Lạm phát tăng cao, Mỹ và Trung Quốc tìm cách xoay xở

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thời gian gần đây, giá hàng hoá ở Mỹ và Trung Quốc tăng mạnh khiến cho hai nền kinh tế lớn nhất thế giới phải tăng cường các biện pháp nhằm kiểm soát lạm phát.
Lạm phát tăng cao, Mỹ và Trung Quốc tìm cách xoay xở

Lần đầu tiên trong năm nay, Chính phủ Trung Quốc bán ra thị trường một lượng xăng, dầu từ nguồn dự trữ chiến lược quốc gia, ước tính lên tới 7,38 triệu thùng. Hành động này nhằm giảm nhẹ áp lực tăng giá nguyên liệu thô.

Những can thiệp vào thị trường từ phía Bắc Kinh cho thấy, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang tăng trưởng chậm lại dưới những tác động của xu hướng tăng giá hàng hoá. Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của quốc gia này trong tháng 8 tăng 9,5% so với 1 năm trước đó, khiến cho tình trạng lạm phát giá hàng hoá tại cổng nhà máy lên mức cao nhất trong 13 năm.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ là những đơn vị bị áp lực nhất từ xu hướng tăng giá này, vì năng lực mặc cả của họ không mạnh. Đối với Bắc Kinh, việc hỗ trợ người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhỏ đã trở thành một mục tiêu chính trị lớn hơn. Chính phủ Trung Quốc đã khởi xướng phong trào “thịnh vượng chung” nhắm tới các công ty công nghệ và giới nhà giàu.

Tuy nhiên, tình trạng tăng giá hàng hoá chủ yếu bắt nguồn từ dịch Covid-19, khi các chuỗi cung ứng trong và ngoài nước bị đứt gãy và thiếu hụt nguồn lao động. Cho dù đã có những hành động nhanh chóng như xả kho dự trữ chiến lược, Trung Quốc vẫn rất khó để có thể đạt được mức sản lượng hàng hoá có thể làm thỏa mãn nhu cầu của thị trường.

Tại Mỹ, giá thực phẩm cũng tăng mạnh làm ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân tại quốc gia này, khiến chính quyền Tổng thống Joe Biden phải cho đánh giá lại vai trò của 4 nhà sản xuất thịt lớn nhất Mỹ.

Ông Brian Deese, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia chỉ trích 4 nhà sản xuất thịt khi họ đóng vai trò không nhỏ trong việc thúc đẩy tăng giá thịt bò, thịt lợn và thịt gà, thu về nguồn lợi nhuận khổng lồ.

“Khi bạn được chứng kiến sự đồng lòng của họ cao đến mức này và giá hàng hoá không ngừng tăng cao, chúng ta hoàn toàn có thể nghi ngờ về hành vi trục lợi trong đại dịch”, ông nói.

Chỉ số Refinitiv/Core Commodity CRB, chuyên theo dõi biến động giá hàng hoá, đã lên mức cao nhất trong 6 năm. Giá thực phẩm tại Mỹ đã tăng nhiều trong năm nay. Giá thịt bò trong tháng 8 cao hơn khoảng 15% so với đầu năm. Giá thịt đóng góp tới 50% đà tăng giá thực phẩm tại quốc gia này.

Chính quyền Tổng thống Biden đang đưa các nhà sản xuất thịt tầm ngắm, bởi họ kết nối người nông dân và người tiêu dùng. Nhà chức trách nghi ngờ rằng, 4 nhà sản xuất thịt lớn nhất tại Mỹ đang lợi dụng thị phần và vị thế của mình để thao túng nâng giá hàng hoá và đã bắt đầu một cuộc điều tra về nghi vấn ấn định giá bất hợp pháp. Nhiều công ty chế biến thịt gà và lãnh đạo của họ đã bị buộc tội.

Tình trạng tăng giá khí đốt cũng là một vấn đề mà Chính phủ Mỹ quan tâm. Nhà Trắng hồi giữa tháng 8 đã yêu cầu Uỷ ban Thương mại Liên bang (FTC) điều tra các hành vi thao túng giá năng lượng trái pháp luật. Washington cũng kêu gọi các quốc gia thành viên OPEC và đồng minh gia tăng khai thác dầu thô.

Chủ tịch FTC, Lina Khan cho biết, bà sẽ có những hành động bổ sung nhằm ngăn chặn sự móc nối bất hợp pháp giữa các điểm cung cấp khí đốt bán lẻ, thắt chặt quy trình đánh giá.

Một vài nhà phê bình cho rằng, các hành động Nhà Trắng đối với các công ty chế biến thịt hay với OPEC+ nhằm ngăn chặn đà tăng giá hàng hoá lại đang mâu thuẫn trực tiếp với các chính sách tiền tệ và tài khoá mà chính phủ đưa ra. Bởi việc tung ra một loạt các gói hỗ trợ tài chính đã làm gia tăng nhu cầu của người dân, qua đó góp phần đẩy giá cả lên cao.

Theo cựu thống đốc Fed - Larry Summers, các gói hỗ trợ kinh tế vĩ mô là khởi nguồn của đợt lạm phát lớn hiện nay mà chúng ta chưa từng được chứng kiến. Lạm phát chính là động cơ quan trọng, ẩn sâu trong mỗi hành động của Fed và nhiều ngân hàng trung ương khác.

Diệp Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục