Thời điểm hiện tại, "thủ phủ vải" Lục Ngạn, Bắc Giang đang chuẩn bị vào chính vụ. Trong đó, các vườn trồng vải u hồng đã bắt đầu thu hoạch. Năm 2020, toàn tỉnh Bắc Giang có trên 28.000 ha vải.
Giá vải sớm hiện ở mức thấp. Vải u hồng chỉ được mức từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg. Vải thiều chín sớm được bán với giá cao hơn từ 25.000 đến 30.000/kg.
Nhiều đại lý giải thích việc giá vải chưa tăng cao vì việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vẫn hạn chế do tình hình dịch bệnh Covid-19. Vải hiện tại chỉ mới xuất đi tiêu thụ các tỉnh thành trong nước.
Theo UBND huyện Lục Ngạn, 309 thương nhân Trung Quốc sẽ được nhập cảnh vào Việt Nam để thu mua vải thiều nhưng phải cách ly phòng dịch Covid-19 trong 14 ngày. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nhiều vải thiều của Bắc Giang nhất với gần 80.000 tấn trong năm 2019.
Những ngày này, tuy chưa vào chính vụ nhưng tắc đường đã diễn ra trong khung giờ sáng sớm và chiều muộn tại các điểm buôn bán chính như phố Kim, ngã ba Kép, ngã ba Đồng Cốc... thuộc huyện Lục Ngạn.
Năm nay, đánh dấu việc lần đầu tiên vải thiều Lục Ngạn trồng theo tiêu chuẩn Global GAP được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Tại các vùng trồng, người dân cho biết đã ký hợp đồng cung ứng sản phẩm cho đối tác để xuất khẩu sang Nhật Bản từ tháng 2/2020 với giá 30.000 đồng/kg.
Bắc Giang được thị trường Nhật Bản cấp 19 mã số vùng trồng với diện tích 103 ha ở huyện Yên Thế và Lục Ngạn. Vải dành cho thị trường Nhật sẽ chín trong khoảng 20 ngày nữa. Ngoài xuất khẩu sang Nhật, người dân vẫn có thể bán vài tiêu chuẩn Global GAP ra thị trường khác.
Anh Hoàng Ngọc Thanh có 350 gốc vải tại xã Nam Dương huyện Lục Ngạn đang ghi hình lại tiến độ phát triển của cây để gửi cho đối tác. "Tuy trồng theo tiêu chuẩn vất vả hơn nhưng tôi vẫn cố gắng vì biết đây là lần đầu tiên vải được xuất khẩu sang Nhật Bản, nếu làm tốt sẽ mở ra thị trường mới" a Thanh nói.
Ngoài việc chăm sóc theo đúng tiêu chuẩn như không được sử dụng thuốc diệt cỏ, phun thuốc theo đúng loại được phép, ngưng phun thuốc từ 20 đến 25 ngày trước khi thu hoạch... thời tiết năm nay nắng nóng kéo dài khiến người trồng vải vất vả nhiều hơn để có vụ mùa thành công.
Anh Nguyễn Văn Lân người có 30 ha đất trồng vải trên vùng núi cao xã Nam Dương cho biết tuy trồng trên cao khí hậu mát mẻ tốt cho cây vải hơn nhưng việc dẫn nước lên rất khó khăn. Để "biểu diễn" tưới nước cho khách xem, anh Lân đã phải đi cắm máy bơm và chờ trong 30 phút nhưng vẫn không có nước trong chiều 4/6.
Tất cả các công đoạn chăm sóc cây đều được những người nông dân ghi chép lại tỷ mỷ do yêu cầu bắt buộc của các chuyên gia Nhật Bản.
Đợt này sản phẩm vải thiều hữu cơ cũng sẽ được xuất khẩu sang Nhật Bản. Loại vải này đã được chăm sóc rất kỹ, đảm bảo sạch sau đó đóng trong hộp giấy cao cấp, phía ngoài sẽ có tem truy xuất nguồn gốc. Năm 2019, hộp 12 trái vải hữu cơ có giá 200.000 đồng vẫn cháy hàng dù chỉ bán trong nước.
Theo thống kê, doanh thu từ vải thiều của riêng huyện Lục Ngạn đạt 4.675 tỷ đồng trong năm 2019. Người trồng vải xây được nhà lầu, sắm được ô tô, trở thành những nông dân tỷ phú.