Nợ xấu đang tăng
Nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với ngày càng nhiều cơn gió ngược trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 kéo dài. Suy thoái kinh tế và lãi suất tăng có thể dẫn đến các khoản nợ xấu cao hơn, vì việc trả nợ và dịch vụ liên quan đến khoản nợ trở nên khó khăn hơn đối với người vay. Đổi lại, mức độ nợ xấu cao và dai dẳng có thể làm suy yếu hoạt động tín dụng của ngân hàng cũng như khả năng phục hồi của nền kinh tế.
Các khoản nợ xấu do các ngân hàng ở châu Á nắm giữ có tổng trị giá 794 tỷ USD vào cuối năm 2021 (tăng từ mức 766 tỷ USD cuối năm 2020 và 692 tỷ USD cuối năm 2019). Trong thời kỳ đại dịch, các gói kích thích tài chính đã giúp ngăn chặn tình trạng vỡ nợ của các công ty, đồng thời việc nới lỏng các quy định về phân loại nợ làm giảm bớt áp lực thu hồi nợ cho các ngân hàng.
Tuy vậy, hậu đại dịch, chính sách tiền tệ thắt chặt trên quy mô toàn cầu và các điều kiện kinh tế và tài chính đầy thách thức có thể gây ra rủi ro đáng kể đối với chất lượng tài sản của các ngân hàng, làm tăng các khoản nợ xấu trong tương lai gần. Để tránh tăng tỷ lệ nợ xấu, làm giảm khả năng cho vay của ngân hàng và làm xấu đi hiệu quả kinh tế, điều quan trọng là phải củng cố cách thức hoàn trả hoặc cách xử lý các khoản nợ xấu.
Xử lý nợ xấu (trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng) có thể được thực hiện hiệu quả hơn thông qua thị trường cho vay nợ xấu tư nhân. Hiện nay, mức độ phát triển của thị trường nợ xấu ở các nước châu Á có sự khác nhau đáng kể. Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc đều có thị trường mua bán nợ xấu, dù có những đặc điểm khác nhau, bao gồm cả mức độ tham gia của nhà đầu tư quốc tế, song nhiều quốc gia khác trong khu vực vẫn đang ở giai đoạn đầu phát triển thị trường mua bán nợ xấu, chẳng hạn như Việt Nam và Kazakhstan.
Những trở ngại đối với sự phát triển thị trường mua bán nợ xấu bao gồm số lượng hạn chế các nhà đầu tư, sự khan hiếm thông tin về giá cả và khối lượng trên thị trường. Hơn nữa, môi trường thể chế đóng một vai trò quan trọng, với khung pháp lý yếu kém, thực thi tài sản thế chấp yếu kém và thủ tục phá sản còn bất cập làm tăng thêm những bất cập của thị trường. Kết quả là, thường có một khoảng cách đáng kể giữa mức giá mà một nhà đầu tư sẵn sàng trả và mức giá mà ngân hàng sẵn sàng chấp nhận cho một khoản vay không hiệu quả.
Sàn giao dịch nợ điện tử cho toàn châu Á là một ý tưởng thú vị |
Phát triển sàn mua bán nợ điện tử, yêu cầu từ thực tế
Bà Cyn-Young Park là tác giả chính của các ấn phẩm chủ chốt của ADB, bao gồm “Triển vọng phát triển châu Á”, “Giám sát thị trường vốn châu Á”, “Giám sát kinh tế châu Á”, “Giám sát trái phiếu châu Á” và nhiều nghiên cứu chẩn đoán quốc gia. Bà đã tham gia nhiều diễn đàn toàn cầu và khu vực, thuyết trình về nền kinh tế và thị trường tài chính châu Á. Trước khi gia nhập ADB, bà là chuyên gia kinh tế của OECD.
Các nền tảng giao dịch điện tử cho những khoản nợ xấu có thể giải quyết một số trở ngại thị trường một cách hiệu quả hơn. Những nền tảng như vậy sẽ tạo ra một thị trường trực tuyến, tập hợp người mua và người bán trong không gian kỹ thuật số và giúp lưu chuyển thông tin.
Đầu tiên, các nền tảng giao dịch điện tử có thể làm giảm sự bất đối xứng thông tin vốn có trong bất kỳ giao dịch tài chính nào, vì người bán sẽ có nhiều thông tin hơn về giá trị của một tài sản được bán so với người mua. Điều này có thể được thực hiện bằng cách cung cấp các chức năng xem xét, xác thực và lưu trữ dữ liệu. Các mẫu dữ liệu về khoản vay không hiệu quả được chuẩn hóa có thể giúp ích trong vấn đề này, nâng cao mức độ chi tiết, chất lượng, tính minh bạch và khả năng so sánh của thông tin liên quan đến khoản vay không hiệu quả, vốn là những thông tin quan trọng đối với các nhà đầu tư tiềm năng.
Thứ hai, nền tảng giao dịch điện tử có thể nâng cao hiệu quả giao dịch và biết được giá giữa những người tham gia thị trường. Như trong bất kỳ nền tảng bán lẻ trực tuyến nào, những người tham gia thị trường có thể được kết nối và trao đổi thông tin trực tuyến. Điều này có thể làm giảm chi phí giao dịch và tăng hiệu quả hoạt động. Bằng chứng cho thấy, khai thác nền tảng điện tử cho phép thực hiện giao dịch nhanh hơn nhiều, tiết kiệm được từ 55 - 90% thời gian so với các quy trình giao dịch thông thường.
Các nhà đầu tư nhỏ cũng có thể dễ dàng tham gia thị trường này hơn, giúp mở rộng cơ sở dữ liệu nhà đầu tư. Cơ chế định giá cũng có thể được hỗ trợ thông qua các nền tảng điện tử, nâng cao hiệu quả định giá. Ví dụ, nền tảng điện tử có thể tạo điều kiện thuận lợi cho quy trình đấu thầu trực tuyến cạnh tranh (giống như đấu giá trên eBay) khi xem xét thông tin cụ thể về tài sản được cung cấp bởi người bán và các thủ tục thẩm định cần thiết.
Thứ ba, nền tảng giao dịch điện tử có thể thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Đã có một số nền tảng giao dịch điện tử ở Liên minh châu Âu tạo điều kiện thuận lợi cho cả giao dịch trong nước và xuyên biên giới đối với các khoản nợ xấu. Tuy nhiên, hiện tại, thị trường mua bán nợ ở châu Á có xu hướng bị chi phối bởi các công ty trong nước. Mặc dù điều này là do những trở ngại pháp lý, chẳng hạn như hạn chế quyền sở hữu nước ngoài, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn có thể bị thu hút bởi nền tảng giao dịch điện tử vì tính minh bạch cao hơn và chi phí thấp hơn. Đặc biệt, đối với các thị trường và quốc gia nhỏ hơn, nền tảng giao dịch điện tử sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện giao dịch cho đầu tư nước ngoài, theo đó, có thể tiếp thêm sức sống cho các thị trường mua bán nợ.
Các hoạt động thu hồi nợ xấu cần được quy định để bảo vệ người tiêu dùng và người đi vay.
Những yếu tố cần cân nhắc
Ông Peter Rosenkranz là chuyên gia của ADB về tài chính khu vực Đông Á. Ông đã hỗ trợ và lãnh đạo quá trình khởi tạo, xử lý và thực hiện các dự án cho vay, bảo lãnh và hỗ trợ kỹ thuật, cũng như cung cấp các giải pháp và sản phẩm tri thức. Trước đây, ông từng là chuyên gia kinh tế tại Ban Nghiên cứu kinh tế và hợp tác khu vực của ADB, tập trung vào các vấn đề liên quan đến phát triển và ổn định tài chính trong bối cảnh hợp tác và hội nhập tài chính khu vực ở châu Á.
Trước khi gia nhập ADB, ông Peter làm việc cho GIZ (với tư cách là cố vấn về chính sách kinh tế và phát triển) và cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (với tư cách là chuyên gia cơ sở hạ tầng thị trường).
Thị trường tài chính châu Á từ lâu đã bị kìm hãm bởi sự phân mảnh và điều này cũng đúng với các nền tảng điện tử. Trung Quốc có một số nền tảng điện tử giao dịch nợ xấu, bao gồm cả thông qua các nền tảng bán lẻ trực tuyến phổ biến. Tuy nhiên, các nền tảng điện tử này bị phân đoạn, không có cơ chế tiêu chuẩn hóa và khả năng tương tác. Hợp nhất các nền tảng giao dịch điện tử sẽ giúp giảm chi phí, đồng thời mang lại nhiều lợi ích từ việc tăng hiệu quả.
Để các nền tảng giao dịch mua bán nợ xấu hoạt động trơn tru, kể cả xuyên biên giới, việc hài hòa các quy định và báo cáo là rất quan trọng. Ví dụ, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế đã được thống nhất về công nhận và định giá khoản nợ xấu. Các tiêu chuẩn tối thiểu dưới dạng hướng dẫn thông lệ thực hành tốt nhất có thể khuyến khích hơn nữa việc tham gia thị trường. Các mẫu dữ liệu về khoản vay không hiệu quả có thể giúp ích thêm.
Khung pháp lý và cơ sở hạ tầng thuận lợi là chìa khóa để thúc đẩy thị trường mua bán nợ xấu tương tự nền tảng giao dịch điện tử. Ví dụ, các quy định cần đưa ra các hướng dẫn và thủ tục pháp lý rõ ràng để xử lý hiệu quả các khoản nợ xấu, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người đi vay.
Các hoạt động thu hồi nợ xấu nên được quy định để bảo vệ người tiêu dùng và người đi vay, trong khi các hoạt động này không nên hạn chế khả năng của bên cho vay trong việc xử lý hiệu quả các khoản nợ xấu. Điều này cần được hỗ trợ thông qua năng lực và cơ sở hạ tầng tư pháp mạnh mẽ, bao gồm năng lực tòa án đầy đủ để nhanh chóng giải quyết các tranh chấp.
Một sân chơi bình đẳng không phân biệt đối xử sẽ thu hút các nhà đầu tư đa dạng, cả trên thị trường mua bán nợ xấu nói chung và nền tảng điện tử nói riêng. Nghĩa là, các quy định nên được áp dụng bình đẳng cho cả những người tham gia thị trường trong nước và nước ngoài, giảm các rào cản gia nhập có thể xảy ra.
Cuối cùng, do các hệ sinh thái và thị trường mua bán nợ xấu của châu Á đang ở các giai đoạn trưởng thành và có chiều sâu khác nhau, việc trao đổi kiến thức và kinh nghiệm sẽ rất quan trọng.
Các hỗ trợ tiềm năng về mặt chính sách có thể dẫn đến việc thiết lập một nền tảng giao dịch mua bán nợ xấu trong khu vực - hoặc một mạng lưới - có các tiêu chuẩn chung. Việc thiết lập các tiêu chuẩn khu vực để hỗ trợ các giao dịch xuyên biên giới có thể tối đa hóa phạm vi tiếp cận của nền tảng giao dịch mua bán nợ xấu và nâng cao tính hiệu quả của nó.