Làm theo hướng dẫn để nhận thưởng, khách hàng mất tiền trong ví điện tử

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhận được đường link báo trúng thưởng gửi từ ví Momo qua hộp tin nhắn messenger, khách hàng làm theo thì bị mất tiền.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Báo Đầu tư Chứng khoán vừa nhận được đơn phản ánh của chị Nguyễn Thị Thùy Thảo (ở TP.HCM) phản ánh về việc mất tiền trong ví điện tử Momo.

Chị Thảo cho biết, chị để lại comment trên fanpage của ví Momo thì ngày 16/3/2021, chị nhận được đường link báo trúng thưởng gửi từ ví Momo qua hộp tin nhắn messenger của Facebook. Do tin tưởng, chị đăng nhập theo yêu cầu thì có nhân viên tự xưng là tổng đài của Ví Momo gọi điện đến, yêu cầu cung cấp mã OTP.

Khi đó, tài khoản ví Momo của chị Thảo không có tiền, nhưng chỉ vài phút sau, kẻ gian đã thực hiện việc nạp tiền từ tài khoản ngân hàng liên kết sang ví và đồng thời chuyển sang ví khác.

Theo chị Thảo, tài khoản của chị đã nạp thành công 7 lần, mỗi lần nạp số tiền 499.000 đồng. Chỉ trong ít phút, chị Thảo mất số tiền gần 3,5 triệu đồng trong tài khoản. Ngay lập tức, chị đã liên hệ với tổng đài hỗ trợ của Momo để yêu cầu truy thu số tiền trên, nhưng không nhận được hỗ trợ.

Để tìm hiểu rõ câu chuyện này, chiều 24/3, phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán đã liên hệ với Momo.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch, đồng sáng lập Ví MoMo khẳng định, không có bất cứ nhân viên nào từ Ví Momo yêu cầu người dùng cung cấp mật khẩu hay mã xác thực OTP dưới bất kỳ hình thức nào như gọi điện, chát hay yêu cầu gửi hình ảnh. Bất kỳ ai yêu cầu cung cấp 2 thông tin này chắc chắn là lừa đảo.

“Mật khẩu và Mã xác thực (OTP) phải được xem như tài sản. Người dùng tuyệt đối không cung cấp cho bất kỳ ai”, ông Diệp cho biết thêm.

Theo ông Diệp, người dùng cũng cần nâng cao cảnh giác và chủ động bảo vệ tài khoản của mình bằng những việc làm đơn giản như không cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu đăng nhập, mã OTP, thông tin thẻ ngân hàng cho bên thứ ba; không đặt mật khẩu dễ đoán như ngày sinh, số điện thoại, 123456… và thường xuyên thay đổi mật khẩu; không để lại số điện thoại, CMND, hình ảnh/thông tin tài khoản trên trang mạng xã hội; không cho mượn/cho người khác sử dụng tài khoản của mình; không mở các tập file đính kèm, cung cấp thông tin cho các email lạ.

Thực tế, có nhiều trường hợp sơ hở cung cấp thông tin cho kẻ gian mà không hay biết, đặc biệt các thông tin tài khoản đăng nhập, mã OTP… dẫn đến mất tiền oan.

Đơn cử, vừa qua cơ quan chức năng đã xử lý hành vi của Nguyễn Văn Phúc (SN 1997, ở Quảng Nam) về hành vi lừa đảo qua ví điện tử Vietelpay. Đối tượng đã mua 2 tài khoản ví ViettelPay rồi tự tạo trang web như nganhanglienviet.weebly.com, nganhangvb.weebly.vn có giao diện nhận, chuyển tiền của ngân hàng. Khi các bị hại đăng nhập, Phúc hướng dẫn cho họ nhập và cung cấp các thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng gồm tên, mật khẩu đăng nhập, mã OTP. Các thông tin này tự động gửi về địa chỉ email của Phúc.

Có trong tay thông tin tài khoản, Phúc truy cập trái phép vào tài khoản ngân hàng của các bị hại để thực hiện các giao dịch chuyển tiền vào ví điện tử nhằm chiếm đoạt tiền. Tổng cộng có 23 bị hại thuộc nhiều tỉnh, thành phố bị chiếm đoạt số tiền 620 triệu đồng, có người mất ít nhất là 2 triệu đồng, người nhiều nhất là 100 triệu đồng.

Bộ Công an từng khuyến cáo người dân, cần thận trọng, xác minh kỹ thông tin khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền. Người dân chỉ thực hiện giao dịch trên các website chính thức, công khai của các tổ chức tài chính, ngân hàng. Tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho người khác. Đồng thời hạn chế việc công khai ngày sinh, số căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng trên không gian mạng.

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục