Rõ vai Nhà nước là nhà đầu tư
Nếu dự thảo trên được thông qua, thì đây là lần đầu tiên, tên của quyết định liên quan đến các tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước không có cụm từ doanh nghiệp nhà nước.
Trước đó, năm 2007, với Quyết định 38/2007/QĐ-TTg, tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Khi đó, các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoạt động trong 19 ngành, lĩnh vực.
Năm 2011, tiêu chí trên được thay thế bằng Quyết định số 14/2011/QĐ-TTg với tên gọi tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước. Cái tên này được giữ nguyên trong lần ban hành Quyết định 37/2014/QĐ-TTg. Theo đó, danh mục hoạt động của các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn giảm từ 20 xuống còn 16 lĩnh vực.
Hiện tại, tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước được thực hiện theo Quyết định 58/2016/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020, với 11 lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Trong tờ trình gửi Chính phủ về Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 58/2016/QĐ-TTg, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lý giải về đề xuất thay đổi tên của Dự thảo Quyết định rằng, đây là cơ sở phân loại để chuyển đổi sở hữu, chuyển thành công ty TNHH hai thành viên, thoái vốn nhà nước, sắp xếp lại các doanh nghiệp do Nhà nước đầu tư vốn.
Có thể thấy, vai trò Nhà nước là nhà đầu tư được thể hiện rất rõ, cho dù trong quyết định giữ 100% vốn nhà nước ở các doanh nghiệp đang hoạt động tại 13 lĩnh vực, hay quyết định cổ phần hóa, thoái vốn theo các tỷ lệ khác nhau ở các doanh nghiệp trong các nhóm ngành, lĩnh vực khác. Đặc biệt, cách tư duy này thể hiện rõ mục tiêu tổ chức lại doanh nghiệp nhà nước dưới các hình thức công ty TNHH, công ty cổ phần.
Cũng phải nhắc lại, chủ trương thu gọn ngành nghề để khu vực doanh nghiệp nhà nước có cơ cấu hợp lý hơn đã được thể chế hóa tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Chính những thay đổi trong các tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước cũng nhằm mục tiêu này.
Tuy nhiên, nhìn lại sự chậm trễ trong thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn cả giai đoạn 2016-2020, có thể thấy, nguyên nhân chủ quan từ phía các cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước rất đậm nét. Một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, đặc biệt là người đứng đầu đã không tập trung để hoàn thành nhiệm vụ trên.
Khi phân tích tỷ lệ rất thấp (chỉ đạt 28% kế hoạch cổ phần hóa, 30% số lượng thoái vốn trong 5 năm qua), ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, bên cạnh nguyên nhân khách quan, do thị trường, do dịch bệnh... và nguyên nhân từ sự thay đổi của cơ chế, chính sách, thì có trách nhiệm của những người đứng đầu. Nhiều người nhận thức về yêu cầu cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước không thực sự đầy đủ và còn thiếu trách nhiệm
“Các danh mục cổ phần hóa, thoái vốn do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng dựa trên đề xuất của các cơ quan đại diện chủ sở hữu, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Tuy nhiên, tính chủ động trong thực hiện của nhiều nơi chưa tốt, thiếu chủ động trong thực hiện các yêu cầu về sắp xếp, xử lý nhà, đất, thậm chí có ý ngần ngừ, không muốn làm. Tư tưởng đùn đẩy trách nhiệm, thấy dễ thì làm, thấy khó thì xin ý kiến là có”, ông Tiến phân tích.
Khi tư duy quản lý nhà nước ngay trong các cơ quan đại diện chủ sở hữu đã chiếm ưu thế, thay vì tư duy của nhà đầu tư, thì không chỉ làm khó các kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại, mà cả các hoạt động sản xuất - kinh doanh thông thường.
Trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu
Việc không hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn khỏi các doanh nghiệp do Nhà nước đầu tư không chỉ khiến yêu cầu cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp có vốn nhà nước bị chậm lại.
“Giới đầu tư, thị trường cảm thấy không tự tin, thậm chí bắt đầu ngần ngại khi quyết định theo đuổi kế hoạch đầu tư, mua cổ phần, phần vốn góp từ các doanh nghiệp trong danh mục cổ phần hóa, thoái vốn hàng năm, cho dù đây từng là một ưu tiên của nhiều nhà đầu tư nước ngoài”, đại diện một công ty tư vấn về đầu tư, cũng là đại diện của nhiều nhóm nhà đầu tư nước ngoài chia sẻ thông tin.
Việc giữ tỷ lệ vốn nhà nước còn cao tại một số doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả cũng làm giảm sức hấp dẫn của doanh nghiệp với các nhà đầu tư quy mô lớn, những nhà đầu tư muốn tham gia quản lý và thay đổi quản trị doanh nghiệp.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích có tên trong danh mục cổ phần hóa không thực hiện được cổ phần hóa, do mức hỗ trợ từ ngân sách theo kế hoạch thấp, không đảm bảo giá thành, không có nguồn thu để thực hiện tái đầu tư..., nên không thu hút được nhà đầu tư. Nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa, vốn nhà nước vẫn còn hơn 95%, cổ phần được bán chủ yếu cho người lao động được hưởng ưu đãi. Mục tiêu thay đổi quản trị doanh nghiệp không đạt được. Trong giai đoạn 2016-2020, nhiều địa phương đã đề nghị tạm dừng cổ phần hóa các doanh nghiệp công ích để có đánh giá thêm.
Đây là một trong những lý do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất với Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí phân loại doanh nghiệp do Nhà nước đầu tư vốn thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025. Tiếp sau, các cơ quan đại diện chủ sở hữu có căn cứ xây dựng phương án sắp xếp doanh nghiệp thuộc thẩm quyền cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp tại địa phương, tình hình thị trường, tình hình hoạt động của ngành kinh doanh mà doanh nghiệp đang hoạt động.
Với trường hợp khó đa dạng hóa sở hữu, do chủ yếu thực hiện nhiệm vụ công ích, cơ quan đại diện chủ sở hữu có thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét không thực hiện đa dạng hóa sở hữu hoặc xác định tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ phù hợp...
Đặc biệt, lần đầu tiên, bên cạnh tiêu chí chung, Dự thảo Quyết định bổ sung 2 tiêu chí về quy mô và địa bàn hoạt động làm cơ sở cho các quyết định chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn doanh nghiệp do Nhà nước đầu tư trong một số ngành, lĩnh vực. Đó là sản xuất xi măng chiếm thị phần 30% trở lên, trong đó có khai thác các mỏ nguyên liệu thuộc địa bàn trọng yếu về an ninh, quốc phòng và tiêu chí về trồng và chế biến cao su, cà phê tại các địa bàn chiến lược, miền núi, vùng sâu, vùng xa gắn với an ninh, quốc phòng.
Ngoài ra, quy định về sắp xếp doanh nghiệp thành viên trong mô hình công ty mẹ - công ty con cũng được nhắc tới. Giải trình với Thủ tướng Chính phủ trong Tờ trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần phải bổ sung nội dung này để định hướng sắp xếp các doanh nghiệp thành viên trong mô hình công ty mẹ - công ty con, tạo tính chủ động, chịu trách nhiệm của công ty mẹ.
Nếu đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được chấp thuận, thì cơ quan đại diện chủ sở hữu phải hoàn thành đề xuất danh mục doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025, gửi Bộ Kế hoach và Đầu tư trong tháng 5/2021. Danh mục này sẽ được hoàn tất, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong quý II/2021.
8 lĩnh vực mà doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi sở hữu, thoái vốn, Nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên:
Quản lý khai thác các cảng hàng không, sân bay; dịch vụ khai thác khu bay.
Dịch vụ thông tin dẫn đường, giám sát, dịch vụ khí tượng hàng không.
Quản lý, khai thác các cảng biển đặc biệt quan trọng theo quy định về phân loại cảng biển Việt Nam.
Khai thác khoáng sản quy mô lớn theo quy định hiện hành về phân loại quy mô mỏ khoáng.
Tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí.
Sản xuất phim hoạt hình phục vụ thiếu nhi do Nhà nước đặt hàng hoặc tài trợ.
Tài chính, ngân hàng (không bao gồm bảo hiểm, chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính).
Bán buôn lương thực, chiếm thị phần từ 30% trở lên, có vai trò đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, bình ổn thị trường.
Nguồn: Dự thảo Tiêu chí phân loại theo ngành, lĩnh vực đối với doanh nghiệp do Nhà nước đầu tư vốn thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn.
7 lĩnh vực mà doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi sở hữu, thoái vốn, Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên:
Khai thác, sản xuất, cung cấp nước sạch và thoát nước đô thị, nông thôn.
Sản xuất hóa chất cơ bản.
Vận chuyển hàng không.
Đầu mối nhập khẩu xăng dầu chiếm thị phần từ 30% trở lên, có vai trò đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, bình ổn thị trường.
Sản xuất thuốc lá điếu.
Cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng có tầm quan trọng đặc biệt đối với hoạt động của toàn bộ cơ sở hạ tầng viễn thông quốc tế và ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Những doanh nghiệp đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho phát triển sản xuất và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Nguồn: Dự thảo Tiêu chí phân loại theo ngành, lĩnh vực đối với doanh nghiệp do Nhà nước đầu tư vốn thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn.