Đo lường những yếu tố ảnh hưởng tới lạm phát
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng đầu năm 2021 tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Chỉ số lạm phát cơ bản bình quân trong 5 tháng đầu năm 2021 tăng 0,82% so với cùng kỳ năm 2020. Mức lạm phát cơ bản tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021 đều là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ hơn vào báo cáo của cơ quan này, có thể thấy, CPI tháng 4 so với tháng trước giảm 0,04%, nhưng chỉ một tháng sau đó đã ở trạng thái tăng 0,15% do giá nguyên, vật liệu đầu vào cùng với giá xăng dầu tăng.
Nhiều khả năng lạm phát sẽ tăng từ quý II và sẽ tăng cao hơn trong nửa cuối năm nay. Lý do là bởi, giá xăng dầu, vật liệu xây dựng và thực phẩm có thể tiếp tục tăng do nhập khẩu lạm phát từ thế giới.
Chỉ trong vòng 15 ngày từ 27/4 - 12/5/2021, Liên bộ Tài chính – Công thương đã quyết định tăng giá xăng dầu đến hai lần. Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) dự báo, giá xăng dầu có thể đạt 80 USD/thùng vào cuối năm nay và điều này có thể gây áp lực lên giá xăng dầu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, giá sắt thép trong nước tăng 40 - 50% so với hồi đầu năm nay, kéo theo giá nhiều vật liệu xây dựng khác như cát, xi măng, gạch đá… tăng theo, đẩy nguy cơ giá nhà tăng trong những tháng cuối năm và gây áp lực lên lạm phát.
Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tạo rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng và có thể gây áp lực lên giá cả và lạm phát.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng ở Việt Nam, lạm phát do yếu tố giá đáng lo ngại hơn yếu tố tiền tệ. Điều này có thể chưa hoàn toàn đúng.
Qua việc Ngân hàng Nhà nước cho phép một loạt ngân hàng tăng vốn điều lệ cũng như việc nới lỏng tín dụng cá nhân (Nghị định số 21/2021 của Chính phủ về việc cho phép người dân được thế chấp quyền sử dụng đất), hay việc nới lỏng room tăng trưởng tín dụng của 6 ngân hàng cổ phần, có thể thấy Chính phủ đang có xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Việc này có thể dẫn đến lạm phát tăng cao hơn trong những quý sắp tới.
Trên thế giới, theo số liệu công bố của Bộ Lao động Mỹ, CPI tháng 4 của nước này đã tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 9/2008. Trong khi đó, chỉ số lạm phát của nước Anh cũng tăng lên 1,5% trong tháng 4 từ mức 0,7% của tháng trước, theo số liệu của Văn phòng Thống kê Vương quốc Anh vào ngày 19/5. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 3/2020. Tỷ lệ lạm phát tăng không chỉ ở hai nước kể trên mà còn xuất hiện ở nhiều nền kinh tế khác trên thế giới.
Theo các chuyên gia kinh tế, rất có thể nền kinh tế thế giới đang rơi vào tình trạng cạn kiệt về mọi thứ và dẫn đến một chu kỳ xác lập giá hàng hóa mới cao hơn rất nhiều trước đại dịch. Giá đồng, quặng, sắt và thép đều tăng trong những tháng gần đây do nguồn cung hạn chế trước nhu cầu mạnh mẽ từ Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang hồi phục sau đại dịch.
Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất đang mua gom vật liệu với tốc độ chóng mặt, do nhu cầu tiêu dùng đang phục hồi.
Hoạt động mua và tích trữ của doanh nghiệp cùng tình trạng thiếu hụt nguyên vật liệu, tắc nghẽn giao thông vận tải khiến giá cả tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng sẽ gây ra lạm phát.
Đồng, quặng sắt, thép, ngô, cà phê, lúa mì, đậu nành, gỗ xẻ, chất bán dẫn, nhựa và bìa cứng để đóng gói tăng mạnh trong thời gian dài. Chỉ số Bloomberg Commodity Spot Index (tổng hợp giá của 23 hàng hóa nguyên liệu đầu vào giao ngay) đã đạt mức kỷ lục kể từ năm 2011 vào đầu tháng 5.
Chỉ số Baltic Dry Index (chỉ số vận chuyển thương mại) đã tăng lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ, tăng hơn 700% kể từ tháng 4/2020, phản ánh chi phí vận tải đường biển tăng rất mạnh trong một năm trở lại đây.
Bên cạnh đó, giá cả tăng còn phản ánh nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh do nền kinh tế mở cửa trở lại ở các nước như Mỹ, Anh và châu Âu dựa trên những thành công bước đầu của chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19.
Hàng nghìn tỷ USD mà Chính phủ Mỹ đã bơm vào nền kinh tế cộng với số tiết kiệm thặng dư khổng lồ của người dân sẽ làm sức cầu bị nén trong thời gian dài dần bung ra, trong khi nút thắt về nguồn cung và lao động chưa thể đáp ứng và phục hồi kịp.
Mặc dù một số quan chức cấp cao của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho rằng CPI tăng cao chỉ là hiện tượng tạm thời, các chuyên gia kinh tế nhận định rằng, các lực đẩy tăng giá chưa cho thấy những dấu hiệu giảm nhiệt trong ngắn hạn, các đoạn thắt đối với đầu cung hiện tại có thể kéo dài hơn dự đoán. Những điều này có thể làm cho việc lạm phát tăng mạnh trong tháng 4 ở nhiều nước không chỉ là tạm thời.
Việt Nam là quốc gia có độ mở nền kinh tế lớn nên sẽ không tránh khỏi tác động của việc giá cả nguyên vật liệu đầu vào từ thế giới tăng mạnh. Điều này đã và đang thể hiện thông qua giá của một số hàng hóa nội địa tăng lên.
Mục tiêu tăng 4% vẫn trong tầm kiểm soát
Việt Nam có một số điểm đặc thù khác với tình hình hiện tại trên thế giới. Đầu tiên, Việt Nam khó có khả năng bùng nổ tiêu dùng nội địa do dịch bệnh đang trong tầm kiểm soát. Khi dịch bệnh được khoanh vùng và khống chế cục bộ, khả năng người dân chi tiêu mạnh mẽ như các nước Mỹ, Anh và châu Âu là khó xảy ra.
Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của Việt Nam so với các nước trên thế giới là khá thấp, dẫn đến khả năng mở cửa lại các dịch vụ du lịch và hàng không với bên ngoài còn bỏ ngỏ. Cần biết rằng, các dịch vụ này cũng là tác nhân tạo nên chỉ số lạm phát tăng cao ở các nước Mỹ và Anh.
Gói cứu trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng của Chính phủ cho người lao động cũng chưa tạo được sức bật lớn để tạo ra một sức ép lớn lên tổng cầu dẫn đến lạm phát tăng cao.
Bên cạnh đó, gói cứu trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng của Chính phủ cho người lao động cũng chưa tạo được sức bật lớn để tạo ra một sức ép lớn lên tổng cầu dẫn đến lạm phát tăng cao.
Với lý do trên, mục tiêu lạm phát dưới 4% mà Chính phủ đặt ra cho năm nay có thể vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, Chính phủ phải kiểm soát chính sách tiền tệ một cách nghiêm ngặt hơn. Lạm phát tăng cao bởi yếu tố tiền tệ sẽ khó kiểm soát hơn do yếu tố giá cả.
Việc lạm phát tăng cao ở Mỹ hay các nước châu Âu khiến các ngân hàng trung ương khó duy trì được lập trường chính sách tiền tệ nới lỏng. Và khi hãm phanh các van bơm tiền đó, các nước trên cũng chưa dự báo được mức độ ảnh hưởng của nó lên nền kinh tế sẽ như thế nào.
Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, phát triển kinh tế bền vững là vô cùng cần thiết. Mục tiêu kiểm soát lạm phát quan trọng nhưng chúng ta cũng phải ưu tiên mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế.
Đó cũng chính là cách các nước trên thế giới đang thực hiện. Mỹ, Anh và châu Âu tạm cho phép lạm phát tăng cao trong ngắn hạn để thúc đẩy nền kinh tế trước khi thực hiện các biện pháp kiểm soát.
Tóm lại, lạm phát sắp tới có thể tăng, tuy nhiên có thể chỉ trong ngắn hạn do nền kinh tế trong nước và thế giới phục hồi sau dịch.
Chính phủ cần có chính sách nhất quán, xây dựng nền tảng vĩ mô và tỷ giá cơ bản ổn định, nâng cao hiệu quả hơn nữa trong phối hợp chính sách tiền tệ, tài khóa và giá cả, đặc biệt là kiểm soát dịch bệnh Covid-19 thành công thông qua việc đẩy nhanh quá trình tiêm vắc-xin để đưa nền kinh tế phát triển bền vững.