiết diễn ra đúng với dự báo thời tiết.

Theo tập quán hàng hải, cấp gió 4 - 5 được coi là cấp bình thường, trong điều kiện như vậy, tàu vẫn khởi hành bình thường, không lánh, trú ẩn. Do đó, nguyên đơn Công ty Thương mại đã có đơn kháng cáo.   

>>Nhiều chủ tàu vẫn “né” bảo hiểm                                                        

Hoàng Duy
Hoàng Duy

Tin cùng chuyên mục