Thưa ông, kết quả thu hút FDI vào Bình Dương năm qua có điểm nhấn nào đáng chú ý?
Từ đầu năm đến nay, thu hút FDI của Bình Dương đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng hơn 60% so với năm trước, trong đó vốn đăng ký mới chiếm 65%, còn lại vốn đăng ký tăng thêm. Tỷ lệ giải ngân đến thời điểm này đạt 66%, nhưng hết năm nay, tôi tin tỷ lệ giải ngân sẽ đạt 80%, vì các nhà máy đã xây xong hết (tỷ lệ giải ngân trung bình các năm trước là 78%).
Các dự án nước ngoài tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp điện tử và giấy. Chia theo khu vực thì vốn đến nhiều nhất từ doanh nghiệp Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc.
60% là mức tăng khá cao. Xu hướng này liệu tiếp tục trong năm tới, thưa ông?
Tôi tin là một vài năm tới, làn sóng đầu tư vào Bình Dương sẽ mạnh hơn năm nay. Một số dự án lớn sẽ mở rộng đầu tư vào đầu năm tới là nhà máy của Tập đoàn Kumho khoảng 500 triệu USD và nhà máy dệt nhuộm Far Eastern với 800 triệu USD.
Bình Dương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thêm 5.000 ha đất khu công nghiệp. Tỉnh hiện có 9.000 ha đất khu công nghiệp, với tỷ lệ lấp đầy 78%.
Ở phía Nam, Bình Dương chỉ đứng sau TP.HCM trong thu hút FDI. Theo ông, đâu là nguyên nhân chính để tỉnh đạt được kết quả này?
Hạ tầng đồng bộ, hiện đại, chính quyền nói được, làm được là yếu tố khiến doanh nghiệp tin tưởng đầu tư tại Bình Dương. Hàng năm, chính quyền địa phương đều tổ chức các cuộc gặp mặt với nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn. Chúng tôi giải quyết dứt điểm các vấn đề, cũng như ghi nhận kiến nghị với các bộ, ngành liên quan nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng và minh bạch.
Sau sự cố Formosa, Bình Dương có rút kinh nghiệm gì về quản lý và bảo vệ môi trường?
Từ năm 2010, Bình Dương đã xác định thu hút đầu tư chọn lọc và từ năm 2015 cương quyết không cho doanh nghiệp đầu tư ngoài khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Tỉnh ưu tiên chọn doanh nghiệp có giá trị gia tăng cao với kỹ thuật tiên tiến, hiện đại. Bình Dương cũng thu hút các dự án công nghệ cao vào Khu công nghiệp Mapletree với diện tích 70 ha, hay Khu công nghiệp Ascendas 100 ha.
Tất cả các khu công nghiệp đều có trạm quan trắc bên trong và bên ngoài. Nói đến đầu tư vào lĩnh vực sản xuất giấy thì ai cũng sợ, nhưng Bình Dương nhận dự án của 2 tập đoàn giấy lớn nhất thế giới và 1 dự án dệt nhuộm, vì áp dụng kiểm soát môi trường 3 cấp độ. Nước của nhà máy đạt chuẩn loại A, được xả ra hệ thống khu chứa của khu công nghiệp, khi đủ điều kiện mới xả ra sông.
Môi trường đầu tư của Bình Dương sẽ có tiến bộ gì trong thời gian tới, thưa ông?
Tỉnh sẽ tập trung đầu tư hạ tầng nhằm tăng năng lực cạnh tranh, trong đó có cầu vượt Quốc lộ 13 đang giải tỏa đền bù và tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn đang thiết kế thi công. Bình Dương đã hỗ trợ Bộ Giao thông - Vận tải 300 tỷ đồng tiến hành nâng cầu Bình Lợi để có thể chở container đi đường sông lên TP.HCM, giúp giảm chi phí khoảng 40%.
Trong 6 cầu vượt trên tuyến giao thông nối với TP.HCM, sẽ khởi công sớm 2 cầu để giảm ùn tắc và vận hành tuyến xe buýt nhanh từ TP.HCM về Bình Dương trong năm sau. Việc Bình Dương tập trung phát triển thành phố thông minh, đặc biệt là Đề án phát triển Trung tâm Thành phố mới, cùng với chính quyền điện tử, cũng là để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn