Tại buổi họp báo quý III/2024 do Bộ Tài chính tổ chức sáng 27/9, có ý kiến đề nghị Bộ Tài chính cho biết quan điểm về việc thời gian qua, một số đại diện doanh nghiệp bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế, trong đó có trường hợp ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airways.
Trả lời nội dung này, ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, Luật Quản lý thuế quy định tạm hoãn xuất cảnh với cá nhân, đại diện pháp nhân của doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp có nợ thuế quá hạn. Tạm hoãn xuất cảnh chỉ là một trong nhiều biện pháp cưỡng chế của cơ quan thuế.
“Trách nhiệm cá nhân phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế”, ông Minh khẳng định, đồng thời cho hay, đối với trường hợp cấm xuất cảnh người đại diện doanh nghiệp cụ thể, trước khi tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế đã áp dụng nhiều giải pháp cưỡng chế thuế với doanh nghiệp.
Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, hiện nay, việc tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân, pháp nhân nợ thuế được cơ quan thuế thực hiện theo quy trình. Theo đó, cơ quan quản lý thuế trực tiếp rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế của cá nhân, pháp nhân sau đó lập danh sách cá nhân thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh, gửi văn bản cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và cho người nộp thuế biết để hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh.
"Do đó, các đối tượng nợ thuế phải có trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ thuế. Cơ quan thuế sẽ cân nhắc các giải pháp để tuân thủ quy định pháp luật, đảm bảo việc thu ngân sách cho Nhà nước", ông Minh nói.
Trước đó, Cục Thuế tỉnh Bình Định đã ra thông báo gửi Cục quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Bamboo Airways.
Lý do vì ông Lương Hoài Nam là người đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Hàng không Việt (Bamboo Airways) - doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế do chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Thời gian tạm hoãn xuất cảnh với ông Nam bắt đầu từ ngày 11/9 đến khi Bamboo Airways hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Ngày 17/9, Bamboo Airways gửi văn bản tới Cục Thuế tỉnh Bình Định để giải trình, trao đổi rõ hơn những vấn đề liên quan đến nghĩa vụ thuế của Bamboo Airways và trách nhiệm của ông Lương Hoài Nam.
Ông Lương Hoài Nam |
Theo đó, giai đoạn từ cuối 2022 kéo dài tới 2023, Bamboo Airways rơi vào thời kỳ khủng hoảng sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt và ảnh hưởng của thị trường hậu Covid-19, biến động mạnh từ giá nhiên liệu... Bamboo Airways liên tục ghi nhận lỗ lớn. Theo báo cáo tài chính được kiểm toán năm 2022, Bamboo Airways đã âm vốn chủ sở hữu hơn 800 tỷ đồng, nợ phải trả gần 19.000 tỷ đồng. Trước tình trạng này, hãng bay phải thu hẹp dần đội bay, cắt giảm đường bay để tái cấu trúc toàn bộ.
Trước khi ông Lương Hoài Nam về làm CEO, "ghế nóng" tại hãng hàng không này vài lần thay đổi. Có thời điểm, khả năng hoạt động liên tục của công ty bị đe dọa bởi nguy cơ các đối tác dừng cung cấp dịch vụ do nợ quá hạn lớn. Trong quá trình tái cấu trúc đội tàu bay, hãng phải dừng bay quốc tế, chỉ còn giữ lại một số chặng nội địa có hiệu quả.
Đến tháng 10/2023, ông Lương Hoài Nam được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc, tổng chỉ huy đề án tái cấu trúc toàn diện, chiến lược và sâu rộng nhất trong lịch sử ngành hàng không Việt Nam. Kết thúc 2023, Bamboo Airways ghi nhận lợi nhuận gần 237 tỷ đồng, nhưng chủ yếu nhờ hoàn nhập dự phòng nợ phải thu khó đòi (4.100 tỷ đồng) và thu nhập khác phát sinh từ việc được các đối tác xóa nợ (1.272 tỷ đồng). Trong đó, hãng cũng được các chủ tàu xóa nợ gần 79 triệu USD nhờ đàm phán trả sớm loạt máy bay.
Thông báo tạm hoãn xuất cảnh này xuất phát từ vấn đề hành chính mà Bamboo Airways đang làm việc chặt chẽ với các cơ quan chức năng để giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, không liên quan vấn đề cá nhân của ông Lương Hoài Nam.
Trao đổi với báo chí, ông Nam cho biết được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Bamboo Airways vào tháng 10/2023 với mục tiêu vực dậy doanh nghiệp. Tuy nhiên, vì chuyện nợ thuế bị hoãn xuất cảnh, ông Nam sẽ khó hỗ trợ doanh nghiệp qua giai đoạn khó khăn.
Đây không phải lần đầu một lãnh đạo doanh nghiệp bị tạm hoãn xuất cảnh khi doanh nghiệp nợ thuế.
Trước đó, hồi tháng đầu năm 2024, ông Bùi N. H., có địa chỉ thường trú tại Long Thành, Đồng Nai (là Giám đốc – người đại diện theo pháp luật của một doanh nghiệp được đăng ký tại toà nhà HD Tower ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Nghé, TP.HCM) đã bị tạm hoãn xuất cảnh.
Lý do: Ông H là người đại diện doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; mặc dù số tiền bị cưỡng chế chỉ là hơn 1,1 triệu đồng.
Tại Thông cáo báo chí phát đi ngày 1/6/2024, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, số lượng người nộp thuế nợ thuế dưới 1 triệu đồng rất lớn, đa số lại kéo dài. Với các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế thực hiện rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh trước khi thực hiện gửi thông báo đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và người nộp thuế để người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh.
Người nộp thuế có thể chủ động tra cứu nợ thuế của mình trên hệ thống của ngành thuế để đảm bảo hoàn thành nghĩa vụ thuế trước khi xuất cảnh.
"Để nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế, biện pháp tạm hoãn xuất cảnh sẽ là một biện pháp cứng rắn cũng như cảnh báo cho người nộp thuế đang nợ thuế để đảm bảo việc hoàn thành nghĩa vụ thuế vào ngân sách nhà nước", thông cáo của Bộ Tài chính nêu rõ.