Làng hoa hồng triệu phú dưới chân núi Langbiang

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi từ cà phê, rau sang trồng hoa hồng mà vùng sản xuất nông nghiệp dưới chân núi Lang Biang (TT.Lạc Dương, H.Lạc Dương, Lâm Đồng) trở thành “làng” hoa hồng trù phú.
Ông Nguyễn Xuân Quả (phải) bên vườn hoa hồng
LÂM VIÊN Ông Nguyễn Xuân Quả (phải) bên vườn hoa hồng LÂM VIÊN
Một tuần trước ngày Quốc tế Phụ nữ (8.3), làng hoa nhộn nhịp người mua kẻ bán. Năm nay hoa hồng có giá “kỷ lục” nên người làng hoa rất phấn khởi. Sáng 6.3, ông Hoàng Bình Minh (44 tuổi, ngụ TT.Lạc Dương), được người dân gọi là “trưởng làng” hoa, cho biết giá hoa hồng đỏ tại vườn 6.000 - 6.500 đồng/cành, hoa hồng các màu giá 5.000 - 5.500 đồng/cành, trong khi ngày bình thường giá hoa chỉ từ 1.000 - 1.300 đồng/cành. Dịp lễ này trang trại hơn 1 ha của ông Minh cung cấp cho thị trường trên 130.000 cành hoa.

Còn vườn hoa hồng 6.000 m2 của gia đình ông Nguyễn Xuân Quả (46 tuổi, Lạc Dương) dịp lễ này cung cấp cho thị trường hơn 70.000 cành hoa, cho thu nhập trên 300 triệu đồng.

Thu nhập cao, ổn định

Ông Minh cho biết thêm: “Mấy năm gần đây nông dân dưới chân núi Lang Biang mạnh dạn chuyển sang trồng hoa hồng, bởi hoa cho thu nhập ổn định hơn trồng rau hay cà phê”.

Ông dẫn chứng, với 1 sào (1.000 m2) hoa hồng trồng trong nhà kính, mỗi tháng cho thu hoạch 15.000 cành hoa, bán với giá trung bình 1.200 đồng/cành, sau khi trừ chi phí mỗi tháng còn lãi được 10 triệu đồng. Trung bình mỗi hộ có từ 3 đến 5 sào, tính ra mỗi tháng tích lũy được từ 30 - 50 triệu đồng. Theo thống kê, hiện nay toàn TT.Lạc Dương có khoảng 200 hộ canh tác hoa hồng công nghệ cao với diện tích trên 100 ha.

Vườn hoa hồng công nghệ cao của vợ chồng ông Nguyễn Xuân Quả 

Qua tìm hiểu, khoảng 20 năm trước, ông Minh và ông Phạm Văn Nhân (45 tuổi) cùng vài người bạn đồng trang lứa từ Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đặt chân đến Đà Lạt làm việc cho một trang trại chuyên trồng rau, hoa công nghệ cao ở TP.Đà Lạt. Cách đây hơn 10 năm, khi tích lũy được ít vốn, hai ông đến H.Lạc Dương thuê đất dưới chân núi Lang Biang trồng rau, trồng hoa.

Ban đầu chỉ vài sào, sau đó nâng lên cả mẫu. Nhờ tích lũy được kinh nghiệm nên vườn hoa hồng ứng dụng công nghệ cao của các hộ ông Minh, Nhân, Tâm, Trị… cho sản phẩm hoa tươi vượt trội, được thị trường khắp nơi ưa chuộng, các vựa đặt hàng.

Ông Nhân cho biết: “Với thổ nhưỡng và khí hậu trời cho, nên hoa hồng trồng ở chân núi Lang Biang to, khỏe và đẹp hơn hoa hồng Vạn Thành vốn rất nổi tiếng của Đà Lạt”.

 Thu hoạch hoa hồng

Khi thấy những người tiên phong ăn nên làm ra, có “của ăn của để” từ hoa hồng, nhiều người dân Kỳ Anh mạnh dạn tiếp bước. Đơn cử, ông Nguyễn Xuân Quả (46 tuổi) đưa vợ và 4 người con trai vào Lạc Dương thuê đất trồng hoa hồng 7 năm nay.

Nhờ học hỏi những người đi trước, gia đình ông biết cách trồng hoa công nghệ cao. Trước Tết Kỷ Hợi ông Quả sắm được xe hơi trên 600 triệu để làm phương tiện đi lại.

Một trường hợp khác, ông Sử Văn Bằng (mới vào Lạc Dương 2 năm nay) thuê 7 sào đất trồng hoa hồng. Hiện mỗi tháng, sau khi đã trừ các chi phí, gia đình ông có thể thu được khoảng 60 triệu đồng.

Liên kết sản xuất và tiêu thụ

Ông Hoàng Bình Minh chở hoa đi tiêu thụ 

Không chỉ canh tác hoa, một số nông hộ còn nhận tiêu thụ hoa cho bà con làng hoa dưới chân núi Lang Biang. Các vựa hoa của chị Nguyễn Thị Phương, Võ Thị Huy… mỗi ngày đóng đi các tỉnh từ 10.000 - 15.000 cành hoa hồng các loại. Chị Huy cho biết dịp lễ 8.3 mỗi ngày chị đóng trên 20.000 cành hoa hồng đi Hà Nội, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Đắk Lăk, Quy Nhơn, TP.HCM …

Ông Minh chia sẻ thêm, hiện nay vùng sản xuất hoa Lang Biang đang hình thành những tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ hoa hồng. Những nông hộ có kinh nghiệm chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn cách chăm sóc, cách thu hoạch và thu mua hoa của bà con mới vào, nhờ đó việc sản xuất, tiêu thụ hoa ổn định hơn. Đến nay có khoảng 20 hộ trồng hoa dưới chân núi Lang Biang đã sắm được xe hơi, nhiều nông hộ khác “đổi đời” nhờ hoa hồng.


thanhnien.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục