Tỷ giá đứng im, ngân hàng ghìm lãi suất
Trái ngược với dự báo, USD liên tục suy yếu từ đầu năm khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chần chừ tăng lãi suất, khiến tỷ giá trong nước trong 5 tháng đầu năm tăng rất nhẹ (chỉ 1%). Thêm vào đó, số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2017 giảm 0,53% so với tháng trước đó và đây là mức giảm kỷ lục của CPI các tháng 5 kể từ năm 2008 trở lại đây.
Lạm phát và tỷ giá không đáng lo như dự báo, thanh khoản không gặp khó khăn, khiến việc điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước gặp nhiều thuận lợi. Từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng cũng liên tiếp giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay.
Cụ thể, suốt năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017, Agribank đã giảm lãi suất cho vay 12 đợt để hỗ trợ các đối tượng khách hàng, triển khai 5 gói tín dụng ưu đãi lãi suất trên toàn quốc, với lãi suất thấp hơn so với lãi suất cho vay thông thường từ 0,5 đến 1,5%/năm.
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó tổng giám đốc Vietcombank cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, Vietcombank luôn duy trì ổn định mặt bằng lãi suất. Thậm chí, với một số đối tượng khách hàng doanh nghiệp, Vietcombank còn cho vay với mức lãi suất thấp so với thị trường.
Theo nhận định của giới chuyên gia, hiện lãi suất chưa chịu sức ép nào lớn. Nhiều khả năng, mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục ổn định đến cuối năm.
“Chính sách lãi suất của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua được điều hành khá tốt. Tôi không thấy có vấn đề gì đáng quan ngại về chính sách cũng như mặt bằng lãi suất hiện nay”, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định.
Chỉ lo nợ xấu hút tiền
Dù tín dụng 5 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh hơn cùng kỳ các năm trước, song theo thông tin của Báo Đầu tư, năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã ghìm tín dụng ở mức 16%, tức tăng chậm hơn so với năm ngoái. Cung tiền ở mức vừa phải, tỷ giá và lạm phát không quá căng, song trừ vài ngân hàng lớn, nhìn chung mặt bằng lãi suất ngân hàng thời gian qua vẫn chưa giảm thêm.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng cho hay, họ vẫn giữ lãi suất ở mức vừa phải để có nguồn xử lý nợ xấu. Với khoảng 600.000 tỷ đồng nợ xấu vẫn nằm tại các ngân hàng thì hàng năm, nhiều ngân hàng vẫn phải chi hàng ngàn tỷ đồng để trích lập dự phòng nợ xấu.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VietinBank cho biết, chỉ khi xử lý được nợ xấu, ngân hàng mới có thêm nguồn lực để kinh doanh và giảm lãi suất.
“Nếu không thu được nợ xấu, chi phí ngân hàng sẽ tăng lên, làm lãi suất đầu ra càng khó giảm. Dù Chính phủ đang chỉ đạo giảm lãi suất, bản thân ngành ngân hàng đã khai thác tất cả yếu tố để giảm lãi suất, song để lãi suất cho vay giảm thêm, nợ xấu cần phải được xử lý”, ông Thắng nói.
Hiện tại, các ngân hàng đang chờ Quốc hội thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nếu Nghị quyết được thông qua tại kỳ họp này, thì đến quý I/2018, lãi suất có thể giảm 0,75 điểm phần trăm.
Lạc quan hơn, nhiều chuyên gia kỳ vọng, lãi suất cho vay có thể giảm ngay từ cuối năm nay nếu Nghị quyết về xử lý nợ xấu được thông qua.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cho rằng, nếu nợ xấu vẫn nằm im, lãi suất sẽ có nguy cơ tăng lên. “Về phía doanh nghiệp, chúng tôi rất chia sẻ với các ngân hàng. Xử lý nợ xấu sớm sẽ giúp lãi suất hạ, từ đó gỡ khó cho cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp”, ông Thân kỳ vọng.
Hiện tại, mặt bằng lãi suất cho vay ở Việt Nam đang ở mức 6 - 11%/năm, tùy lĩnh vực và kỳ hạn. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành lãi suất ổn định, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay.