Lao theo cổ phiếu hủy niêm yết: Rủi ro nhiều hơn cơ hội

(ĐTCK) Diễn biến sàn UPCoM gần đây cho thấy, nhóm cổ phiếu thị giá chỉ vài trăm đồng, mà đa phần trong đó là các cổ phiếu bị hủy niêm yết ở 2 sàn niêm yết chính, đang được nhà đầu tư săn mua. Cơ hội kiếm lợi nhuận không hẳn là không có, song bởi đây đều là các cổ phiếu yếu kém, nên rủi ro là rất lớn.
Nhiều nhà đầu tư đang săn mua cổ phiếu bị hủy niêm yết nhằm "đón đầu" cơ hội Nhiều nhà đầu tư đang săn mua cổ phiếu bị hủy niêm yết nhằm "đón đầu" cơ hội

Vì đâu săn mua cổ phiếu bị đào thải?

CTCP Đầu tư xây dựng và khai thác công trình Giao thông 584 (NTB) vừa công bố Báo cáo tài chính quý I/2017 với việc ghi nhận khoản lỗ ròng hơn 111 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm, nâng lỗ lũy kế lên xấp xỉ 1.339 tỷ đồng (vốn điều lệ gần 400 tỷ đồng).

Dù doanh nghiệp chìm sâu trong thua lỗ, nhưng đáng ngạc nhiên, cổ phiếu NTB vừa trải qua chuỗi 5 phiên tăng trần liên tiếp, lượng cổ phiếu được chuyển nhượng cũng tăng đột biến.

NTB không phải là một cái tên xa lạ. Trước khi “được đẩy” lên UPCoM vào năm 2014, NTB từng niêm yết tại HOSE và HNX, sau đó bị hủy niêm yết tại đây do thua lỗ kéo dài.

Khi lên UPCoM có giá tham chiếu 2.500 đồng/CP, nhưng sau đó “bốc hơi” hết giá trị. Tuy nhiên, tính từ đầu năm, giá NTB bất ngờ tăng gấp 3 lần, từ 300 đồng/CP lên 900 đồng/CP (chốt phiên 12/6). Thanh khoản NTB các phiên gần đây đã tăng vọt, đạt vài triệu cổ phiếu mỗi phiên, đỉnh điểm là 4,3 triệu cổ phiếu NTB được khớp lệnh vào ngày 9/6 vừa qua.

Trường hợp của NTB có thể là điển hình của việc nhà đầu tư “săn tìm” cơ hội kiếm lời tại những cổ phiếu có giá “rẻ như cho”. Đa phần trong đó là những doanh nghiệp bị hủy niêm yết, trước khi lên UPCoM đã lỗ nặng (NTB có 6 năm liên tiếp thua lỗ), hoặc vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, có thể kể ra một loạt cái tên như CTCP NTACO (ATA), CTCP Thuận Thảo (GTT), CTCP Hữu Liên Á Châu (HLA), CTCP Ô tô Giải Phóng (GGG), CTCP Việt An (AVF), CTCP Xây lắp Dầu khí Miền Trung (PXM)…

Tất cả các cổ phiếu này hiện đều thuộc diện bị hạn chế giao dịch nên chỉ được giao dịch vào ngày thứ 6 hàng tuần, đồng thời còn “rơi” vào bảng cảnh báo nhà đầu tư do HNX phân loại.

Theo các chuyên gia, thực tế, dòng tiền trên UPCoM một phần chảy vào cổ phiếu của doanh nghiệp bị hủy niêm yết bởi cổ đông các doanh nghiệp này có người  mong “thoát hàng”, nhưng cũng có người kỳ vọng vào sự phục hồi của doanh nghiệp, của giá cổ phiếu, nên đổ xô đi mua để “đón đầu”.

Kết cục của việc chạy theo nhóm cổ phiếu này cũng đa dạng. Chẳng hạn tại NTB, các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu từ đầu năm nếu bán ra trong tuần qua đã lãi gấp 3 lần. Hay các cổ đông SDJ, PFL được nếm “trái ngọt” khi giá cổ phiếu đi lên mạnh mẽ thời gian qua. Ngược lại, nhiều nhà đầu tư phải ôm hận với những cổ phiếu “một đi không trở lại” như PTK, KTB khi bị nhà chức trách tạm ngừng giao dịch suốt hơn 1 năm qua.

Xu hướng còn tiếp diễn

Nhìn chung, có thể một bộ phận nhà đầu tư nắm được các câu chuyện riêng của doanh nghiệp nên mua vào, nhưng không ít trường hợp hoàn toàn chạy theo xu hướng đám đông. Việc tìm ra những cổ phiếu dạng này không khó, cụ thể là dựa vào sự đột biến về khối lượng và giá, nhưng nếu không có lợi thế về thông tin, rủi ro với nhà đầu tư là rất lớn. Từ đầu năm, UPCoM đã đón thêm loạt cổ phiếu rơi xuống từ sàn niêm yết, gần nhất có PVR, HDO, VFR, SDY, VBH, SDH, CYC.

Theo nhận định của một chuyên gia, xu hướng dòng tiền chảy vào các mã bị hủy niêm yết sẽ vẫn tiếp diễn, bởi ngay tại sàn niêm yết, nhà đầu tư cũng đã mạo hiểm mua vào, với kỳ vọng sau khi hủy niêm yết, doanh nghiệp sẽ đăng ký giao dịch trên UPCoM. Và một khi giá cổ phiếu có cơ hội phục hồi, tỷ suất lợi nhuận có thể tính bằng lần.

Cũng theo vị chuyên gia này, có hội thành công là có, tuy nhiên, cần lưu ý rằng, hủy niêm yết gần như là mức cảnh báo cao nhất đến mức độ an toàn, minh bạch về mặt tài chính của doanh nghiệp, nên khi đầu tư vào cổ phiếu của những doanh nghiệp này phải hết sức cẩn trọng.

Nhiều doanh nghiệp khi lên UPCoM với giá vài nghìn đồng, sau đó lao dốc về mức vài trăm đồng. Không chỉ vậy, những doanh nghiệp thiếu minh bạch hay kinh doanh quá bết bát có thể bị tạm ngừng giao dịch hoặc phá sản, khiến nhà đầu tư mất trắng, nhà đầu tư chạy theo có thể là người chịu thua lỗ sau cùng.

Nguyễn Gia

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục