Kinh nghiệm tại nhiều địa phương đã được chia sẻ tại buổi Café Doanh nhân với chủ đề “Sáng kiến cải cách từ cơ sở” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức chiều nay 14/3.
Mang đến buổi café doanh nhân mô hình “ngày thứ hai cho doanh nghiệp”, Ông Nguyễn Thanh Liêm đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ cho biết đây được coi là một trong những hoạt động trọng tâm được chính quyền thành phố hết sức chú trọng nhằm kịp thời nắm bắt và giải quyết các khúc mắc của các doanh nghiệp.
Thực hiện mô hình này, năm 2016, UBND TP đã quyết định không tổ chức họp giao ban sáng thứ hai để dành thời gian cho các giám đốc sở, ngành trực tiếp gặp gỡ doanh nghiệp. Còn cấp lãnh đạo thành phố trên cơ sở chương trình làm việc trong năm sẽ định kỳ tiếp doanh nghiệp mõi tháng 1 lần.
Cần Thơ không tổ chức họp giao ban sáng thứ hai để dành thời gian cho các giám đốc sở, ngành trực tiếp gặp gỡ doanh nghiệp.
Đáng chú ý, việc thực hiện ngày thứ hai cho doanh nghiệp có thể được triển khai linh hoạt trong tháng tùy theo tình hình cụ thể nhằm kịp thời nắm bắt các khó khăn khúc mắc của doạnh nghiệp để có thể tháo gỡ trong thời gian sớm nhất.
Bên cạnh đó, TP cũng lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin giải quyết các vụ việc đồng thời là nơi để tiếp nhận những thông tin phản hồi từ phía doanh nhân.Mô hình này đã đã thu hút đông đảo doanh nghiệp tham gia, trở thành câu chuyển điển hình trong cả nước
Tuy không cố định vào một ngày như tại Cần Thơ, song mô hình Café doanh nhân tại Tuyên Quang được xây dựng thành chương trình gặp gỡ giữa các lãnh đạo tỉnh với các doanh nhân và thậm chí có sự tham gia của các ca sĩ để làm cho buổi gặp gỡ mang đâm hơi thở cuộc sống.
Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang cho biết mô hình này được triển khai từ năm 2014 đến nay tại Tuyên Quang đã tạo cơ hội thuận lợi để các doanh nhân gặp gỡ đầy đủ lãnh đạo tỉnh và các sở ban ngành, từ đó doanh nghiệp có cơ hội để giãi bày các khó khăn và được giải quyết một cách kịp thời.
Việc rút ngắn khoảng cách của doanh nghiệp với lãnh đạo tỉnh được coi là một “cơ chế mềm” giải quyết rất hiệu quả những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp vốn khó có thể có điều kiện để chuyển tải tới các lãnh đạo tỉnh trong những cuộc gặp gỡ mang tính chính thức song lại nặng về hình thức.
Bên cạnh mô hình Café doanh nhân, các sáng kiến về đột phá cải cách thủ tục hành chính tại nhiều địa phương cũng được giới thiệu và ghi nhận mang lại nhiều thuận lợi và hiệu quả trong việc giải quyết cho DN.
Sáng kiến thành lập Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư (IPA) của tỉnh Quảng Ninh được coi là một ý tưởng thành công điển hình giúp mang lại vị trí thứ hạng cho Quảng Ninh trong xấp hạng năng lực cạnh tranh trong nhiều năm gần đây của Quảng Ninh, đồng thời được DN đánh giá cao.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh , Tổ trưởng Tổ Công tác PCI Quảng Ninh cho biết đây thực chất là cơ quan có nhiệm vụ liên kết, hỗ trợ, đưa ra sáng kiến cho doanh nghiệp, tham mưu UBND tỉnh để cả hệ thống đều vào cuộc giúp cho nhà đầu tư.
Đoàn cán bộ Bangladesh thăm Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh (ảnh: IPA Quảng Ninh)
Đây cũng là nơi chịu sự điều hành trực tiếp của lãnh đạo cao nhất của tỉnh, để khi doanh nghiệp có ý định đầu tư, xúc tiến đầu tư và rót vốn sẽ được xử lý thông tin và thủ tục kịp thời, không phải chờ đợi quá lâu dẫn tới thay đổi quyết định đầu tư.
Ông Thành cho biết, qua 5 năm, IPA đã khẳng định được hiệu quả đầu tư, góp sức kêu gọi và thu hút nhiều nhà đầu tư lớn vào tỉnh trên nhiều lĩnh vực, đồng thời tăng cường niềm tin để các nhà đầu tư tiếp tục rót vốn đầu tư phát triển.
Trong vòng 5 năm thực hiện từ 2012-2016, vốn đầu tư vào Quảng Ninh tăng ngoạn mục với trên 190 nghìn tỷ đồng huy động cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, vốn FDI giai đoạn này đạt 2,58 tỷ USD, gần bằng cả giai đoạn 25 năm của thời kỳ đổi mới trước đây, góp phần thúc đẩy kinh tế Quảng Ninh cất cánh.
Bên cạnh đó, mô hình Trung tâm hành chính công của tỉnh Bình Dương cũng được nhiều doanh nghiệp ghi nhận với sự nghiêm túc học hỏi từ các mô hình đã thành công của Singapore, Hàn Quốc và cả của Quảng Ninh.
Trung tâm hành chính công của tỉnh Bình Dương
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết đây là mô hình một cửa liên thông tập trung, hiện đại theo các quy định của Trung ương, các kinh nghiệm của các nước, tỉnh thành bạn và mang đặc trưng của tỉnh Bình Dương thể hiện ở 3 nhóm vấn đề chính gồm hoạt động giải quyết thủ tục hành chính gắn với Trung tâm hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và tạo không gian hành chính mở, thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, ông Dũng cho biết với thuận lợi của Bình Dương là tất cả các cơ quan gồm 62 sở ban, ngành cùng đóng chung trong 1 toà nhà đã giúp việc liên thông kết nối thông tin giữa các cơ quan dễ hơn., từ đó giải quyết hồ sơ và thông tin cho người dân, DN vừa nhanh chóng vừa thuận lợi.
“Năm 2016 chúng tôi đã giải quyết hơn 130.000 hồ sơ. Số lượng hồ sơ qua bưu chính hơn 70.000 hồ sơ. Điều này chứng tỏ người dân và doanh nghiệp đã tin tưởng vào việc xử lý hành chính của tỉnh”, ông Dũng cho biết.
Ông cũng chia sẻ thêm với cơ chế giám sát thường xuyên chặt chẽ hoạt động của Trung tâm từ các cấp lãnh đạo Tỉnh cũng như việc lắng nghe, tiếp nhận thông tin phản hồi từ phía doanh nghiệp, người dân đã giúp duy trì hoạt động nghiêm túc và chuyên nghiệp của Trung tâm hành chính.
“Thực tế trong thời gian qua tỉnh vươn lên khá mạnh mẽ trong bảng xếp hạng, song với mô hình Trung tâm hành chính liên thông 1 cửa cùng sự cố gắng nỗ lực của các cơ quan ban ngành của tỉnh, chúng tôi kỳ vọng sẽ mang lại nhiều đột phá trong cải cách thủ tục hành chính cho doanh nghiệp trong thời gian tới”, ông Dũng khẳng định.