Lạm phát sắp đạt đỉnh mang lại kỳ vọng hồi phục cho các thị trường mới nổi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mối đe doạ từ sự kết hợp của lạm phát và thắt chặt tiền tệ đã khiến các nhà đầu tư thị trường mới nổi phải trải qua hành trình tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Lạm phát sắp đạt đỉnh mang lại kỳ vọng hồi phục cho các thị trường mới nổi

Về lạm phát, các quốc gia đang phát triển từ Ấn Độ đến Brazil đang báo cáo sự sụt giảm trong tăng trưởng chỉ số giá tiêu dùng, đây là những chiến thắng ban đầu trong cuộc chiến chống lại lạm phát. Về chính sách thắt chặt tiền tệ: Từ Mỹ đến Anh và châu Âu, các cuộc đánh cược vào việc tăng lãi suất liên tục tăng cho đến tháng 9 và hiện đang phần nào hạ nhiệt.

Mặc dù nhiều sóng gió có thể xảy ra trước khi hai xu hướng này hợp nhất, nhưng kỳ vọng về mức chi phí đi vay đạt đỉnh trong năm tới đang khuyến khích các nhà đầu tư quay trở lại với các tài sản của thị trường mới nổi. Khi việc thắt chặt tiền tệ giảm xuống, các nhà đầu tư có thể thấy các nền kinh tế đang phát triển hấp dẫn hơn vì định giá cổ phiếu và trái phiếu rẻ hơn so với các nền kinh tế phát triển trong bối cảnh lợi suất thực tế cao hơn và các đồng tiền bị đánh giá thấp hơn.

Lewis Jones, nhà quản lý nợ tại William Blair Investment Management ở New York cho biết: “Chúng tôi có xu hướng thiên về rủi ro một cách có chọn lọc vào thời điểm này. Định giá tiền tệ của các thị trường mới nổi là rất hấp dẫn và các ngân hàng trung ương, đặc biệt tiền tệ trong rổ các quốc gia có lợi suất cao hơn đã thắt chặt rất mạnh mẽ và thành công về việc đánh bại lạm phát dự kiến ​​trong năm tới”.

Chỉ số trái phiếu thị trường mới nổi đã tăng trở lại vào tháng 10 sau khi liên tục sụt giảm từ đầu năm tới nay. Chỉ số cổ phiếu đã phục hồi vào tuần trước từ đợt sụt giảm hàng tháng tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2020, trong khi chỉ số tiền tệ cũng thoát khỏi chuỗi giảm dài nhất kể từ năm 2019.

Trong đó, một phần lợi nhuận đến từ sự hưng phấn vào đầu tháng 10 rằng dữ liệu kinh tế xấu sẽ thúc đẩy các ngân hàng trung ương bao gồm Cục Dự trữ Liên bang (Fed) thực hiện xoay trục chính sách sang ôn hòa. Trong khi những kỳ vọng đó đã tan thành mây khói - với việc các nhà hoạch định chính sách tái khẳng định cuộc chiến chống lạm phát và thị trường lao động Mỹ vẫn vững mạnh - thì trường hợp tạm dừng thắt chặt vào năm tới vẫn tiếp tục tìm được sự hỗ trợ.

Mối quan tâm chính của một số quốc gia là lạm phát đang giảm bớt. Ấn Độ đã báo cáo 4 tháng liên tiếp chỉ số giá tiêu dùng sụt giảm, trong khi Brazil và Nam Phi cũng gia nhập câu lạc bộ lạm phát đạt tới đỉnh điểm. Điều này đã làm giảm áp lực tăng lãi suất của một số nền kinh tế lớn.

Trong khi đó, các thị trường tiền tệ đang cắt giảm đặt cược đối với lãi suất ở cuối chu kỳ tăng ở các thị trường phát triển. Các thị trường tiền tệ đang dự báo mức lãi suất cao nhất ở Anh là 5,8%, đối với Ngân hàng Trung ương châu Âu là 3,15% và thấp nhất là 4,5% đối với Fed, tất cả đều giảm từ mức cao nhất được kỳ vọng vào tháng 9.

Chiến lược gia Eric Lo của Manulife Investment Management cho biết: “Mức lãi suất cao nhất hoặc ổn định của Mỹ sẽ có tính xây dựng đối với trái phiếu thị trường mới nổi”.

Fidelity International cho biết đã chốt lời trên một số vị thế tiền tệ giảm giá và bắt đầu đặt cược tăng giá đối với đồng peso Mexico và đô la Singapore.

Các nhà quản lý tiền tệ rất nỗ lực để giải thích rằng đây là những kỳ vọng có chọn lọc và vẫn chưa đến lúc để lạc quan trên các thị trường mới nổi nói chung. Hầu hết các nhà đầu tư đang lùi bước khỏi sự mong đợi về động thái xoay trục chính sách của Fed. Kỳ vọng tốt nhất bây giờ là việc tăng lãi suất sẽ dừng lại, ngay cả khi việc cắt giảm lãi suất còn xa hơn nữa trong tương lai.

Các nhà phân tích tại Deutsche Bank AG cho biết, còn quá sớm để chuyển sang xu hướng tăng giá đối với nội tệ và trái phiếu với lý do rủi ro lạm phát bất ngờ có thể dẫn đến lãi suất của Mỹ cao hơn và hậu quả từ xung đột Nga-Ukraine. Trong khi một số ngân hàng trung ương như Hungary, Cộng hòa Séc, Brazil và Chile đã báo hiệu sự kết thúc của chu kỳ thắt chặt tiền tệ, vẫn có nguy cơ lạm phát sẽ kéo dài hơn và làm ảnh hưởng đến lợi nhuận tiềm năng.

Francesc Balcells, Giám đốc đầu tư về nợ thị trường mới nổi tại FIM Partners ở London cho biết: “Thị trường đã quan tâm đến sự xoay trục của Fed trong một thời gian và luôn thất vọng. Trong mọi trường hợp, cho dù chúng ta đang đạt lợi suất cao nhất hiện tại hay trong tương lai, phần bù rủi ro cho các loại tài sản có thu nhập cố định dài hạn như nợ thị trường mới nổi đang bắt đầu hấp dẫn hơn ở thời điểm này”.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục