Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đặt niềm tin vào giá trị cổ phiếu

(ĐTCK) Cổ đông nội bộ và DN là hai chủ thể chính tạo ra sức cầu trong tháng 3 này, góp phần quan trọng kích hoạt lực cầu của các nhà đầu tư trong nước khác, từ đó tạo nên thanh khoản trước xu hướng bán ròng liên tiếp của khối ngoại và rút vốn của nhóm quỹ ETF cũng như Pnote. Tổng giá trị mua và đăng ký mua của cổ đông nội bộ và DN lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đặt niềm tin vào giá trị cổ phiếu

Chịu ảnh hưởng của đại dịch, cổ phiếu MWG của CTCP Ðầu tư thế giới di động giảm 40% thị giá, vốn hóa của MWG bay mất 1 tỷ USD từ đầu năm đến nay. Trước thực tế này, Chủ tịch HÐQT Nguyễn Ðức Tài đăng ký mua 500.000 cổ phiếu.

Các lãnh đạo khác của MWG cũng lần lượt đăng ký mua vào, tổng cộng 1,7 triệu cổ phiếu MWG. Lãnh đạo nhiều DN cũng đã hành động tương tự, riêng ngày 24/3 đã có thêm 12 DN và lãnh đạo DN đăng ký mua vào cổ phiếu trên sàn.

Ðáng chú ý là các lãnh đạo DN đăng ký mua lần này đã và đang thực hiện mua vào rất quyết liệt, thay vì kéo dài giao dịch như trước đây. Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HÐQT CTCP Cơ điện lạnh (REE) mua 15 triệu cổ phiếu  trong đúng 1 phiên, ngày 23/3, sau vài ngày công bố việc mua.

Là một trong những cổ đông nội bộ đầu tiên công bố mua vào, con trai Chủ tịch HÐQT Tập đoàn Hòa Phát, ông Trần Vũ Minh cũng nhanh chóng “xuống tiền” mua 20 triệu cổ phiếu, sau đó công bố mua tiếp 20 triệu cổ phiếu nữa.

Số tiền ông Minh bỏ ra vào khoảng 360 tỷ đồng để tăng sở hữu của HPG đợt này. Trong khi đó HPG vẫn đang bị bán ròng và giảm sàn mạnh. Áp lực bán ròng của khối ngoại với cổ phiếu HPG khá lớn vì cổ phiếu này có thanh khoản tốt trên thị trường.

Chủ tịch HÐQT CTCP Ðầu tư Nam Long, ông Nguyễn Xuân Quang cũng vừa đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu sau khi giá NLG tiếp tục giảm mạnh trong ngày thứ Hai vừa qua.

Trước đó, cổ đông nước ngoài tại Nam Long đã tăng tỷ lệ sở hữu, nhưng giá NLG vẫn sụt giảm mạnh. Chia sẻ với Ðầu tư Chứng khoán lý do mua cổ phiếu, ông Quang nói, đơn giản chỉ là vì thị giá cổ cách xa giá trị thật của Công ty.

Trong khi DN trong các ngành hàng khác đang lo sụt giảm doanh thu thì NLG đang mở bán 100 căn hộ tại dự án Akari.

Theo lãnh đạo NLG, việc chào bán được coi như một phép thử thị trường, xem sức mua của thị trường bị ảnh hưởng như thế nào thời đại dịch.

Tập đoàn Hòa Bình dù gặp khó khăn vì ít việc làm, nhưng cũng quyết định mua vào 10 triệu cổ phiếu quỹ với lý do thị giá cổ phiếu đang quá thấp so với vị thế của Tập đoàn.

Trong quá khứ, Tập đoàn đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, giá cổ phiếu giảm thấp nhưng sau đó đều phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ.

Trong khi dịch Covid-19 đang lan rộng, vẫn có nhiều lãnh đạo DN niêm yết giữ được sự bình tĩnh, tự tin vào chính mình. Lý do được DN chia sẻ đó là vì sức khỏe tài chính, kinh nghiệm chống khủng hoảng kinh tế, nền tảng DN nay tốt hơn nhiều sau các đợt tái cơ cấu chiến lược.

Tất nhiên, nếu dịch bệnh kéo dài, nhiều DN có thể sẽ phá sản, nhưng với các DN có vị thế lớn trong lĩnh vực hoạt động chính, cho đến thời điểm này, chưa bất kỳ có dấu hiệu nào về khả năng đổ vỡ hay thua lỗ nặng, cho dù tăng trưởng của DN đương nhiên sẽ chậm lại vì Covid-19.

Ở thời điểm này, ảnh hưởng trọng yếu đến diễn biến giá cổ phiếu trên sàn là vấn đề cung cầu nhiều hơn là yếu tố nền tảng DN. Khi cung cầu cân bằng hơn, thị trường sẽ thiết lập mặt bằng giá hợp lý hơn hiện nay.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục