Giá cả tăng vọt đang ảnh hưởng đến người tiêu dùng và gây khó khăn cho các nhà hoạch định chính sách tại Mỹ và các nước khác, trừ Nhật Bản, nơi mà việc thúc đẩy lạm phát là mục tiêu không dễ dàng đạt được.Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và hầu hết các ngân hàng trung ương khác đang chuyển hướng chính sách sang ngăn chặn lạm phát, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) ngày 17/12 cho biết sẽ giảm quy mô chương trình mua trái phiếu doanh nghiệp về mức trước đại dịch.
Tuy nhiên, BoJ sẽ tiếp tục bơm hàng chục tỷ USD vào nền kinh tế với hy vọng mục tiêu lạm phát 2% sẽ đạt được và nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn.
BoJ nhận định, khi sự xuất hiện của biến thể Omicron đang lây lan ở nhiều nước trên thế giới, những yếu tố rất không chắc chắn vẫn tồn tại.
Lạm phát tại Nhật Bản trong tháng 10 là 0,1%. Nếu không tính giá thực phẩm và năng lượng, con số này ở mức âm. BoJ dự kiến lạm phát là 0% trong tài khóa 2021 (kết thúc vào tháng 3/2022).
Trong khi đó, giá tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 10 tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất trong ba thập kỷ.Trong đại dịch, Fed và hầu hết các ngân hàng trung ương khác đã thực hiện các biện pháp kích thích tương tự Nhật Bản, đưa lãi suất xuống các mức thấp kỷ lục.
Hiện Mỹ và các nền kinh tế khác đang rút dần các biện pháp kích thích mà không ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed ngày 15/12 đã thông báo giảm tốc độ mua trái phiếu hàng tháng nhanh hơn hai lần so với dự kiến, mở đường cho việc nâng lãi suất vào nửa đầu năm tới.
Ngày 16/12, Ngân hàng trung ương Anh trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên tăng lãi suất nhằm ngăn chặn lạm phát đã tăng lên 5,1% trong tháng 11.
Một số ngân hàng trung ương ở châu Á cũng bắt đầu tăng lãi suất.