Lạm phát Thổ Nhĩ Kỳ ở mức gần 80% vào tháng 7, vẫn chưa đạt đến đỉnh điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lạm phát Thổ Nhĩ Kỳ tăng tốc trở lại và tăng vọt lên mức chưa từng thấy kể từ năm 1998 khi ngân hàng trung ương tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo.
Lạm phát Thổ Nhĩ Kỳ ở mức gần 80% vào tháng 7, vẫn chưa đạt đến đỉnh điểm

Việc giá tiêu dùng đi lên đã buộc các quan chức và nhà kinh tế phải điều chỉnh lại các dự báo nhiều lần trong năm nay trước áp lực chi phí của mọi thứ, từ lương thực đến năng lượng tăng cao.

Dữ liệu hôm thứ Tư (3/8) cho thấy, lạm phát trong tháng 7 đã tăng vọt 79,6% từ mức 78,6% trong tháng 6, tăng nhẹ hơn một chút so với dự báo của các nhà kinh tế trong một cuộc khảo sát của Bloomberg. Istanbul - thành phố đông dân nhất của Thổ Nhĩ Kỳ - đã chứng kiến ​​mức tăng giá vượt quá 99% trong tháng 7 so với một năm trước đó.

Ngay cả trong một thế giới bị tàn phá bởi lạm phát nhanh nhất trong nhiều thập kỷ, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đối mặt với lạm phát tăng mạnh khi chỉ xếp sau một số ít quốc gia như Zimbabwe, Venezuela và Lebanon với tốc độ tăng giá đã lên tới ba con số.

Việc kiềm chế lạm phát đang tỏ ra khó đạt được hơn ở Thổ Nhĩ Kỳ vì ngân hàng trung ương đã không tăng lãi suất cơ bản từ mức 14% dưới áp lực của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Trái ngược với lý thuyết kinh tế học chính thống, tổng thống Erdogan cho rằng lãi suất cao hơn gây ra lạm phát nhanh hơn.

Nenad Dinic, chiến lược gia thị trường chứng khoán các thị trường mới nổi tại Bank Julius Baer ​​cho biết: “Chúng tôi không thấy dấu hiệu nào cho thấy sự ổn định trong môi trường kinh tế vĩ mô đối với Thổ Nhĩ Kỳ do các thiết lập chính sách tiền tệ không chính thống hiện tại và khuyến nghị hạn chế đầu tư vào tài sản của Thổ Nhĩ Kỳ”.

Cách tiếp cận đã khiến các nhà hoạch định chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ không đồng bộ với việc thắt chặt tiền tệ toàn cầu nhanh nhất nhất kể từ những năm 1980 và đẩy lãi suất của nước này xuống sâu dưới 0 khi được điều chỉnh theo lạm phát.

“Những kỳ vọng không được kiểm chứng và đồng lira suy yếu đang tác động sâu hơn vào giá. Chúng tôi không nghĩ rằng ngân hàng trung ương sẽ thắt chặt lãi suất để đối phó với lạm phát ngày càng gia tăng, thay vào đó, giới lãnh đạo chính trị đang kêu gọi mức lãi suất thấp hơn nữa”, Selva Bahar Baziki, nhà kinh tế Bloomberg Economics cho biết.

Phát biểu vào tuần trước, Thống đốc ngân hàng trung ương Sahap Kavcioglu cho biết mô hình kinh tế mới ưu tiên sản xuất, xuất khẩu và việc làm sẽ giúp ổn định giá cả và đồng lira.

Các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã dựa vào các biện pháp bảo đảm vĩ mô như kiềm chế tăng trưởng cho vay thương mại cũng như các chính sách nhằm mở rộng việc sử dụng đồng nội tệ và chuyển vốn sang đầu tư dài hạn. Kết quả đang diễn ra trên thị trường tiền tệ với việc đồng lira giảm hơn 25% giá trị so với đồng đô la, mức giảm lớn nhất trong năm nay ở các thị trường mới nổi.

Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng có lẽ vẫn còn ở phía trước.

Theo biểu đồ dự báo đi kèm với báo cáo lạm phát mới nhất của ngân hàng trung ương, tăng trưởng giá có thể đạt đỉnh khoảng 85% trong tháng 9 và tháng 10, và dự báo của ngân hàng hiện cho thấy lạm phát sẽ kết thúc năm nay ở mức 60,4%.

Triển vọng đó vẫn lạc quan so với quan điểm trên thị trường. Bloomberg Economics dự đoán, lạm phát sẽ đạt mức cao 91% trong quý III và chỉ chậm lại 69% vào cuối năm 2022.

Ogeday Topcular, nhà quản lý tiền tệ tại RAM Capital SA ở Geneva cho biết: “Nếu chính sách tiền tệ này tiếp tục, sẽ không thể vượt qua được lạm phát. Chính sách tiền tệ của Thổ Nhĩ Kỳ là không bền vững”.

Khi được hỏi về sự khác biệt so với các ngân hàng trung ương khác, Thống đốc ngân hàng trung ương Sahap Kavcioglu nói rằng, "chỉ có thời gian mới trả lời được ai đúng”.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục