Thời gian gần đây, để tăng cường quản lý ngân sách, ngành Tài chính đã khẩn trương xử lý thu hồi nợ thuế, số người bị cưỡng chế tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế có xu hướng gia tăng. Nhiều ý kiến kiến nghị thay đổi quy định về cấm xuất cảnh vì nợ thuế.
Về vấn đề này, ngày 1/6, Bộ Tài chính có thông cáo trả lời chính thức như sau:
Luật Quản lý thuế đã quy định hành lang pháp lý đối với việc nợ thuế. Theo đó, trường hợp sau 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, người nộp thuế chưa nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thì cơ quan quản lý thuế thông báo cho người nộp thuế biết số tiền thuế, tiền phạt còn nợ và số ngày chậm nộp.
Luật Quản lý thuế cũng quy định việc cho phép người nộp thuế nộp dần tiền thuế nợ trong trường hợp có bảo lãnh của ngân hàng.
"Như vậy, cơ quan thuế đã nhắc nhở để các trường hợp vô tình nợ thuế khẩn trương nộp thuế và cũng có phương án nộp dần cho doanh nghiệp khó khăn không nộp được hết nợ một lần", Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/2020/NĐ-CP đã quy định cụ thể về trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh.
Theo đó, các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh là cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, số lượng người nộp thuế nợ thuế dưới 1 triệu đồng rất lớn, đa số lại kéo dài. Với các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế thực hiện rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh trước khi thực hiện gửi thông báo đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và người nộp thuế để người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh.
Người nộp thuế có thể chủ động tra cứu nợ thuế của mình trên hệ thống của ngành thuế để đảm bảo hoàn thành nghĩa vụ thuế trước khi xuất cảnh.
"Để nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế, biện pháp tạm hoãn xuất cảnh sẽ là một biện pháp cứng rắn cũng như cảnh báo cho người nộp thuế đang nợ thuế để đảm bảo việc hoàn thành nghĩa vụ thuế vào ngân sách nhà nước", thông cáo của Bộ Tài chính nêu rõ.
Trước đó, hồi tháng đầu năm 2024, ông Bùi N. H., sinh năm 1975, có địa chỉ thường trú tại Long Thành, Đồng Nai (là Giám đốc – người đại diện theo pháp luật của một doanh nghiệp được đăng ký tại toà nhà HD Tower ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Nghé, TP.HCM) đã bị tạm hoãn xuất cảnh.
Lý do: Ông H là người đại diện doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; mặc dù số tiền bị cưỡng chế chỉ là hơn 1,1 triệu đồng.
Cơ quan hải quan cho biết, từ ngày 2/2/2024 đến khi người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước thì sẽ được dỡ bỏ tạm hoãn xuất cảnh.
Nợ thuế số tiền lớn hay nhỏ đều có thể bị tạm hoãn xuất cảnh
Trước đó, trả lời báo chí về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận định, pháp luật hiện hành không quy định cụ thể số tiền nợ thuế bị cấm xuất cảnh. Như vậy, để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, dù có nợ thuế số tiền lớn hay nhỏ, đều có thể bị tạm hoãn xuất cảnh.
Theo vị chuyên gia, để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và tính tuân thủ, chấp hành pháp luật của người nộp thuế, dù nợ thuế vài trăm ngàn đồng hay hàng tỉ đồng, đều phải áp dụng các quy định như nhau.
"Hiện nay, việc tra cứu thông tin, dữ liệu nộp thuế rất đơn giản, thuận tiện cho người nộp thuế, nên để nắm được thông tin còn nợ thuế hay không trước khi xuất cảnh là điều không khó. Việc nhiều người nêu lý do nợ thuế rất ít nên không nắm được thông tin là chưa hợp lý", ông Thịnh nói.