Bảo hiểm nhân thọ cạnh tranh khốc liệt
Ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn đầu của sự phát triển. Là một thị trường năng động mới nổi ở Đông Nam Á, có cơ cấu dân số lý tưởng cùng với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu cũng như tiềm năng tăng trưởng kinh tế đã khiến Việt Nam trở thành một thị trường hấp dẫn trong con mắt của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Sự đổ bộ của các doanh nghiệp nước ngoài dẫn đến sự sụt giảm thị phần các công ty trong nước.
Do có sự tham gia nhiều đối thủ cạnh tranh, thị phần của Bảo Việt đã giảm xuống đứng thứ hai sau Prudential. Các vị trí dẫn đầu về phí bảo hiểm gốc trong nhiều năm gần đây thuộc về: Prudential, Bảo Việt, Manulife, Dai-ichi và AIA. Tuy nhiên, khoảng cách về thị phần giữa 5 doanh nghiệp này đã thu hẹp lại. Dự báo, tình hình cạnh tranh sẽ tiếp diễn và các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ từ trên khắp nơi trên thế giới tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.
Sản phẩm bảo hiểm ngày càng đa dạng
Tốc độ tăng trưởng hai con số của ngành bảo hiểm Việt Nam nói chung và bảo hiểm nhân thọ nói riêng đã trở thành động lực cho các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, ra mắt nhiều sản phẩm mới nhằm gia tăng thị phần.
Từ năm 2007, sau khi Bộ Tài chính cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cung cấp sản phẩm bảo hiểm đầu tư liên kết, còn được gọi là bảo hiểm liên kết chung, người mua bảo hiểm dần yêu thích sản phẩm này hơn qua thời gian.
Sản phẩm liên kết đầu tư là một cách để người mua bảo hiểm đầu tư gián tiếp vào tài sản đầu tư thông qua các quỹ đầu tư của các công ty bảo hiểm, qua đó người sử dụng sản phẩm có xác suất lãi cao hơn các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thông thường.
Một sự khác biệt lớn giữa sản phẩm liên kết đầu tư và sản phẩm hỗn hợp là sản phẩm liên kết đầu tư không đảm bảo cho người mua bất kỳ dòng niên kim cố định nào. Dòng niên kim trong sản phẩm liên kết đầu tư hoàn toàn phụ thuộc vào hiệu suất của các quỹ đầu tư. Tiềm năng cho loại sản phẩm này phần lớn chưa được khai thác, dự báo sẽ tiếp tục phát triển cùng với sự phát triển của các kênh đầu tư tại Việt Nam.
Năm 2013, bảo hiểm hưu trí đã được giới thiệu cho công chúng. Từ quý I/2014, thị trường bảo hiểm nhân thọ chứng kiến một làn sóng các sản phẩm mới xuất phát từ tâm lý chung tại Việt Nam hiện nay: đầu tư cho tương lai thế hệ sau và kế hoạch nhu cầu tài chính khi nghỉ hưu.
Bảo hiểm phi nhân thọ: đà tăng trưởng chững lại
Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng phí bảo hiểm gốc trung bình 23%/năm trong giai đoạn 2005 - 2011. Tốc độ tăng trưởng này phần nào phản ánh sự bùng nổ của nền kinh tế trong giai đoạn đó. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ bị kìm hãm bởi những nỗ lực của Chính phủ trong việc kiểm soát lạm phát, thắt chặt chi tiêu công và đầu tư trong giai đoạn sau. Tăng lãi suất và thắt chặt dòng tín dụng đã được thực hiện để kiềm chế lạm phát, do đó làm giảm các hoạt động đầu tư cũng như nhu cầu về bảo hiểm tài sản.
Năm 2013, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ chỉ đạt mức tăng 7,3% so với năm 2012 và năm 2014 ước tăng 11,3% so với năm 2013.
Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cạnh tranh bằng cách giảm phí, thậm chí xuống thấp hơn so với điểm hòa vốn, dẫn đến kết quả hoạt động kinh doanh thua lỗ. Nguyên nhân thứ hai gây thua lỗ nghiệp vụ là do tình trạng trục lợi bảo hiểm ngày càng gia tăng. Điều này dẫn đến phí bảo hiểm sau này sẽ cao hơn do các công ty bảo hiểm muốn sàng lọc và lựa chọn những người thực sự có nhu cầu bảo hiểm. Tuy nhiên, phí bảo hiểm cao là trở ngại đối với nhiều hộ gia đình ở Việt Nam khi thu nhập của họ vẫn còn dưới mức trung bình.
Sự trớ trêu của việc giảm phí để tăng thị phần và tăng phí để hạn chế tình trạng trục lợi bảo hiểm cần phải được giải quyết trong tương lai, nếu các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ muốn thúc đẩy sự phát triển của phân khúc này.
“Cuộc chiến” hoa hồng của bảo hiểm phi nhân thọ
Bộ Tài chính quy định mức trần phí hoa hồng bảo hiểm để hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các công ty bảo hiểm thông qua phí hoa hồng cho đại lý và môi giới, đồng thời đảm bảo khả năng thanh toán của các doanh nghiệp bảo hiểm. Đối với môi giới bảo hiểm, Bộ Tài chính đặt trần cho phí hoa hồng là 15% tổng phí bảo hiểm gốc. Đối với đại lý bảo hiểm, tỷ lệ hoa hồng thay đổi tùy theo sản phẩm bảo hiểm.
Tuy nhiên, quy định này dường như chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Trong thực tế, hầu hết các đại lý bảo hiểm và môi giới bảo hiểm thường ra sức để đạt được tỷ lệ phí hoa hồng cao nhất khi bán sản phẩm bảo hiểm. Thậm chí, họ yêu cầu phí hoa hồng nhiều hơn từ công ty do sự cạnh tranh trong phân khúc bảo hiểm phi nhân thọ ngày càng trở nên khốc liệt. Hiện nay, có 29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ với 5 doanh nghiệp có thị phần lớn nhất chiếm 2/3 tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc. Vì vậy, cạnh tranh giữa 19 công ty còn lại rất quyết liệt khi họ phải cạnh tranh cho 1/3 thị phần còn lại.
Quy định về các mức phí hoa hồng khác nhau cho đại lý bảo hiểm và môi giới bảo hiểm đã bộc lộ hạn chế. Đối với những sản phẩm mà các nhà môi giới nhận được ít hoa hồng hơn so với các đại lý, các nhà môi giới có xu hướng yêu cầu phí hoa hồng bằng với tỷ lệ hoa hồng như các đại lý nhận được.
Yêu cầu bất hợp lý này một phần được lý giải là do một số nhà môi giới bảo hiểm thường phải trả hoa hồng cho khách hàng bằng cách hạ thấp phí bảo hiểm cho chính khách hàng. Nếu khách hàng có thể giới thiệu bạn bè của họ để mua sản phẩm bảo hiểm, họ cũng nhận được hoa hồng từ các nhà môi giới. Điều này làm chi phí bán hàng tăng cao và gây thiệt hại cho doanh nghiệp bảo hiểm.
Sự cạnh tranh phí hoa hồng ở Việt Nam có thể là lý do khiến nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài không bắt kịp với các doanh nghiệp trong nước về thị phần. Nhìn chung, doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tuân thủ các quy định nghiêm ngặt hơn so với doanh nghiệp trong nước. Trong năm 2013, thị phần của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ 100% vốn nước ngoài chỉ chiếm 6,8%.
Tái bảo hiểm phụ thuộc phần lớn vào nước ngoài
Trước năm 2011, thị trường tái bảo hiểm ở Việt Nam chỉ có một doanh nghiệp tái bảo hiểm, đó là Tổng công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (Vinare). Năm 2011, PVI Re, một công ty thành viên của PVI, gia nhập thị trường tái bảo hiểm với mức vốn điều lệ là 460 tỷ đồng, hiện có vốn điều lệ 668 tỷ đồng.
Trước đây, Luật Kinh doanh bảo hiểm yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm tìm cách tái bảo hiểm ra nước ngoài phải nhượng ít nhất 20% rủi ro cần bảo hiểm cho Vinare. Sau đó, theo cam kết gia nhập WTO, Việt Nam bãi bỏ yêu cầu này vào năm 2008, khiến cho thị trường tái bảo hiểm tại Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, thị trường trong nước vẫn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài.
Năm 2014, hoạt động tái bảo hiểm ra thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ chiếm 94,28% tổng số phí nhượng tái. Các doanh nghiệp bảo hiểm lớn tại Việt Nam như Bảo Việt, Bảo Minh đều có chương trình tái bảo hiểm riêng, nhưng vẫn nhượng đến 70% cho doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài để phòng ngừa rủi ro.
Lợi nhuận từ hoạt động tái bảo hiểm gia tăng
Về mặt lý thuyết, sau một giai đoạn phí bảo hiểm tăng lên nhanh chóng là giai đoạn phí tái bảo hiểm giảm xuống. Ngoài ra, trong những năm mà thị trường cổ phiếu tăng trưởng nhanh, ít khiếu nại bồi thường bảo hiểm và thu nhập từ hoạt động đầu tư tăng, nguồn cung dịch vụ tái bảo hiểm sẽ tăng, do đó, phí tái bảo hiểm giảm. Ngược lại, thu nhập từ hoạt động đầu tư giảm cùng với thiên tai xảy ra sẽ khiến phí tái bảo hiểm tăng lên.
Việt Nam dường như đang ở trong giai đoạn thị trường “mềm” của một chu kỳ kinh doanh bảo hiểm. Hơn nữa, tại Việt Nam, do sản phẩm đầu tư liên kết vẫn còn chiếm tỷ trọng nhỏ trên tổng số sản phẩm bảo hiểm nên mối quan hệ giữa lợi nhuận của thị trường chứng khoán và lợi nhuận trong kinh doanh tái bảo hiểm vẫn thể hiện mối tương quan thấp.
Nhìn vào báo cáo tài chính của Vinare trong những năm trước, có thể thấy lợi nhuận từ tái bảo hiểm ở mức thấp so với lợi nhuận đầu tư tài chính và các hoạt động khác như đầu tư vào công ty con. Tuy nhiên, tỷ trọng lợi nhuận từ mảng hoạt động tái bảo hiểm trong tổng lợi nhuận các hoạt động ngày một lớn hơn cùng với việc gia tăng tỷ lệ nhượng tái bảo hiểm được giữ lại trong nước.