Lạm phát ở Mỹ: Rốt cuộc cao hay thấp?

(ĐTCK)  Sau tất cả những năm giá cả tăng vừa phải gần đây, rất nhiều người Mỹ vẫn chưa thể quen với hai sự thật lớn. Một là mức lạm phát đó thực sự thấp, mặc dù khi đến mua sắm tại các siêu thị, khách hàng đều có cảm giác như mọi thứ đều đắt hơn. Hai là mức lạm phát đó có thể là quá thấp, bởi nó đang gây ra một loạt bất tiện khác, mà những bất tiện này rất có thể sẽ chuyển thành tai họa.
Lạm phát ở Mỹ:  Rốt cuộc cao hay thấp?

Sự thật là tỷ lệ lạm phát ở Mỹ trong những năm gần đây thực sự thấp, khi bạn tính đến nó trong mọi thứ mà bạn phải thanh toán, không chỉ là những mặt hàng đang tăng giá mạnh (như bất động sản ở Manhattan và thịt). Chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 1,1% trong 12 tháng tính đến tháng 2 vừa qua. Chỉ số này được tính toán dựa trên một rổ hàng hóa cơ sở được chọn lựa bởi các nhân viên khảo sát của Cục Thống kê lao động, một cơ quan liên bang hoàn toàn phi chính trị.

Trong khi có rất nhiều người không nghĩ rằng lạm phát đang thực sự thấp thì họ thậm chí còn không hiểu được tại sao lạm phát thấp lại là một vấn đề. Một lý do tại sao lạm phát thấp lại không tốt là, khi giá không tăng lên đủ nhiều thì tiền lương của công nhân nhìn chung cũng chịu tình cảnh như vậy. Trong năm qua, mặc dù thu nhập bình quân theo giờ và theo ngày của người lao động đã tăng khá với tương ứng 4% và 3%, nhưng điều đó có thể không được duy trì lâu, bởi các ông chủ doanh nghiệp sẽ không mãi để lương công nhân tăng nhanh hơn những gì họ nhận được từ các khách hàng của mình.

Lý do thứ hai, lạm phát ở một mức cao nhất định là tốt cho tình trạng việc làm bởi thứ mà các nhà kinh tế gọi là ảo ảnh của tiền. Khi cầu chậm chạp, các chủ doanh nghiệp có xu hướng muốn cắt giảm chi phí lương thực tế. Và họ có thể làm điều đó một cách dễ dàng trong những thời kỳ lạm phát tăng khá, chỉ bằng cách tăng lương với tốc độ thấp hơn tỷ lệ lạm phát. Nhưng nếu lạm phát siêu thấp, chủ doanh nghiệp sẽ phải cắt thẳng vào tiền công của công nhân để giảm chi phí lương thực tế của họ. Các công nhân dĩ nhiên ghét điều đó, bởi vậy, giới chủ sử dụng biện pháp dễ dàng hơn, nhưng tàn nhẫn hơn, đó là… sa thải công nhân.

Lý do thứ ba để lo ngại về lạm phát thấp là, nó có thể trượt xuống thành giảm phát. Đó là khi giá giảm một cách “lì lợm”, trên mọi lĩnh vực. Giảm phát ngăn cản người tiêu dùng mua sắm, bởi họ nghĩ họ có thể mua được hàng hóa với giá rẻ hơn nếu chịu khó chờ đợi. Giảm phát cũng làm tăng gánh nặng nợ, bởi số tiền nợ của bạn không đổi, bất chấp tiền lương của bạn đang giảm cùng với mọi thứ khác.

Các ngân hàng trung ương đã đặt ra tỷ lệ lạm phát mục tiêu 2%, nhưng họ mãi không đạt được. Điều này cũng giống như việc các cung thủ không hiểu tại sao tất cả các mũi tên của họ lại chỉ trúng vào bên trái của tấm bia. Có lẽ bạn sẽ nghĩ đến một giải pháp là các cung thủ hãy dịch điểm ngắm sang bên phải một chút. Nhưng Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cả hai đều đặt mục tiêu lạm phát 2%, không sẵn sàng lắm với cách làm đó. Hai ngân hàng trung ương này rất miễn cưỡng với việc thực thi các biện pháp mạnh hơn để kích thích tăng trưởng và thúc đẩy lạm phát, do lo sợ rằng, họ có thể tạo ra bong bóng tài sản và khiến lạm phát tăng quá cao - tương tự như cung thủ lo ngại các mũi tên lại sẽ bị lệch toàn bộ về bên phải.

Khu vực đồng euro vừa công bố tỷ lệ lạm phát trong tháng 3, cao hơn dự đoán của các nhà kinh tế, nhưng thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Giá tiêu dùng chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái, tức chỉ bằng 1/4 mục tiêu 2% đề ra.

“Tỷ lệ lạm phát 0,5% không phải là mức mà bất cứ ngân hàng trung ương nào mong muốn”, Chris Scicluna, Giám đốc Nghiên cứu kinh tế của Daiwa Capital Markets ở London, nói với Bloomberg.

Mặc dù vậy, dư luận vẫn không kỳ vọng ECB sẽ hạ lãi suất cơ bản thấp hơn nữa, mà cùng lắm chỉ “bắt chước” Mỹ và Nhật mua vào các tài sản nợ có thế chấp hoặc trái phiếu các ngân hàng trung ương trong khu vực, nhưng điều này cũng không đơn giản, vì không biết nên ưu tiên mua trái phiếu của nước nào.

Những vấn đề với lạm phát thấp như kể trên đã được nhiều nhà kinh tế nhắc đến từ năm ngoái, khi ông Ben Bernanke còn giữ chức Chủ tịch Fed. Giờ đây, vị trí này đã thuộc về bà Janet Yellen, nhưng thách thức vẫn không thay đổi: Lạm phát, trái với những gì người tiêu dùng Mỹ có thể nghĩ trong lần ghé thăm siêu thị tới, đơn giản là vẫn quá thấp.   

Quang Huy(Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục