“Mỏ vàng” dữ liệu người dùng
Hiện nay, có 62 quốc gia áp dụng tổng cộng 144 biện pháp địa phương hóa dữ liệu, lưu trữ dữ liệu quan trọng trong biên giới. Trong đó, 18 quốc gia thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (như Mỹ, Canada, Australia, Đức, Pháp…) quy định bắt buộc phải lưu trữ dữ liệu trong lãnh thổ quốc gia.
Dữ liệu đã trở thành món hàng giá trị nhất trên thị trường, là động lực chính giúp Apple, Facebook, Microsoft, Amazon và Alphabet (Google) vượt mốc vốn hóa 1.000 tỷ USD. Dữ liệu mang lại cho họ quyền lực ngang bằng với các quốc gia, buộc chính phủ các nước liên tục tổ chức các phiên điều trần, nhằm hạn chế tầm ảnh hưởng của các doanh nghiệp này.
Theo Báo cáo Tiềm năng kinh tế số Việt Nam, nếu được tận dụng tối đa, công nghệ số có thể đem lại hơn 74 tỷ USD cho Việt Nam vào năm 2030. Việt Nam được đánh giá là một trong 10 nước có lượng dữ liệu luân chuyển xuyên biên giới lớn nhất thế giới. Dữ liệu đang được coi là là “GDP mới” của mỗi quốc gia và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
“Nhiều người vẫn nói, dữ liệu là dầu mỏ của thế kỷ 21, nhưng thật ra vẫn có sự khác biệt. Dầu mỏ hữu hạn, trong khi dữ liệu là vô hạn. Theo thống kê, trung bình mỗi người tạo ra 1,7 GB dữ liệu một ngày”, ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VNG chia sẻ.
Pháp luật Việt Nam quy định, doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ.
Chính vì vậy, tại Việt Nam, hàng loạt công ty xuyên biên giới đang nỗ lực hoạt động để thúc đẩy dòng dữ liệu xuyên biên giới mở, nới lỏng chính sách lưu trữ dữ liệu người dùng trong lãnh thổ Việt Nam. Dữ liệu người dùng đang trở thành một “mỏ vàng” miễn phí trong thị trường gần 100 triệu dân mà các công ty công nghệ xuyên quốc gia đang nhắm tới.
Vì vậy, thách thức lớn của nền kinh tế số là phải bảo vệ được an toàn dữ liệu cho người dùng, bảo vệ quyền riêng tư cá nhân người dùng, nhưng không để ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế số.
Cần hành lang pháp lý và “quyền lực mềm”
Bà Chu Thị Hoa, Phó viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) chia sẻ, qua rà soát khoảng 70 văn bản pháp luật có liên quan đến dữ liệu cá nhân, bảo vệ dữ liệu cá nhân, như Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin…, có thể thấy, vẫn còn khoảng trống pháp lý quy định về dữ liệu xuyên biên giới, chuyển giao dữ liệu xuyên biên giới, trong khi các nước trên thế giới đã có quy định khá rõ ràng, nghiêm ngặt về vấn đề này.
Theo thống kê, trung bình mỗi người tạo ra 1,7 GB dữ liệu một ngày.
Ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VNG
Mặt khác, theo bà Hoa, cần thay đổi cách tiếp cận, từ coi quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân là quyền nhân thân thuần túy, chuyển sang tư duy nhận thức mới, khai thác giá trị kinh tế từ dữ liệu cá nhân. Quyền đối với dữ liệu cá nhân sẽ có bóng dáng của quyền đối với 1 loại tài sản mới - tài sản phi truyền thống.
Luật sư Trần Mạnh Hùng (Công ty Luật Backer & Mc Kenzie Việt Nam) đề xuất, Việt Nam cần thành lập một ủy ban về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Bên cạnh đó, cũng rất cần có hoạt động trọng tài để phân xử những vấn đề nảy sinh trong bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Góp ý về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nguồn mở Việt Nam cho rằng, cần khẩn cấp bổ sung các dịch vụ công xác thực danh tính và thay đổi các quy định, nhằm hạn chế việc cho phép doanh nghiệp lưu trữ thông tin, danh tính của người dùng.
Từ góc nhìn chính sách, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông khuyến nghị, Chính phủ nên hướng đến “mục tiêu kép”, vừa bảo vệ được dữ liệu cá nhân, vừa thúc đẩy dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới tự do và thông suốt để phục vụ phát triển nền kinh tế số.
“Quy định pháp lý linh hoạt kết hợp với cách tiếp cận chính sách chú trọng tiêu chuẩn an toàn và giải pháp công nghệ kết hợp hỗ trợ thực thi từ các định chế quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp trong nước từng bước nâng cao hiệu quả bảo vệ dữ liệu người dùng, đồng thời giúp Việt Nam có chế tài hiệu quả đối với các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới”.