Làn sóng M&A sẽ không giảm dù Fed có sớm tăng lãi suất

(ĐTCK) Một trong những nhà môi giới hàng đầu trong lĩnh vực mua bán và sáp nhập (M&A) cho rằng, ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong thời gian tới thì điều này cũng không ngăn các tập đoàn và doanh nghiệp “để mắt” tới các thương vụ M&A trong năm nay.

Trả lời phỏng vấn CNBC, chuyên gia cấp cao tại Công ty tư vấn đầu tư và tài chính Blackstone Advisory Partners, ông John Studzinski cho rằng, trên cơ sở một số nhân tố như lạm phát lương và sự cần thiết loại trừ các rủi ro tài chính, làn sóng M&A sẽ vẫn tiếp diễn bất chấp chiến lược lãi suất của Fed có như thế nào.

Ông Studzinski từng giữ cương vị quản lý tại Ngân hàng Morgan Stanley và HSBC, cũng là người đứng đằng sau một số thương vụ M&A “đình đám” như Unilever mua lại Best Foods với giá 25 tỷ USD hồi năm 2000.

“Tôi không cho rằng việc Fed tăng lãi suất sẽ có tác động ngắn hạn, vì mọi người đã có sự chuẩn bị tâm lý, cho dù điều này có được thực hiện trong quý IV năm nay hay quý I/2016. Vấn đề lớn nhất là phải đánh giá đúng mức độ ảnh hưởng của lạm phát, lạm phát lương và tác động của chúng đối với bất kỳ quyết định nào của Fed”, ông Studzinski nói.

Kinh tế Mỹ đã tạo được 280.000 việc làm trong tháng 5 vừa qua, mức tốt hơn dự báo và có thể củng cố thêm những hy vọng rằng, nền kinh tế lớn nhất thế giới này đang trên lộ trình tăng trưởng trở lại sau giai đoạn khởi động chậm hồi đầu năm. Đáng chú ý, số liệu việc làm có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong định hướng chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed, như những gì định chế này từng tuyên bố.

Sau hơn 6 năm duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục, Ngân hàng Trung ương Mỹ đang tìm kiếm các dấu hiệu không chỉ trên thị trường lao động mà còn trong tăng trưởng lương, sự kết hợp cho thấy lạm phát hiện có đang trong ngưỡng tích cực hay không. Sau số liệu khả quan trên thị trường lao động nói trên, giới phân tích cho rằng, nhiều khả năng Fed sẽ bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 9 tới.

Khi được hỏi về lĩnh vực nào đang tìm kiếm những lời khuyên nhiều nhất để chuẩn bị cho các thương vụ M&A, chuyên gia Studzinski cho biết, ngành công nghệ thông tin, truyền thông và viễn thông đang ghi nhận hoạt động chuẩn bị cho M&A năng động và mạnh mẽ nhất.

Theo số liệu cập nhật mới nhất của Mergermarket, trị giá các thương vụ M&A trên toàn cầu kể từ đầu năm đến nay đã chạm ngưỡng 1.400 tỷ USD, gần bằng các mức kỷ lục hồi năm 2007, trong đó có 7 thương vụ có trị giá trên 20 tỷ USD, tăng so với 4 thương vụ cùng kỳ năm ngoái.

Các vụ M&A trong lĩnh vực dược phẩm, y tế và công nghệ sinh học hiện có giá trị cao nhất, với tổng giá trị 45,2 tỷ USD, tăng 75% so với cùng kỳ năm 2014.

Thị trường hiện vẫn giữ quan điểm trái chiều về việc Fed có nên tăng lãi suất sớm hay không. Sau khi Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde lên tiếng hối thúc Fed trì hoãn việc tăng lãi suất do các điều kiện kinh tế hiện nay vẫn chưa đủ vững chắc, thì Phó giám đốc điều hành IMF Mitsuhiro Furusawa lại bày tỏ quan điểm cho rằng, Fed tăng lãi suất sớm có thể tạo ra các rủi ro đáng kể đối với thị trường toàn cầu.

Phát biểu tại một cuộc hội thảo tổ chức tại Seoul (Hàn Quốc) hôm 8/6, Phó chủ tịch Furusawa nhận định, thị trường sẽ đứng trước rủi ro bất ổn nếu Fed tăng lãi suất.

“Rủi ro xuất hiện một khi niềm tin trên thị trường dịch chuyển, có thể bắt nguồn từ việc Fed bình thường hóa chính sách lãi suất, lợi suất trái phiếu có thể tăng mạnh và xuất hiện sự dịch chuyển các dòng vốn. Quá trình này có thể trở nên hỗn loạn, làm suy yếu thanh khoản trên một số thị trường và các loại tài sản”, ông Furusawa nói.

Fed có thể giảm thiểu các rủi ro này bằng cách tiếp tục gửi đi thông điệp về các dự định chính sách tiền tệ của mình, đồng thời bản thân các nền kinh tế đang phát triển cần củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô và khuôn khổ chính sách.

Trên cơ sở đó, IMF khuyến nghị Fed có thể chỉ nên tăng lãi suất từ đầu năm 2016.

Việt Khoa(Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục