Còn nhớ thời điểm Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhậm chức vào tháng 8/2011, giá vàng thế giới tăng vọt, chạm mức cao kỷ lục 1.917 USD/ounce, thị trường vàng trong nước cũng tăng giảm “chóng mặt” với biên độ dao động lên tới vài triệu đồng, khiến tình trạng đầu cơ, làm giá bùng phát, cùng với đó là hình ảnh người dân chen nhau mua bán vàng… Mục tiêu được xác định là bình ổn thị trường và đích đến cuối cùng là hạn chế tối đa việc người dân găm giữ vàng, được thể hiện rõ trong Nghị định 24 có hiệu lực từ tháng 5/2012, với bước đầu tiên là thu hẹp mạng lưới kinh doanh vàng.
Tiếp theo cấm ngân hàng huy động và cho vay vàng, buộc tất toán trạng thái để chuyển hoàn toàn quan hệ vay mượn sang mua bán trong hệ thống ngân hàng, từ đó giúp hệ thống ngân hàng loại trừ được rủi ro, tránh nguy cơ đổ vỡ. Rồi sau đó, rất nhiều ý kiến đề nghị cho huy động vàng trở lại nhằm tận dụng nguồn lực lớn đang “nằm bất động” và đỉnh điểm câu chuyện này được nhắc đến trong Nghị quyết 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 của Chính phủ.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN nghiên cứu thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực vàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khi các điều kiện thị trường thuận lợi. Thời điểm đó, trong cuộc trao đổi với báo chí, ông Bình thừa nhận, nguồn vàng tích trữ trong dân rất lớn, nếu được khơi thông sẽ có lợi chung cho nền kinh tế.
Các giải pháp huy động vàng trong dân được đặt ra như: lập sàn giao dịch vàng quốc gia, phát hành chứng chỉ huy động vàng… Tuy nhiên, cùng lúc đó, các câu hỏi được đặt ra rằng, huy động vàng để làm gì? Có sử dụng hiệu quả được nguồn vàng huy động hay không? Cơ quan nào sẽ thực hiện quy chuẩn đo lường chất lượng đảm bảo? Cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm như thế nào khi việc sử dụng nguồn lực này không hiệu quả?... Từ đó đến nay, vẫn chưa có câu trả lời xác đáng!
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho biết, tại Mỹ, không có Sở giao dịch vàng riêng, mà chỉ có Sở giao dịch hàng hóa và vàng là một trong những sản phẩm trong Sở này. Trong khi đó, ở Việt Nam, Sở giao dịch hàng hóa còn đang hoạt động rất èo uột. Để thành lập Sở giao dịch hàng hóa, cần xây dựng quy chế pháp lý, tổ chức nhân sự và để triển khai được thì đi cùng với đó là công nghệ thông tin, đặc biệt là liên kết thế nào với sàn vàng thế giới… Vấn đề đặt ra, liệu có những đối tác thương mại, kinh tế nào ngoài NHNN có thể giao dịch vàng với nước ngoài?
“Cả một chương trình làm việc dày đặc, trong khi NHNN lại chưa có nhân lực, kỹ thuật và kinh nghiệm, nên việc thành lập sàn vàng quốc gia là một vấn đề lớn, cần có những nghiên cứu thấu đáo hơn”, TS. Hiếu nói.
Ở góc độ khác, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, thời điểm hiện nay việc kiến nghị hình thành Sở giao dịch vàng là điều không phù hợp, không cần thiết bởi Sở giao dịch được thành lập sẽ kinh doanh vàng vật chất, vàng giấy, vàng ảo, tăng thêm vai trò của vàng trong khi các năm vừa qua Chính phủ, NHNN đang nỗ lực làm giảm vai trò của vàng trong nền kinh tế, thông qua đó được lợi một loạt chính sách liên quan đến tiền tệ, ngoại hối. Việc kiến nghị thành lập Sở giao dịch vàng là vô hình chung lại khuyến khích người dân đầu tư vào vàng.
“Nếu chúng ta cứ trao cho vàng chức năng như một công cụ tài chính thì có thể sẽ lại quay về tình trạng vàng hóa nền kinh tế. Việc Thành lập Sở Giao dịch vàng lại làm cho thị trường trở nên phức tạp hơn nếu xét ở góc độ tài chính. Điều quan trọng trong bối cảnh hiện nay là làm sao để người dân không đầu tư vào vàng, chuyển sang các lĩnh vực khác hoặc trực tiếp sản xuất kinh doanh thậm chí là gửi tiết kiệm vào ngân hàng”, TS. Ánh nhấn mạnh.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, tiếp tục ghi nhận kiến nghị của Hiệp hội, nhưng có lẽ chính Hiệp hội cũng cần phải nghiên cứu kỹ hơn nữa về những kiến nghị của mình, cũng như thời điểm công bố hợp lý, tránh tình trạng kiến nghị “để cho có”…