Đợi thời điểm 1/1/2025
Đã có những chỉ dẫn quan trọng liên quan đến việc giao UBND tỉnh Bắc Ninh đầu tư tuyến cao tốc Bắc Ninh - Phả Lại, đoạn từ Vành đai 4 vùng Thủ đô đến Quốc lộ 18 bằng nguồn vốn địa phương. Mặc dù chỉ có quy mô vốn khoảng 3.600 tỷ đồng, nhưng nếu được triển khai thành công, dự án này sẽ cung cấp những gợi mở quan trọng cho các địa phương muốn đầu tư các công trình hạ tầng đường bộ hiện do Trung ương quản lý bằng nguồn vốn ngân sách địa phương.
Được biết, đến ngày 14/12, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã gửi ý kiến tới Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) - đơn vị được Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao chủ trì xem xét đối với kiến nghị của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc đầu tư tuyến cao tốc Bắc Ninh - Phả Lại, đoạn từ Vành đai 4 vùng Thủ đô đến Quốc lộ 18.
Trong Công văn số 11219/BKHĐT-PTHTĐT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, căn cứ quy định hiện hành về giao thông đường bộ, xây dựng, đầu tư công, ngân sách nhà nước, tuyến cao tốc Bắc Ninh - Phả Lại, đoạn từ Vành đai 4 vùng Thủ đô đến Quốc lộ 18 thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ GTVT, nhiệm vụ chi ngân sách trung ương cấp qua Bộ GTVT; đồng thời Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư, bố trí vốn đối với dự án.
Với những lý do nói trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc UBND tỉnh Bắc Ninh đề xuất sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư tuyến cao tốc Bắc Ninh - Phả Lại, đoạn từ Vành đai 4 vùng Thủ đô đến Quốc lộ 18 là chưa phù hợp với quy định pháp lý hiện hành.
Bên cạnh đó, dự án này không thuộc Danh mục dự án đường quốc lộ, đường cao tốc phân cấp địa phương làm chủ quản được ban hành kèm theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư công trình đường bộ.
Tại Văn bản số 3122/TB-TTKQH ngày 21/11/2024 của Tổng thư ký Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có kết luận về Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư công trình đường bộ và một số vấn đề liên quan. Theo đó, các dự án đề xuất thí điểm chỉ trình Quốc hội xem xét, quyết định một lần và không bổ sung danh mục dự án thí điểm sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết này.
“Vì vậy, việc Bộ GTVT đề xuất cần áp dụng cơ chế, chính sách do Quốc hội quyết định đối với kiến nghị của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc giao cho địa phương này là cơ quan chủ quản, sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư dự án là chưa đủ cơ sở và chưa phù hợp với kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu quan điểm.
Về kiến nghị giao UBND tỉnh Bắc Ninh lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tái khẳng định, tuyến cao tốc này thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ GTVT, nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương cấp qua Bộ GTVT.
Theo quy định tại khoản 4, Điều 8 và khoản 4, Điều 28, Luật Đường bộ năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025), các tuyến cao tốc có thể do địa phương quản lý đầu tư khi được phân cấp hoặc được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao quản lý. Do đó, việc Bộ GTVT đề xuất giao UBND tỉnh Bắc Ninh lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tại thời điểm này là chưa chặt chẽ về mặt pháp lý.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị, sau khi Luật Đường bộ năm 2024 có hiệu lực, Bộ GTVT rà soát đánh giá sự cần thiết đầu tư của Dự án, khả năng cân đối nguồn lực của địa phương, đề xuất phương án đầu tư trình Thủ tướng xem xét quyết định theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Chia sẻ quan điểm nói trên, Bộ Tài chính cho biết, ngày 1/1/2025 là thời điểm có hiệu lực của Luật Đường bộ số 35/2024/QH15, Luật số 56/2024/QH15 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công số 58/2024/QH15.
Khoản 2, Điều 4, Luật số 56/2024/QH15 về việc sửa đổi, bổ sung khoản 9, Điều 9, Luật Ngân sách nhà nước cho phép sử dụng vốn đầu tư phát triển của ngân sách địa phương cho các dự án đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng trên địa bàn thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp trên trực tiếp; hỗ trợ địa phương khác đầu tư xây dựng dự án, công trình trọng điểm, liên kết vùng, liên kết quốc gia, liên kết quốc tế, có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ quan trọng khác phải bảo đảm trong khả năng cân đối ngân sách cấp mình và không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của ngân sách cấp mình.
“Đề nghị Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh thống nhất nguyên tắc áp dụng 3 luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 nêu trên đối với Dự án Xây dựng cao tốc Bắc Ninh - Phả Lại, đoạn từ Vành đai 4 vùng Thủ đô đến Quốc lộ 18 để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”, đại diện Bộ Tài chính khuyến nghị.
“Đóng mạch” cao tốc CT.09
Trước đó, tại Văn bản số 310/UBND-XDCB ngày 17/9/2024, UBND tỉnh Bắc Ninh kiến nghị Thủ tướng cho phép tỉnh này được đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Ninh - Phả Lại, đoạn Vành đai 4 vùng Thủ đô đến Quốc lộ 18 từ nguồn ngân sách địa phương hoặc nguồn vốn hợp pháp khác.
Ông Vương Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, theo khoản 4, Điều 8 và khoản 4, Điều 28 của Luật Đường bộ năm 2024, các tuyến quốc lộ, cao tốc có thể do địa phương đầu tư khi được phân cấp hoặc được Thủ tướng chấp thuận giao quản lý.
Được biết, trong Công văn số 12415/BGTVT-KHĐT ngày 15/11/2024 tham vấn ý kiến của các bộ, ngành, Bộ GTVT cho biết, UBND tỉnh Bắc Ninh dự kiến sử dụng ngân sách địa phương đầu tư dự án, nên cần phải áp dụng cơ chế, chính sách do Quốc hội quyết định.
Theo khoản 5, Điều 7, Luật Đầu tư công, Dự án Xây dựng cao tốc Bắc Ninh - Phả Lại, đoạn từ Vành đai 4 vùng Thủ đô đến Quốc lộ 18 xuất hiện tiêu chí dự án quan trọng quốc gia. Trong trường hợp này, để sớm triển khai đầu tư dự án, theo khoản 1, Điều 19, Luật Đầu tư công, Thủ tướng có thể giao cơ quan thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư để lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Sau khi Luật Đường bộ có hiệu lực và trường hợp xác định được nguồn vốn đầu tư là ngân sách địa phương, sẽ giao UBND tỉnh Bắc Ninh là cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư tuyến đường.
Với những lý do trên, Bộ GTVT đề xuất giao UBND tỉnh Bắc Ninh lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án (thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư) tương tự một số tuyến cao tốc đã được Thủ tướng giao các địa phương thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư. UBND tỉnh Bắc Ninh sẽ chịu trách nhiệm rà soát, kiện toàn năng lực của cơ quan, tổ chức được giao triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án bảo đảm đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan.
“Sau khi xác định được nguồn vốn triển khai dự án, đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao quản lý, đầu tư tuyến đường. Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Bắc Ninh trong quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư dự án”, Văn bản số 12415/BGTVT-KHĐT do ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT ký nêu rõ.
Được biết, theo Quy hoạch Mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long (CT.09) dài 146 km, quy mô cao tốc 4 làn xe, trong đó đoạn Bắc Ninh - Phả Lại trên địa phận tỉnh Bắc Ninh dài khoảng 21 km, tiến trình đầu tư trước năm 2030.
Trước đây, Dự án Xây dựng cao tốc Bắc Ninh - Phả Lại đã được Thủ tướng cho phép nghiên cứu đầu tư theo phương thức PPP, hình thức hợp đồng BT và giao UBND tỉnh Bắc Ninh là cơ quan có thẩm quyền tổ chức triển khai thực hiện. Tuy nhiên, Dự án không được tiếp tục nghiên cứu đầu tư do Luật Đầu tư theo phương thức PPP (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021) không cho phép triển khai các dự án theo hình thức hợp đồng BT.
Hiện nay, tuyến cao tốc Bắc Ninh - Phả Lại, đoạn từ Vành đai 4 (Hà Nội) đến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, chiều dài khoảng 9,7 km được triển khai đầu tư trong Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4, dự kiến hoàn thành năm 2026; đoạn còn lại từ Vành đai 4 đến Quốc lộ 18, chiều dài khoảng 10,3 km chưa được nghiên cứu đầu tư.
UBND tỉnh Bắc Ninh cho rằng, tuyến cao tốc Bắc Ninh - Phả Lại có vai trò quan trọng, kết nối đường Vành đai 4 (Hà Nội) với các tỉnh phía Đông Bắc Thủ đô Hà Nội, kết nối nội vùng Đồng bằng sông Hồng.
“Do đó, việc đầu tư Dự án xây dựng cao tốc Bắc Ninh - Phả Lại, đoạn từ Vành đai 4 vùng Thủ đô đến Quốc lộ 18 sẽ góp phần đóng mạch toàn tuyến cao tốc CT.09 và mở ra không gian phát triển mới, đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đánh giá.
Dự án Xây dựng cao tốc Bắc Ninh - Phả Lại, đoạn từ Vành đai 4 đến Quốc lộ 18 có điểm đầu - Km0+00 (giao với đường Vành Đai 4); điểm cuối - Km10+300 (giao với Quốc lộ 18); chiều dài khoảng 10,3 km. UBND tỉnh Bắc Ninh đề xuất đầu tư đoạn tuyến giai đoạn hoàn thiện với tiêu chuẩn đường cao tốc đô thị, bề rộng nền đường 100 m, đường song hành hai bên, trước mắt triển khai công tác giải phóng mặt bằng theo quy mô giai đoạn hoàn thiện, đầu tư 2 đường song hành hai bên với bề rộng nền đường mỗi bên 12 m. Kinh phí thực hiện khoảng 3.600 tỷ từ ngân sách tỉnh Bắc Ninh và các nguồn hợp pháp khác.