Lập Sở Giao dịch vàng quốc gia: Kiến nghị cũ được làm mới

(ĐTCK) Thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia nhằm huy động vàng vật chất trong dân là kiến nghị không mới, nhưng lần này, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã đưa ra những đề xuất mới về phương thức hoạt động. 
Thị trường vàng được bình ổn, nhưng còn một lượng vàng lớn trong dân chưa được khai thác Thị trường vàng được bình ổn, nhưng còn một lượng vàng lớn trong dân chưa được khai thác

Chuyện không mới

Việc huy động vàng trong dân, theo nhiều chuyên gia, là câu chuyện nên làm, bởi từ khi các ngân hàng không còn được huy động vàng thì một nguồn lực khá lớn của xã hội bị lãng phí, nằm im trong tủ của người dân. Theo nhận định của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, lượng vàng trong dân hiện lên tới khoảng 500 tấn.

Thực ra, trong Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng cũng có yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) huy động vàng trong dân. Tuy nhiên, đến nay, chưa có giải pháp nào được thực hiện.

Trao đổi với ĐTCK, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) nói: “Từ năm 2012 đến nay, giá vàng thế giới từ mức 1.600 USD/ounce đã giảm sâu xuống mức 1.270 USD/ounce, nghĩa là thiệt hại về mặt tài sản trong toàn xã hội là rất lớn, trong khi vàng vật chất không đưa vào được hoạt động kinh doanh”.

Việt Nam đang thiếu vốn nên đã và đang phải huy động trái phiếu quốc tế nhưng nếu có một tài sản đảm bảo chắc chắn lãi suất huy động trái phiếu chính phủ sẽ thấp hơn, theo ông Trần Thanh Hải.

Mới đây, Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam có công văn gửi NHNN kiến nghị việc huy động vàng trong dân và thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia. Kiến nghị này thực chất không mới, bởi 5 năm trước đây, một ngân hàng đã kiến nghị lên Chính phủ thông qua Đề án thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia.

Theo đó, NHNN sẽ tập trung một số ngân hàng lớn thành lập sàn giao dịch như hình thức sàn giao dịch chứng khoán. NHNN đóng vai trò người thiết lập luật chơi giống như vai trò Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hiện nay và không vì mục đích lợi nhuận, còn ngân hàng đóng vai trò tương tự công ty chứng khoán, hoạt động thông qua các nghiệp vụ kinh doanh trên sàn. Là một trong những thành viên của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, ông Hải cũng thừa nhận Hiệp hội kiến nghị thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia dựa trên nền tảng đề xuất cũ.

Chia sẻ với ĐTCK, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết, hơn 10 năm trước, khi thị trường vàng Thượng Hải chưa hình thành, Hội đồng Vàng thế giới đã hỗ trợ Việt Nam đi học hỏi, tìm hiểu để hình thành sàn giao dịch vàng quốc gia, nhưng sau đó Việt Nam đã không mạnh dạn triển khai. 

… nhưng phương thức hoạt động mới

Theo ông Trần Thanh Hải, hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản đã được chấm dứt từ ngày 31/3/2010, nếu trở lại hoạt động kinh doanh sàn vàng theo lối cũ chắc chắn Chính phủ, NHNN sẽ không ủng hộ. Do vậy, kiến nghị thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia lần này của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, là trên cơ sở chuyển sang kinh doanh vàng theo phương thức mới, với trọng tâm là vàng vật chất.

Cụ thể, Sở Giao dịch vàng do NHNN đứng ra quản lý cũng có thị trường sơ cấp và thứ cấp. Theo đó, tại thị trường sơ cấp, tổ chức, cá nhân có vàng gửi vào các NHTM được NHNN cho phép ủy thác huy động vàng, mà không trả lãi tiền gửi để tránh tình trạng vàng hóa. NHTM giữ hộ vàng không mất phí và người gửi sẽ được nhận một chứng chỉ vàng của NHTM, giống như được chứng nhận quyền sở hữu trái phiếu Chính phủ ở thị trường sơ cấp, được quyền kinh doanh, mua bán trên thị trường thứ cấp.

Thị trường vàng thứ cấp chính là Sở Giao dịch vàng tập trung sẽ phục vụ những tổ chức, cá nhân có vàng (trên cơ sở có chứng chỉ vàng) cần tiền, muốn bán một phần vàng trong số lượng đang gửi ngân hàng để lấy tiền. Hay nhà đầu tư muốn thay đổi danh mục đầu tư từ TTCK sang thị trường tiền tệ, mà không đụng tới quỹ vàng mấy trăm tấn NHNN đang giữ. Cơ chế hoạt động của thị trường thứ cấp đối với các chứng chỉ kinh doanh vàng cho các tổ chức, cá nhân được quyền nắm giữ vàng và các tổ chức, cá nhân khác nếu đủ điều kiện, được quyền kinh doanh trên thị trường thứ cấp, gọi là kinh doanh vàng giấy.

“Với cơ chế hoạt động của sở giao dịch vàng quốc gia như vậy giúp cho nhà nước giải quyết vấn đề vàng hóa, đồng thời, giá vàng trong nước đi sát giá vàng thế giới theo quy luật của thị trường”, ông Hải nói.

Ông Hải phân tích thêm, không có chuyện sẽ nhập vàng vật chất về để cho rút vàng vật chất, mà nguồn hàng hóa đầu tiên trên thị trường thứ cấp là từ thị trường sơ cấp (500 tấn vàng của các tổ chức, cá nhân có chứng chỉ vàng) sau này kinh doanh thứ cấp còn là các quỹ đầu tư… Thị trường thứ cấp là nhằm mua bán cân đối vàng, chứ không mua bán và rút vàng vật chất làm vàng hóa nền kinh tế.

“Thứ nhất, khống chế người được giao dịch trên thị trường thứ cấp phải là những người có tài sản trên thị trường sơ cấp (chứng chỉ vàng); Thứ hai, các TCTD, công ty quản lý quỹ sẽ phải cân đối trong chừng mực nào đó, ví dụ như giới hạn không quá 1% vốn điều lệ để được quyền kinh doanh vàng; Thứ ba, DN kinh doanh vàng có giấy phép của NHNN là những thành viên được quyền kinh doanh vàng miếng để cân đối trong điều kiện NHNN ngừng đấu thầu nhiều năm nay (khoảng 2.000 DN). Đặc biệt, sau này, khi có cơ chế quản lý tốt, có thể cho thêm DN nước ngoài đặc biệt đang đầu tư TTCK (thị trường vốn) trong một vài trường hợp chuyển sang thị trường tiền tệ để nhà đầu tư có thêm một sân chơi”, ông Hải khuyến nghị. 

Cân nhắc lợi ích

Theo Bộ Tài chính, dự kiến đến tháng 7/2017, Việt Nam có thể không còn được vay vốn ODA, mà phải chuyển dần sang vay theo điều kiện thị trường với mức lãi suất cao. Trong khi đó, nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong những năm tới là rất lớn, bởi vậy, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, việc nghiên cứu giải pháp huy động có hiệu quả nguồn lực vàng trong dân cho phát triển kinh tế là rất cấp bách trong điều kiện hiện nay.

Ông Hải cho rằng, Việt Nam đang thiếu vốn nên đã và đang phải huy động trái phiếu quốc tế (năm 2015 huy động 3 tỷ USD với lãi suất rất cao) nhưng nếu có một tài sản đảm bảo chắc chắn lãi suất huy động trái phiếu chính phủ sẽ thấp hơn. Nghĩa là, lượng vàng vật chất vốn không phải trả lãi sẽ được dùng để đảm bảo việc huy động nguồn trái phiếu Chính phủ trên thị trường quốc tế với lãi suất thấp là điều ích nước lợi nhà.

“Nghị định 24 cùng một số thông tư của NHNN đã có những kết quả bước đầu đó là bình ổn thị trường vàng với các cơn sóng vàng, đồng thời ổn định được thị trường ngoại tệ, tôi cho rằng, đó là nỗ lực của NHNN, các cấp, ngành. Tuy nhiên, đứng ở góc độ tài sản của xã hội, cụ thể là mấy trăm tấn vàng vật chất nằm trong dân là một sự lãng phí. Bên cạnh đó, mở được sở giao dịch vàng, các DN vàng chắc chắn sẽ ủng hộ vì trong chừng mực nào đó, DN kinh doang vàng bằng cách này hay cách khác vẫn phải cân đối giá vàng để đảm bảo giá bởi sau Nghị định 24 và hơn 70 cuộc đấu thầu vàng thì nguồn cung không còn nữa. Do đó, DN kinh doanh tự phát: mua được bao nhiêu bán bấy nhiêu”, ông Hải nói.

Bà Dung chia sẻ, việc chưa có sở giao dịch vàng quốc gia đã dẫn đến những sàn vàng tự phát không kiểm soát được, theo đó là tình trạng biến động giá vàng những năm trước khiến Nhà nước phải sử dụng các biện pháp hành chính để kiểm soát thị trường.

“Nghị định 24 phải khẳng định là đúng đắn, ổn định thị trường, nhưng về lâu dài, đối với nền kinh tế thị trường, không thể dùng biện pháp hành chính mãi. Sàn vàng quốc gia là mô hình để kiểm soát, bình ổn thị trường. Thị trường vận hành khoa học, bài bản, lợi ích thuộc về xã hội, trong đó có ngành và của DN hoạt động trong lĩnh vực này”, bà Dung nói.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục