Vải thiều dự báo khó khăn sang Trung Quốc, gặp bất lợi sang Nhật Bản

(ĐTCK) Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh và Quảng Châu (Trung Quốc) vừa thông tin, năm 2020 ước tính diện tích trồng quả vải của Trung Quốc khoảng 533 nghìn ha (Quảng Đông trồng nhiều nhất với diện tích khoảng 278 nghìn ha), dự kiến tổng sản lượng đạt khoảng 2,55 triệu tấn, tăng 11,3% so với 2019 và xấp xỉ sản lượng của năm 2018 (khoảng 2,6 triệu tấn). 
Vải thiều dự báo khó khăn sang Trung Quốc, gặp bất lợi sang Nhật Bản

 Do thời tiết, vụ quả vải năm nay tại Trung Quốc bắt đầu thu hoạch sớm hơn khoảng nửa tháng so với mọi năm và dự kiến sẽ kéo dài thêm khoảng 2 tháng, kết thúc vào khoảng đầu tháng 7.

Hiện trên thị trường và các trang bán hàng trực tuyến tại Trung Quốc đều đã bán quả vải. Quả vải Hải Nam hiện được thu hoạch sớm nhất, tiếp đến là Quảng Đông và các địa phương khác.

Dự báo sản lượng quả vải bán ra thị trường vào các tháng như sau: tháng 4 khoảng 55,8 nghìn tấn; tháng 5 khoảng trên 536 nghìn tấn (giảm 7,7% so với cùng kỳ năm trước); tháng 6 khoảng 1,11 triệu tấn (tăng 115,8%); tháng 7 khoảng 109 nghìn tấn (giảm 25,6%).

Ngày 09/5/2020, trang mạng mua sắm trực tuyến Taobao của Trung Quốc đã bắt đầu triển khai chuyên đề tiêu thụ quả vải. Trong vụ vải năm nay, các loại quả vải ngon nhất tại các vùng trồng chính gồm Quảng Đông, Hải Nam, Quảng Tây và Phúc Kiến đều sẽ được bán trên mạng Taobao.

Quả vải được trồng nhiều ở các tỉnh vùng phía Nam sông Trường Giang như Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Hải Nam và một số tỉnh khác với sản lượng ít hơn như Tứ Xuyên, Quý Châu và Vân Nam.

Trung Quốc thường sử dụng vải tươi làm thức ăn tráng miệng và một phần được sấy khô làm mứt, bánh kẹo, vị thuốc, nước ép giải khát và lên men ủ rượu. Hàng năm, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu vải tươi từ Việt Nam và Thái Lan.

Tuy nhiên, năm nay, do Trung Quốc dự kiến được mùa lớn vải thiều trong khi thời gian thu hoạch sớm hơn mọi năm, kéo dài hơn, không lệch quá nhiều so với vụ vải của Việt Nam nên dự báo sẽ có nhiều khó khăn cho xuất khẩu vải thiều Việt Nam vào thị trường lớn nhất này.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, vải thiều Trung Quốc bắt đầu cho thu hoạch từ cuối tháng 4, kết thúc vào cuối tháng 8. Đáng chú ý năm nay, khoảng 70% lượng vải tươi chính vụ được thu hoạch từ trung tuần tháng 6 đến cuối tháng 7, không lệch quá nhiều so với mùa vải thiều Việt Nam.

Thêm vào đó, thời tiết năm nay thuận lợi nên sản lượng vải thiều Trung Quốc dự báo sẽ ổn định trở lại, nguồn cung tăng mạnh so với mọi năm và giá cả sẽ thấp hơn, do đó khả năng sẽ ảnh hưởng đến số lượng và giá thu mua nhập khẩu vải thiều từ Việt Nam.  

Không chỉ dự báo sẽ khó khăn đối với xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, năm nay, xuất khẩu vải thiều Việt Nam sang thị trường Nhật Bản cũng có nhiều bất lợi do tác động với dịch Covid 19 kéo dài.

Trước đó, Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Sở Công Thương tỉnh Hải Dương và Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu quả vải tươi xuất khẩu lần đầu tiên sang Nhật Bản.

Tuy nhiên, trong văn bản Bộ Công Thương gửi hai Sở Công Thương Hải Dương và Bắc Giang mới đây cho biết, đã nhận được công hàm của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản (MAFF) thông báo không thể cử chuyên gia của Cục Bảo vệ thực vật Nhật Bản sang Việt Nam để kiểm tra, công nhận hệ thống xử lý khử trùng quả vải tươi xuất khẩu của Việt Nam do tác động của dịch bệnh Covid-19.

Do vậy, việc xuất khẩu quả vải tươi của Việt Nam lần đầu tiên sang thị trường Nhật Bản sẽ không thể triển khai trong vụ thu hoạch vải năm 2020.

Trước tình hình dự báo khó khăn cho xuất khẩu vụ vải năm nay, Bộ này đề nghị các Sở nắm bắt thông tin và phổ biến kịp thời cho các đơn vị, doanh nghiệp liên quan, đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, địa phương liên quan của cả hai nước để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu quả vải tươi của Việt Nam sang Nhật Bản.

Bộ Công thương cũng đã có công văn đề nghị  Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản làm việc với Bộ Nông Nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản để thuyết phục phía Nhật xem xét các giải pháp khác thay cho việc phải cử chuyên gia sang Việt Nam kiểm tra cơ sở khử trùng.

Cụ thể như tạm thời ủy quyền cho các tổ chức giám định độc lập tại Việt Nam thực hiện việc này trong thời gian trước mắt hoặc phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thực hiện các biện pháp kiểm tra từ xa (kiểm tra trên hồ sơ và kiểm tra thông qua truyền hình trực tiếp các cơ sở khử trùng).

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam cũng đã có công thư gửi Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đề nghị thúc đẩy Bộ MAFF xem xét các biện pháp đặc biệt, sáng tạo trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu quả vải tươi vào Nhật Bản, phù hợp với tinh thần tuyên bố chung Nhật Bản - ASEAN về sáng kiến phục hồi kinh tế ứng phó với dịch Covid-19.

Theo dự kiến của tỉnh Bắc Giang, địa phương có sản lượng vải thiều lớn nhất cả nước với khoảng 50% thị phần cung ứng, năm 2020, toàn tỉnh có trên 28.000 ha vải, sản lượng ước đạt trên 160.000 tấn, tăng 10.000 tấn so với năm 2019. Trong đó, vải sớm 6.000 ha, sản lượng 45.000 tấn; vải thiều chính vụ trên 22.100 ha, sản lượng 115.000 tấn. 

Trong khi đó, tại Hải Dương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cho biết, vụ vải năm nay toàn tỉnh có trên 9.750 ha với tổng sản lượng quả thu hoạch ước đạt 45.000 tấn, tăng tới 20.000 tấn so với niên vụ 2019.

Thời gian thu hoạch vải niên vụ năm nay dự kiến sớm hơn, bắt đầu từ giữa tháng 5 kéo dài đến giữa tháng 6, trong đó thu hoạch vải thiều chính vụ dự kiến từ đầu tháng 6 và kéo dài đến 20/6.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục