“Làn gió mới” VFM

(ĐTCK-online) Ngày 19/3 vừa qua, CTCP Quản lý quỹ Việt Nam (VFM) đã tổ chức ĐHCĐ lần đầu tiên sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động. Bên cạnh định hướng hoạt động năm 2010, VFM đã đề ra chiến lược phát triển dài hạn giai đoạn 2011 - 2015. Nhân dịp này, VFM cũng chính thức giới thiệu tân Chủ tịch HĐQT mới, ông Dominic Scriven. Bên lề đại hội, ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Dominic Scriven và ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc VFM về hoạt động của VFM cùng ba quỹ đại chúng niêm yết do Công ty quản lý.

Thưa ông, VFM vừa thay đổi nhân sự tại vị trí cao nhất trong HĐQT. Đâu là lý do của sự thay đổi này?

Giai đoạn ban đầu khi mới thành lập, VFM là một công ty liên doanh giữa Sacombank và Dragon Capital (DC). Trong hoạt động quản trị, các chức vụ lãnh đạo trong liên doanh sẽ được một trong hai bên luân phiên nắm giữ và thay đổi theo mỗi nhiệm kỳ. Tuy nhiên, tinh thần liên doanh ban đầu đã thay đổi; cụ thể, kể từ ngày 8/1/2009, Công ty liên doanh Quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam đã chính thức chuyển thành CTCP Quản lý Quỹ đầu tư Việt Nam. Mô hình hoạt động mới cần cách quản trị mới phù hợp hơn, bảo đảm lợi ích cho các cổ đông. Trước khi diễn ra các thay đổi về nhân sự cao cấp của VFM, Tổng giám đốc kiêm nhiệm luôn chức danh Chủ tịch HĐQT. Cá nhân tôi cho rằng, hai vị trí lãnh đạo cao nhất  trong một CTCP theo nguyên tắc quản trị thì tốt nhất nên riêng rẽ. Hiện tại, tôi đang là thành viên HĐQT của cả Sacombank lẫn DC, vì vậy tôi có thể đại diện cho phần lớn số cổ phần góp vốn vào VFM, đảm bảo lợi ích cho các cổ đông.

 

Như vậy, sự thay đổi này có liên quan gì đến định hướng và chiến lược hoạt động của Quỹ trong thời gian tới hay không?

VFM hiện có tới 60 nhân viên, chỉ riêng cá nhân một người như Dominic thì chắc không thể thay đổi được gì (cười). Tuy nhiên, định hướng phát triển của Công ty đã được xây dựng tới năm 2015. Về định hướng, VFM sẽ ưu tiên mục tiêu phát triển theo chiều sâu, nhưng Công ty cũng có kế hoạch mở rộng. Cụ thể, đến năm 2015, tổng tài sản do VFM quản lý sẽ đạt trên 15.000 tỷ đồng thông qua việc gia tăng giá trị tài sản Công ty đang quản lý và cho ra đời nhiều sản phẩm, đáp ứng đa dạng các nhu cầu của khách hàng. Kế hoạch phát triển mở rộng VFM bao gồm hoạt động đầu tư góp vốn và thành lập các công ty thành viên chuyên nghiệp trong lĩnh vực quản lý tài sản, dịch vụ đầu tư tài chính, BĐS…

 

Ông đánh giá ra sao về hoạt động của hai quỹ đại chúng đang niêm yết là VF1 và VF4 trong năm 2009 so với tương quan thị trường?

Khi nhìn lại dự báo về thị trường đầu năm 2009, chúng ta thấy  rất ít dự báo sát với thực tế. Vào đầu quý I/2009, tâm lý các nhà đầu tư trên toàn thế giới rất hoang mang, mối lo ngại khi đó là hệ thống tài chính toàn cầu có thể sụp đổ. Thậm chí, tôi còn được biết rằng, ở thời điểm đó, một định chế tài chính lớn trên thế giới đã ngừng hoàn toàn việc gửi tiền qua đêm tại tất cả các ngân hàng thương mại, loại trừ 3 ngân hàng lớn. Trong nước, rất ít người ngờ tới kịch bản VN-Index tạo đáy vào tháng 2 và phục hồi, đi lên một mạch cho đến tận tháng 10. Với các nhà đầu tư tổ chức như DC hay VFM, hành động trong một thị trường biến động nhanh như TTCK Việt Nam càng khó khăn hơn do hạn chế về tính thanh khoản. Bên cạnh đó, cùng với  việc tạo ra lợi nhuận, gia tăng giá trị các khoản đầu tư cho cổ đông, chúng tôi cũng không thể xem nhẹ nguyên tắc quản trị rủi ro nhằm bảo toàn nguồn vốn.

Sau đó, như chúng ta đã biết, do chính sách và sự hành động đồng bộ của ngân hàng trung ương nhiều nước, điều xấu nhất không xảy ra. Đặc biệt với Việt Nam, Chính phủ đã có các  phản ứng nhanh, điều chỉnh chính sách tiền tệ và tài khóa kịp thời, tạo điều kiện cho kinh tế và TTCK phục hồi ngoạn mục. Tuy nhiên, năm 2009 cũng ít có nhà đầu tư đánh bại được chỉ số VN-Index, bởi lẽ để có thể làm được việc này cần phải mua được đúng đáy và bán đúng đỉnh. Trong năm 2009, giá trị tài sản ròng của hai quỹ đại chúng VF1 và VF4 tăng lần lượt 53,1% và 48,9%, khá gần so với mức phục hồi 57% của VN-Index. Nếu so sánh với các quỹ khác, mức tăng trưởng của VFM ở tốp đầu và tôi nghĩ, so sánh với tương quan thị trường thì điều này có thể chấp nhận được. Kết quả trên xuất phát từ sự năng động trong quy trình đầu tư của VFM, đặc biệt là các thành viên Hội đồng đầu tư.

 

Năm 2010 được xem là năm phục hồi của kinh tế toàn cầu. Nhiều cơ hội lớn sẽ mở ra, ông đánh giá ra sao về cơ hội và khó khăn với TTCK Việt Nam trong năm nay?

Về tình hình kinh tế vĩ mô, nếu như năm 2009 được coi là năm của phục hồi thì năm 2010 được coi là năm của tăng trưởng. Các kinh tế gia của chúng tôi dự báo mức tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt từ 6,7 - 6,9%, cao hơn một chút với con số kế hoạch của Chính phủ. Nguyên nhân là các hoạt động đầu tư, thương mại và tiêu dùng đã trở lại bình thường. Điều này tạo thuận lợi cho các DN, tạo lực đẩy giúp khối này tăng doanh thu và lợi nhuận.

Tuy nhiên, vẫn có những câu hỏi chưa được trả lời xung quanh sự phục hồi của kinh tế toàn cầu. Những con số được công bố gần đây có thể diễn giải theo cả hai hướng lạc quan và bi quan. Theo quan điểm của chúng tôi, trên tổng thể toàn cầu, sự phục hồi đang diễn ra, nhưng tốc độ và mức sâu rộng cần theo dõi thêm từng tháng, từng quý. Một vấn đề khác cần quan tâm với nhiều nước là các ưu tiên về mặt chính sách giai đoạn hậu các gói kích cầu. Các chính phủ cần ngăn chặn “tác dụng phụ” của các gói kích thích để nền kinh tế phát triển liên tục và bền vững. Tại Việt Nam cũng không có gì khác. Chúng ta phải đối phó với mức tăng tín dụng rất cao năm ngoái, đối phó với sức ép lạm phát, thâm hụt thương mại, tỷ giá. Ở Việt Nam, quãng thời gian từ khi phát hiện vấn đề, tìm được phương pháp để giải quyết vấn để và áp dụng phương pháp đó cần một thời gian. Tuy nhiên, tôi tin rằng, ít nhất một phần của những vấn đề trên đã nằm ở sau chúng ta.

 

Ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc VFM

Ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc VFM

Xin ông cho biết về hoạt động của VFM trong năm qua?

 Sau 6 năm hoạt động theo mô hình công ty liên doanh giữa Sacombank và Dragon Capital, vào tháng 1/2009, VFM chính thức chuyển đổi thành CTCP. Bởi vậy, trong năm qua, bên cạnh việc duy trì hoạt động của hai quỹ đại chúng niêm yết là VF1, VF4 và Quỹ thành viên VF2, công việc chính của VFM là tạo các nền tảng cơ sở vật chất vững chắc chuyển bị cho sự phát triển Công ty trong giai đoạn mới. Cụ thể, VFM đã có bước chuẩn bị về nhân sự, cơ sơ sở vật chất, quản trị DN… phù hợp khi Công ty hoạt động theo mô hình CTCP với định hướng phát triển dài hạn từ năm 2010 tới 2015. Trong năm 2009, VFM đã đầu tư xây dựng Tòa nhà A&B Tower, nơi dự kiến trở thành trụ sở mới của Công ty từ tháng 7/2010. Vừa qua, VFM cũng có các thay đổi về nhân sự cao cấp và ông Dominic Scriven được tín nhiệm đề cử vào chức vụ Chủ tịch HĐQT. Sau khủng hoảng, tính cạnh tranh trên thị trường sẽ khốc liệt hơn, nên VFM chủ động xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp nhằm đón đầu các cơ hội.

Về hoạt động, hai quỹ đại chúng do VFM đang quản lý là VF1 và VF4 đều có mức tăng trưởng ấn tượng. Điều này thể hiện ở việc tỷ lệ tăng giá trị tài sản ròng của hai quỹ luôn theo sát chỉ số VN-Index. Một điểm sáng khác trong hoạt động của VFM năm 2009 là Công ty đã thành công trong việc gọi vốn cho quỹ mới - Quỹ đầu tư năng động VFA. Ngày 15/3 vừa qua, chúng tôi đã đóng Quỹ với số vốn góp 240 tỷ đồng. Dự kiến, VFM sẽ hoàn tất các thủ tục nhanh nhất để sớm đưa VFA lên niêm yết.

 

Với sự bổ nhiệm về nhân sự cao cấp cũng như việc xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ chuyên viên chuyên nghiệp, mục tiêu của VFM trong năm 2010 là gì?

Trong năm 2010, VFM vẫn sẽ tập trung chủ yếu vào phát triển hạ tầng, tổ chức và nguồn lực nhân sự nhằm chuẩn bị cho giai đoạn 5 năm từ năm 2011 tới 2015. Trong mảng đầu tư, VFM tiếp tục nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin tại Công ty; đầu tư Tòa nhà VFM; tăng cường và nâng cao chất lượng nhân sự bằng cách liên kết với các tổ chức đào tạo. Bên cạnh đó, VFM lên kế hoạch khảo sát và tiến hành thành lập liên doanh ở Campuchia. Tùy theo sự chấp thuận từ cơ quan quản lý, VFM cũng có kế hoạch phát triển các sản phẩm mới như quỹ đóng. Chúng tôi cũng cam kết mang không ngừng nâng cao giá trị các khoản đầu tư cho các cổ đông vào ba quỹ đại chúng VF1, VF4 và VFA.

 

Chiến lược đầu tư cụ thể của ba quỹ đại chúng VF1, VF4 và VFA trong năm nay như thế nào?

Với VF1, năm 2010 Quỹ sẽ áp dụng chiến lược phân bổ tài sản linh hoạt vào cổ phiếu có giá trị niêm yết trung bình (“mid-cap”) và cổ phiếu có giá trị niêm yết cao (blue-chip), có thanh khoản cao, chú trọng vào hiệu quả hoạt động và tiềm năng tăng trưởng của công ty đầu tư. Về VF4, Quỹ sẽ phân bổ danh mục đầu tư vào ngành nghề theo hướng tăng tỷ trọng cổ phiếu tăng trưởng và giảm tỷ trọng cổ phiếu phòng thủ, nhằm đón đầu khả năng tăng trưởng hậu khủng hoảng của nền kinh tế và TTCK. Danh mục phân chia thành 2 loại: danh mục chủ chốt làm nền tảng giữ vững sự ổn định của danh mục và danh mục năng động dựa vào nền tảng phân tích cơ bản, có tăng trưởng tốt và tính thanh khoản cao. Đặc biệt, quá trình cổ phần hóa đã có dấu hiệu tích cực sau một thời gian yên ắng chính là cơ hội để Quỹ đầu tư VF4 thực hiện những mục tiêu như đã đề ra từ ban đầu.

Với Quỹ VFA sẽ chỉ tập trung vào các cổ phiếu niêm yết. Quỹ chỉ phân bổ tài sản giữa chứng khoán, tiền mặt hoặc các tài sản khác tương đương tùy thuộc vào thị trường. Trong cơ cấu chứng khoán niêm yết, Quỹ sẽ đầu tư vào các cổ phiếu đại diện cho VN-Index, vì thế sẽ có biến động tương đương chỉ số này. VFA chỉ tham gia thị trường khi chứng khoán có xu thế tăng dài hạn và rõ ràng. Việc chốt lời diễn ra ngay khi xu thế này đảo chiều hoặc thị trường đi vào thời kỳ ít biến động. Bên cạnh nguyên tắc chính trên, máy tính cũng tự động đưa ra chiến lược quản lý rủi ro thông qua cơ chế cắt lỗ, phân bổ và đa dạng hóa danh mục đầu tư. Hoạt động đầu tư của Quỹ sẽ đạt được mức lợi nhuận tối ưu khi tối ưu hóa vùng giải ngân và vùng thanh toán tiệm cận với đáy và đỉnh của thị trường.

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch HĐQT VFM

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch HĐQT VFM

Ngọc Giang thực hiện
Ngọc Giang thực hiện

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,244.7 -3.94 -0.32% 162,835 tỷ
HNX 235.68 1.1 0.47% 1,903 tỷ
UPCOM 91.71 -0.2 -0.22% 824 tỷ