Không có bảng xếp hạng nào được đưa ra. Nếu muốn tìm thứ hạng, các địa phương sẽ phải soi rất kỹ điểm số của mình và các tỉnh, thành phố khác để tự so sánh.
Những chuyên gia lắng nghe tiếng nói của người dân để làm nên PAPI 2018 đã gửi đi thông điệp rất rõ ràng. Để nắm được đâu là những vấn đề người dân chưa hài lòng, lãnh đạo cấp tỉnh và những người đứng đầu các cơ quan, ban ngành địa phương cần tham khảo kết quả ở tất cả 8 chỉ tiêu được dùng để xây dựng các nội dung thành phần và các chỉ số nội dung.
Mỗi địa phương đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng.
Bắc Giang thuộc nhóm cao nhất ở 6 chỉ số nội dung, nhưng lại đạt trung bình thấp ở chỉ số trách nhiệm giải trình với người dân.
Bến Tre cũng vậy. Điểm tổng hợp cao nhất, cùng với Lạng Sơn, nhưng chỉ đạt trung bình thấp ở chỉ số tham gia của người dân ở cấp cơ sở...
Hà Nội trong nhóm thấp nhất về chỉ số tổng hợp PAPI, nhưng được ghi nhận ở mức trung bình cao ở tiêu chí thủ tục hành chính công…
Đáng chú ý là các địa phương phía Bắc có xu hướng đạt điểm trung bình cao đến cao nhất ở các nội dung tham gia của người dân tại cấp cơ sở, công khai, minh bạch trong ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân. Ngược lại, các tỉnh, thành phố phía Nam được điểm cao hơn ở chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thủ tục hành chính công, cung ứng dịch vụ công.
Nếu chính quyền địa phương nào thực sự muốn hiểu được kỳ vọng của người dân, muốn hành động để làm người dân hài lòng, các giải pháp cụ thể thì có thể tìm thấy ở đây, ngay trong từng chỉ số nội dung với những đánh giá, nhận xét chi tiết mà hơn 14.300 người dân được chọn ngẫu nhiên từ tất cả 63 tỉnh, thành phố đã bày tỏ quan điểm.
Nhưng, kết quả PAPI 2018 cũng cho thấy, không có địa phương nào thuộc về nhóm đạt điểm cao nhất ở cả 8 chỉ số nội dung. Hơn thế, khoảng cách giữa điểm cao nhất cấp tỉnh (47,05 điểm) và mức điểm tối đa là 80 điểm (trên thang điểm từ 10 đến 80 điểm cho tất cả 8 chỉ số nội dung) còn rất xa.
Khoảng cách này cho thấy, còn nhiều cơ hội đổi mới chính sách và cách thức thực thi chính sách để chính quyền các cấp ngày càng cởi mở hơn, minh bạch hơn, thực hiện trách nhiệm giải trình tốt hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, hoạt động có mục đích và thực hành liêm chính tốt hơn.
Khoảng cách này cũng cho thấy, người dân trông đợi các cấp, chính quyền tăng cường công khai, minh bạch; tiếp tục chống tham nhũng trong khu vực công; tập trung quản lý môi trường. Người dân cũng yêu cầu triển khai mạnh mẽ quản trị điện tử để họ có thể tương tác trực tuyến với chính quyền khi cần thông tin chính sách hoặc sử dụng dịch vụ công điện tử.
Lý do là kết quả phân tích dữ liệu PAPI năm 2018 cho thấy, người dân hài lòng hơn với dịch vụ công, nhưng còn quan ngại về môi trường, nghèo đói. Đặc biệt, tình trạng “lót tay” để có việc làm trong khu vực nhà nước, vòi vĩnh trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lạm dụng công quỹ… chưa giảm và tham nhũng vẫn là một trong 3 mối quan ngại hàng đầu với người dân.