Làn sóng giảm phí, miễn phí lan rộng

(ĐTCK) Mùa đại hội đồng cổ đông hồi tháng 4/2019, lãnh đạo nhiều công ty chứng khoán (CTCK) đã dự báo về sức ép cạnh tranh gia tăng khi quy định về mức phí sàn khi giao dịch chứng khoán chính thức được gỡ bỏ. 
Làn sóng giảm phí, miễn phí lan rộng

Tuy nhiên, tốc độ nhanh, mạnh và lan rộng về phong trào “miễn phí giao dịch” từ có kỳ hạn đến trọn đời như hiện nay thì có lẽ ít ai dự đoán được.

Từ các công ty ngoại mạnh về vốn như Chứng khoán KB, Yuanta, KIS… đến những CTCK tăng vốn từng bước như Everest, Kiến Thiết Việt Nam…, đều áp dụng chiêu “miễn phí giao dịch từ 3 - 6 tháng” để tăng sức hút khách hàng.

Một số công ty vốn hoạt động trầm lắng nhiều năm bỗng tạo ấn tượng mạnh khi đưa ra chính sách hấp dẫn khó tưởng.

Chẳng hạn, Chứng khoán HFT sau khi chính thức đổi tên thành Chứng khoán Pinetree công bố áp dụng phí giao dịch cổ phiếu 0%, lãi suất margin 9%/năm trọn đời.

Chứng khoán AIS tuyên bố miễn phí giao dịch cho khách hàng không thời hạn…

Nếu như trước đây, lãi suất margin là nhân tố cạnh tranh chính của hoạt động môi giới thì nay, phí giao dịch đang trở thành công cụ đòn bẩy cho môi giới tại các tổ chức tài chính trung gian.

Ðộng thái này được hậu thuẫn bởi việc Bộ Tài chính quyết định bỏ quy định về phí sàn giao dịch chứng khoán từ ngày 15/2/2019 với lý do đây là xu hướng chung của các thị trường phát triển.

Lúc đầu, làn sóng giảm phí, bỏ phí còn nhỏ lẻ ở một vài công ty, nay việc giảm phí, miễn phí ngày càng lan rộng với tốc độ nhanh.

Nhà đầu tư được thêm sự lựa chọn, nhưng cạnh tranh bằng không phí như hiện nay đang tạo áp lực lên các CTCK yếu về vốn, hoặc những CTCK không có sự điều chỉnh kịp thời về chính sách phí giao dịch theo xu hướng của thị trường.

Khách hàng của CTCK gồm 2 loại, nhà đầu tư tổ chức và cá nhân. Với nhà đầu tư tổ chức, theo chia sẻ của nhiều lãnh đạo CTCK, để phục vụ họ là không dễ, bởi phải đáp ứng các yêu cầu về hệ thống giao dịch, tính bảo mật, chất lượng tư vấn, báo cáo phân tích…

Nhà đầu tư tổ chức cũng là đối tượng mang lại nguồn thu ổn định cho các CTCK có thế mạnh về mảng khách hàng này, chẳng hạn Bản Việt hay SSI.

Tuy nhiên, 80% giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam hàng ngày lại đến từ các nhà đầu tư cá nhân - hay còn gọi là khách hàng retail.

Ðối tượng này cũng là tâm điểm mà CTCK muốn mở rộng thị phần, thúc đẩy cuộc chạy đua về nhiều mặt: vốn, phí giao dịch, lãi suất margin…

Sự ra đời của nền tảng công nghệ số đang khiến cuộc cạnh tranh lên một tầm cao mới. Công nghệ số cho phép các công ty kết nối hệ sinh thái sản phẩm trực tuyến với nhau, khiến cho ranh giới giữa nhà cung cấp sản phẩm và khách hàng gần nhau hơn bao giờ hết.

Nếu như trước đây, các CTCK chỉ cung cấp các dịch vụ cơ bản thì nay, nhiều CTCK cung cấp cho khách hàng một nền tảng giao dịch tài sản và sản phẩm dịch vụ rất đa dạng, từ bảo hiểm đến tiền gửi tiết kiệm, thanh toán online, giao dịch cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ hay các hợp đồng tương lai và các công cụ đầu tư phái sinh.

Khi công nghệ vào cuộc, CTCK có cơ hội thu phí ở chỗ khác bù cho phí giảm ở môi giới, đồng thời giảm được chi phí do không còn cần quá nhiều nhân viên.

Chịu tác động từ cạnh tranh, các CTCK đang và sẽ buộc phải chọn lựa việc đầu tư nhiều hơn cho công nghệ, củng cố tốt hơn năng lực tài chính, năng lực quản trị rủi ro.

Ðối tượng hưởng lợi đầu tiên sẽ là khách hàng. Tuy nhiên, phía sau lợi ích khách hàng sẽ là một cuộc thanh lọc tự nhiên, buộc các chủ thể yếu kém phải rời bỏ cuộc chơi, nhường chỗ cho các CTCK đủ sức xoay chuyển để vững tiến.

Thị phần năm 2020 dự báo sẽ rất khác nếu các “ông lớn” đang có tên trong Top 10 thị phần chậm đổi mới.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục