Lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết trải lòng sau một năm gian khó

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2023, một năm đặc biệt khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp trong nước, sắp khép lại. Trên hành trình ấy, nhiều doanh nghiệp vẫn cho thấy sức chống chịu tốt và khát vọng mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh, như chia sẻ của một số lãnh đạo doanh nghiệp.
Lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết trải lòng sau một năm gian khó

“Vượt tất cả các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh năm 2023”

Ông Bùi Ngọc Dương, Tổng giám đốc Công ty cổ phầnLọc hóa dầu Bình Sơn (BSR)

Ông Bùi Ngọc Dương, Tổng giám đốc Công ty cổ phầnLọc hóa dầu Bình Sơn (BSR)

Tính đến nay, BSR đã đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh năm 2023. Ước tính trong 11 tháng đầu năm 2023, BSR sản xuất khoảng 6,7 triệu tấn sản phẩm, đạt 131% kế hoạch năm; tổng doanh thu ước đạt 133.400 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước ước đạt 15.163 tỷ đồng.

Thời gian còn lại của năm 2023 vô cùng thách thức trong việc giữ vững các kết quả sản xuất - kinh doanh đã đạt được khi giá dầu và crack margin có xu hướng giảm trong thời gian gần đây, cộng thêm diễn biến tình tình thời tiết xấu cuối năm tác động đến công tác nhập dầu thô ảnh hưởng đến công suất vận hành của Nhà máy; Nhà máy đang ở cuối chu kỳ bảo dưỡng tổng thể. Tuy nhiên, bằng nội lực và nhiều giải pháp hữu hiệu, BSR đặt mục tiêu vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất an toàn, ổn định, linh hoạt công suất để bảo toàn kết quả sản xuất - kinh doanh đã đạt được.

Năm 2024, BSR đặt trọng tâm vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất an toàn, ổn định, liên tục và tối ưu công suất, cơ cấu sản phẩm phù hợp với nhu cầu và tình hình thị trường, đồng thời tối đa hoá hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Bên cạnh đó, Công ty tập trung nguồn lực để thực hiện công tác bảo dưỡng tổng thể lần 5 (TA5) đảm bảo an toàn, chất lượng, tối ưu chi phí và tiến độ so với kế hoạch được duyệt.

BSR tiếp tục đẩy mạnh triển khai dự án nhà máy mở rộng, đưa cổ phiếu BSR niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM khi đủ điều kiện.

“Sứ mệnh "làm thuốc cứu người" hướng Traphaco tới chiến lược phát triển bền vững”

Bà Đào Thúy Hà, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Traphaco

Bà Đào Thúy Hà, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Traphaco

Ngoài việc phát triển kinh doanh, tạo ra hiệu quả kinh tế, Traphaco còn là doanh nghiệp luôn quan tâm chăm sóc người lao động, phát triển cộng đồng, gìn giữ hệ sinh thái xanh.

Ba trụ cột của phát triển bền vững được Traphaco hiện thực hóa bằng chuỗi giá trị xanh từ nguyên liệu đầu vào chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế GACP; xây dựng nhà máy sản xuất hiện đại đạt chuẩn GMP-WHO; quản trị hệ thống phân phối sâu rộng.

Chương trình phát triển dược liệu bền vững GreenPlan đã sáng tạo mô hình liên kết 4 nhà để phát triển vùng trồng, thu hái đã góp phần giúp Traphaco tự chủ, đảm bảo số lượng và chất lượng nguồn dược liệu đầu vào; tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con; nâng cao tri thức, tư duy cho bà con nông dân.

Nhờ triển khai chương trình, Traphaco có 5 dược liệu có vùng trồng/thu hái đạt GACP, hàng chục dược liệu có vùng trồng được kiểm soát theo GACP, đảm bảo chất lượng, hiệu quả cho các sản phẩm. Traphaco có chiến lược phát triển song hành Đông dược – tân dược, trong đó Đông dược đi theo hướng phát triển dòng sản phẩm cao cấp, tăng thêm giá trị cho sản phẩm, nhằm đáp ứng tốt hơn cho nhóm khách hàng phân khúc cao cấp.

Traphaco cũng mạnh dạn đầu tư nghiên cứu tương đương sinh học, đã có 7 sản phẩm được công bố. Số lượng và doanh thu sản phẩm tân dược mới đều tăng trưởng qua các năm. Công ty đã sản xuất và đăng ký thành công thuốc first generic: 2 biệt dược điều trị chống đông máu và rối loạn lipid máu thế hệ mới. Doanh số SPM nhóm tân dược năm 2022 gấp 7 lần năm 2021, năm 2023 gấp 1,23 lần so với năm 2022.

“Nhu cầu chăm sóc sức khoẻ chất lượng cao gia tăng là đại dương xanh cho TNH”

Ông Trần Thiện Sách, Phó tổng giám đốc CTCP Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (TNH)

Ông Trần Thiện Sách, Phó tổng giám đốc CTCP Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (TNH)

Phát triển chuỗi hệ thống bệnh viện là chiến lược dài hạn của TNH và cũng là cơ hội tăng trưởng của Công ty khi các dự án vận hành hiệu quả, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao của người dân. Ngoài 2 cơ sở bệnh viện tại Thái Nguyên, với tổng 550 giường bệnh và 1.300 dịch vụ y tế, TNH đang đầu tư xây dựng Bệnh viện TNH Việt Yên (Bắc Giang) quy mô 300 giường bệnh. Bệnh viện đang trong giai đoạn hoàn thiện và lắp đặt thiết bị phần xây dựng, dự kiến đi vào hoạt động từ quý II/2024.

TNH đã trúng đấu giá khu đất Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn (cũ) và đang tiến hành hoàn thiện các thủ tục pháp lý và hồ sơ xây dựng để triển khai đầu tư xây dựng bệnh viện quy mô 300 giường. Công ty cũng ký hợp đồng chuyển nhượng khu đất có diện tích gần 2 ha tại Khu đô thị Ciputra Hà Nội nhằm đầu tư dự án bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế với quy mô 500 giường bệnh, tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng, dự kiến khởi công trong năm 2024.

Doanh nghiệp cũng có kế hoạch đầu tư xây dựng một bệnh viện dưỡng lão tiêu chuẩn quốc tế tại Phú Quốc.

Nhu cầu chăm sóc sức khoẻ chất lượng cao gia tăng là đại dương xanh cho TNH khai thác. Ban lãnh đạo Công ty luôn ưu tiên và đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, trong đó chú trọng hợp tác với các chuyên gia đầu ngành, có chính sách đãi ngộ để thu hút đội ngũ y, bác sỹ gắn bó và tâm huyết với nghề. Bên cạnh đó, TNH cũng chú trọng tới đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động doanh nghiệp.

“Linh hoạt ứng biến, nỗ lực đạt kết quả tốt nhất”

Bà Nguyễn Đỗ Quyên, Giám đốc điều hành FPT Retail

Bà Nguyễn Đỗ Quyên, Giám đốc điều hành FPT Retail

Năm 2023 là một năm đặc biệt khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế; trong đó, bán lẻ là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nhất. Mặc dù tình hình đã dần được cải thiện do nhiều chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, thực tế sức mua vẫn còn yếu. Do đó, FPT Retail đã và đang linh hoạt ứng biến cũng như nỗ lực hết sức để có thể đạt kết quả tốt nhất trong năm nay.

Hiện tại, FPT Retail không theo đuổi chiến lược giá rẻ, mà tập trung nâng cao trải nghiệm khách hàng, đa dạng hàng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ. Chúng tôi đã và đang thực hiện các chương trình như: triển khai hệ thống khách hàng thân thiết FPT Loyalty, mở rộng Trung tâm bảo hành ủy quyền của Apple - F.Care by FPT, mở các cửa hàng chuyên doanh sản phẩm mới Samsung S.Studio by FPT, Garmin Store… Bên cạnh đó, FPT Retail sẽ triển khai dịch vụ mạng di động ảo (MVNO) để cung cấp thêm dịch vụ cho khách hàng và phát huy lợi thế hệ sinh thái của cả Tập đoàn FPT.

Ở mảng dược phẩm, đây vẫn là nhóm mặt hàng thiết yếu. Với việc thành công trong việc vận hành chuỗi FPT Long Châu suốt những năm qua, Công ty đặt ra mục tiêu trong năm 2024, doanh thu của chuỗi nhà thuốc tăng trưởng trên 10%.

“Chú trọng chất lượng dịch vụ và sản phẩm cung cấp cho khách hàng”

Ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SHS

Ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SHS

Nền kinh tế trong nước và thế giới vẫn chịu nhiều tác động từ các biến động địa chính trị như xung đột Nga - Ukraine, Trung Đông, sức cầu yếu từ các nền kinh tế lớn. Với độ mở lớn của nền kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp sẽ cần quan sát các động thái kinh tế thế giới, xu thế suy thoái, lãi suất…, các yếu tố nào sẽ tác động trực tiếp, gián tiếp tới thị trường trong nước.

Ở trong nước, chính sách tiền tệ, tài khoá, thúc đẩy đầu tư công, dòng vốn FDI vào Việt Nam và rộng hơn là các nhóm giải pháp đang thúc đẩy kinh tế phát triển vẫn là tâm điểm chú ý của doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm đến các giải pháp tiếp theo của Chính phủ để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng GDP, chẳng hạn các nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, gỡ vướng pháp lý cho các dự án, qua đó khơi thông dòng vốn, thúc đẩy cung sản phẩm ra thị trường. Sự liên thông ở các thị trường là rất lớn, khi có cầu tiêu dùng xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ gia tăng cầu tín dụng, tiêu thụ được sản phẩm bất động sản, doanh nghiệp trả được nợ, tiếp tục huy động được vốn mới…

Với riêng SHS, hiện quy mô vốn và đội ngũ đã ở trong Top đầu thị trường, bởi vậy, chúng tôi có góc nhìn rộng hơn trước về phát triển thương hiệu và kinh doanh, tập trung cho chuyển đổi số. Lấy khách hàng làm trọng tâm nên SHS chú trọng đến chất lượng dịch vụ và sản phẩm cung cấp cho khách hàng. Chúng tôi quan niệm, thị trường chứng khoán muốn thu hút nhà đầu tư thì hàng hoá trên thị trường phải hấp dẫn, chất lượng tốt và các đơn vị trung gian như công ty chứng khoán phải có trách nhiệm tham gia đóng góp vào việc tạo hàng chất lượng cho thị trường.

“Tiếp tục tái cấu trúc, tạo nền tảng vững chắc để sẵn sàng chống lại cơn gió ngược”

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Tổng giám đốc BCG Land

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Tổng giám đốc BCG Land

Thị trường bất động sản còn nhiều thách thức nhưng chúng tôi nhận định trong nguy luôn có cơ, BCG Land lên sàn lúc này là thời điểm rất phù hợp. Đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch UPCoM sẽ giúp BCG Land thuận lợi hơn khi huy động vốn triển khai dự án. Thực tế, có một giai đoạn chính sách tín dụng trong nước khá cởi mở, nhiều doanh nghiệp bất động sản phụ thuộc lớn vào đòn bẩy tài chính, nợ ngân hàng, trái phiếu và các khoản vay ngắn hạn. Khi kinh tế chững lại, nguồn vốn vay từ ngân hàng bị siết chặt, đa số các doanh nghiệp đều lao đao. Rút kinh nghiệm từ bài học đó, việc huy động nguồn vốn từ thị trường chứng khoán sẽ giúp BCG Land đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính và không sử dụng quá nhiều nợ vay để phát triển dự án.

Sau khi trở thành công ty đại chúng giao dịch trên UPCoM, BCG Land tiếp tục chuẩn hoá các hoạt động quản trị công ty, hoàn thiện và tối ưu các quy trình quản lý cũng như công bố thông tin một cách minh bạch. Điều này sẽ tăng thêm niềm tin cho các nhà đầu tư để đồng hành cùng chúng tôi trên chặng đường sắp tới, hướng tới mục tiêu đưa BCG Land trở thành một trong những doanh nghiệp phát triển bất động sản tiêu biểu tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả, linh hoạt trong công tác quản lý điều hành, tăng cường quản trị rủi ro, để tạo lập được nền tảng vững chắc, chống chọi với những cơn gió ngược có thể bất ngờ xảy ra khi môi trường kinh doanh có nhiều biến động. BCG Land cũng có kế hoạch tăng vốn chủ sở hữu sau khi lên sàn nhằm giúp Công ty giảm nợ, cải thiện năng lực chủ đầu tư về yêu cầu vốn đối ứng trong các dự án lớn, tăng vốn lưu động… Chúng tôi cũng sẽ cân nhắc chuyển nhượng một số dự án để đảm bảo cấu trúc tốt nhất cho BCG Land.

Ban lãnh đạo BCG Land thống nhất phải ưu tiên nguồn vốn cho các dự án đang triển khai, các dự án đã tiến hành mở bán để bàn giao sớm cho khách hàng và ghi nhận doanh thu, lợi nhuận về cho công ty. Đối với các dự án mới, Công ty sẽ xem xét phân kỳ đầu tư dựa theo tín hiệu phục hồi của các phân khúc thị trường. Chúng tôi sẽ cân bằng giữa việc huy động vốn từ các nhà đầu tư và sử dụng vốn vay để đảm bảo các hệ số tài chính trong mức an toàn.

“Gói thầu Cảng hàng không Long Thành sẽ đem lại nguồn thu ổn định cho PHC”

Ông Trần Hồng Phúc, Tổng giám đốc CTCP Phục Hưng Holdings (PHC)

Ông Trần Hồng Phúc, Tổng giám đốc CTCP Phục Hưng Holdings (PHC)

Năm 2023 là một năm các doanh nghiệp trong ngành xây dựng đi trong “bão”. Thị trường bất động sản nhìn chung vẫn đang khó khăn, ảnh hưởng của thị trường trái phiếu, nguồn vốn chủ đầu tư bế tắc, không có tiền trả cho nhà thầu, dẫn đến các đơn vị xây dựng không có tiền để trả cho các nhà thầu phụ, nhà cung cấp và nợ xấu tăng cao.

Với tình hình hiện tại, nhiều doanh nghiệp xây lắp, trong đó có PHC nhiều khả năng khó hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh năm 2023. Nguyên nhân có nhiều, nhưng phần lớn các dự án lớn mà PHC ký trong nửa cuối năm 2023 như Nhà ga Sân bay Long Thành, Imperial Oasis Quy Nhơn đang trong giai đoạn chuẩn bị nên chưa ghi nhận nhiều doanh thu trong năm 2023, mà phải lùi sang năm 2024. Tính ở thời điểm hiện tại, tổng giá trị hợp đồng đã ký của PHC gần 8.000 tỷ đồng.

PHC cũng là 1 trong 10 thành viên của Liên danh VIETUR vừa được trao hợp đồng gói thầu số 5.10 thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách của Dự án thành phần 3 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Tổng giá trị hợp đồng 27.814 tỷ đồng và 338,8 triệu USD, trong đó, giá trị PHC thi công khoảng 1.500 tỷ đồng. Đây chưa phải là hợp đồng lớn nhất của Công ty nhưng chắc chắn là hợp đồng quan trọng nhất của chúng tôi gần đây.

Với mức độ quan trọng của dự án, PHC không đặt chỉ tiêu lợi nhuận tài chính lên hàng đầu, mà sẽ huy động mọi nguồn lực, từ những nhân lực giỏi nhất tới các thiết bị tốt nhất để thi công dự án đạt tiến độ, chất lượng, quan trọng là nhận được sự tin tưởng của các chủ đầu tư và khách hàng lớn. Dự án là công trình trọng điểm quốc gia và được bảo trợ bởi các ngân hàng lớn nhất Việt Nam nên chắc chắn sẽ đem lại nguồn thu ổn định cho PHC trong các năm tới.

Thủy Nguyễn – Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục