Lập kế hoạch đầu tư công năm 2022: Phải có lựa chọn ưu tiên

0:00 / 0:00
0:00
Vẫn còn tình trạng một số địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư công 2022 vượt quá khả năng cân đối của ngân sách. Điều này có thể “gây khó” cho giải ngân vốn đầu tư công năm sau.
Nguyên tắc cơ bản khi xây dựng kế hoạch đầu tư công là ưu tiên các dự án trọng tâm, trọng điểm. Nguyên tắc cơ bản khi xây dựng kế hoạch đầu tư công là ưu tiên các dự án trọng tâm, trọng điểm.

Xây dựng kế hoạch vượt quá khả năng cân đối của ngân sách

Không nằm ngoài dự đoán, các hội nghị chuẩn bị cho việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công năm sau bao giờ cũng là nơi các địa phương đề đạt nguyện vọng được phân bổ vốn đầu tư ở mức cao nhất.

Năm nay cũng không phải là ngoại lệ. Dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có hướng dẫn rõ ràng về việc xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2022 phải đúng theo thứ tự ưu tiên, bám sát kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025…, song vẫn có không ít địa phương xây dựng kế hoạch vượt quá khả năng cân đối của ngân sách.

Chẳng hạn, các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng (chưa bao gồm Hà Nội) đã “đề đạt” nhu cầu vốn đầu tư lên tới 121.686 tỷ đồng, cao gấp 1,35 lần so với kế hoạch năm 2021. Như vậy, nếu tính cả số vốn ngân sách nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho kế hoạch năm 2021, thì chỉ trong 2 năm, nhu cầu vốn của vùng Đồng bằng sông Hồng đã bằng 45% tổng vốn dự kiến trung hạn giai đoạn 2021-2025 của toàn Vùng.

Con số trên có vẻ là chưa phù hợp, nhất là khi nhìn vào số vốn ngân sách trung ương trong nước mà vùng Đồng bằng sông Hồng dự kiến trong năm 2022 (14.588 tỷ đồng) cao gấp 2,1 lần so với kế hoạch 2021.

Chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi tổng hợp nhu cầu vốn của vùng Đồng bằng sông Hồng, cũng cho rằng, việc nhu cầu vốn trung ương gấp đôi năm 2021 là “chưa phù hợp” với khả năng cân đối vốn đầu tư trong kế hoạch tài chính và tiến độ triển khai thực hiện, giải ngân của từng dự án năm 2022.

Trong khi đó, đây mới là phần kế hoạch của 10/11 địa phương của vùng. Riêng Hà Nội chưa báo cáo chính thức, song theo ông Hà Minh Hải, Phó chủ tịch UBND Thành phố, năm 2022, nhu cầu vốn đầu tư của Hà Nội là 51.073 tỷ đồng, tương đương năm 2021. Nếu cộng thêm khoản vốn này, kế hoạch vốn đầu tư công của vùng Đồng bằng sông Hồng sẽ “đội” lên đáng kể.

Về cơ bản, theo ông Đỗ Thành Trung, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nhu cầu của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được xây dựng trên cơ sở các nguyên tắc, bố trí vốn quy định tại Luật Đầu tư công và các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nên cơ bản khắc phục được tình trạng lâu nay là xây dựng nhu cầu rất cao, không sát khả năng bố trí vốn thực tế. Tuy nhiên, vẫn có các địa phương đề xuất vốn đầu tư công cho năm 2022 quá cao, vượt cả vốn trung hạn mà Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội.

Lời giải cho bài toán giải ngân: Lập kế hoạch sát thực tế

Báo cáo Chính phủ mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng hợp báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, nhu cầu kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 là 611.367 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, tổng mức vốn ngân sách nhà nước năm 2022 dự kiến chỉ là 516.700 tỷ đồng, tăng 8,3% so với kế hoạch năm 2021. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 222.000 tỷ đồng (vốn trong nước 187.000 tỷ đồng, vốn nước ngoài 35.000 tỷ đồng), bằng kế hoạch năm 2021; vốn ngân sách địa phương 294.700 tỷ đồng, tăng 15,4% so với kế hoạch năm 2021.

Như vậy, xét giữa nhu cầu và nguồn lực thực tế, chắc chắn, các địa phương sẽ phải tiếp tục rà soát, “cắt” bớt các dự án chưa thật sự cần thiết.

Ví như tỉnh Bình Dương, lãnh đạo tỉnh cho biết, dự kiến, tổng nhu cầu đầu tư công trên địa bàn năm 2022 là trên 20.351 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương 1.890 tỷ đồng, ngân sách địa phương 18.461 tỷ đồng. Rất nhiều dự án trọng điểm cần được Bình Dương đầu tư trong giai đoạn tới, như đường vành đai 3, vành đai 4, cao tốc Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành…

Tuy nhiên, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, dẫn đến khả năng thu ngân sách của tỉnh gặp khó khăn, dự kiến ngân sách của tỉnh cân đối được chỉ khoảng 8.500 tỷ đồng, bằng 46% nhu cầu. Bởi vậy, tỉnh xác định, sẽ tập trung bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2022, bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA…

Nhưng không phải địa phương nào cũng làm được điều đó. Theo ông Đỗ Thành Trung, một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng giải ngân chậm tiến độ trong thời gian qua chính là công tác lập kế hoạch ở các địa phương “có vấn đề”.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, có tình trạng một số địa phương khi lập kế hoạch đầu tư công không dựa vào khả năng bố trí vốn của ngân sách trung ương lẫn ngân sách địa phương, xây dựng nhu cầu quá lớn trong khi không có nguồn lực thực hiện…

“Xây dựng kế hoạch quá lớn, không có nguồn lực thì ngay cả bố trí vốn giải phóng mặt bằng cũng không có, như thế không thể giải ngân được”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và cho biết, điều quan trọng là phải xây dựng được kế hoạch phù hợp và khả thi.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng một lần nữa nhấn mạnh nguyên tắc cơ bản khi xây dựng kế hoạch đầu tư công là ưu tiên các dự án trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn, bố trí theo thứ tự ưu tiên, gắn với mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ sớm báo cáo Chính phủ làm sao giao kế hoạch đầu tư công trung hạn sớm nhất, trên cơ sở đó địa phương chủ động hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định, đồng thời giao chi tiết vốn sớm, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục