Đo lường lạm phát hậu Covid

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việt Nam là quốc gia có độ mở thương mại lớn nên lạm phát toàn cầu sẽ tác động không nhỏ đến lạm phát và kỳ vọng lạm phát trong nước.
Nhiều gia đình tiếp tục ưu tiên tích lũy tài chính, hạn chế chi tiêu. Nhiều gia đình tiếp tục ưu tiên tích lũy tài chính, hạn chế chi tiêu.

5 yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát toàn cầu

Những tin tức khả quan về vắc-xin phòng ngừa Covid-19 và các chiến dịch tiêm chủng rầm rộ được triển khai trên khắp thế giới đã củng cố niềm tin về khả năng phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, đi kèm theo đó là không ít ý kiến lo ngại về nguy cơ lạm phát cao, nhất là khi thấy giá nhiều loại hàng hóa liên tiếp có diễn biến tăng.

Theo nghiên cứu của người viết, 5 yếu tố sau đây sẽ quyết định đến khả năng lạm phát sau khi đại dịch được đẩy lùi.

Một là, mức độ bùng nổ tiềm năng của bên cầu.

Lực cầu tiêu dùng phụ thuộc nhiều vào quy mô và mức độ của các chính sách kiềm chế dịch bệnh của chính phủ các nước, cũng như công ăn việc làm của người dân, từ đó quyết định đến khả năng chi tiêu sau đại dịch. Đây là một trong những yếu tố được đề cập nhiều nhất ở các nước phát triển.

Cụ thể hơn, một trong những biện pháp hạn chế thiệt hại về mặt kinh tế do Covid-19 gây ra là các gói kích thích khổng lồ, chưa có tiền lệ được chính phủ nhiều nước đưa ra, nhằm ngăn các doanh nghiệp khỏi phá sản, hỗ trợ tài chính các hộ gia đình đang gặp khó khăn do không thể đi làm hoặc mất việc làm. Các gói cứu trợ này làm tăng khả năng chi tiêu sau đại dịch.

Trong khi đó, theo thống kê của Bloomberg vào đầu tháng 3/2021, người tiêu dùng ở các nước phát triển tiết kiệm được thêm 2.900 tỷ USD do đại dịch, trong đó Mỹ chiếm đến 1.500 tỷ USD.

Tuy nhiên, hành vi chi tiêu của người dân không dễ bùng nổ trong giai đoạn hậu Covid-19. Tình hình kinh tế trước mắt vẫn có những khó khăn và bất ổn, có thể dẫn đến việc các hộ gia đình tiếp tục ưu tiên tích lũy tài chính, hạn chế chi tiêu.

Nhu cầu về một số loại hình hàng hóa, dịch vụ dự kiến suy giảm trong thời gian dài, nhất là nhu cầu đi lại bằng đường hàng không và du lịch theo đoàn, nhằm đảm bảo an toàn trước nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn. Tình trạng tương tự có thể xảy ra với các hoạt động tập trung đông người, như các loại hình vui chơi giải trí.

Hai là, mức độ gián đoạn bên cung.

Hoạt động sản xuất - kinh doanh thời gian qua bị đình trệ do dịch Covid-19, không ít doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc tạm ngưng hoạt động. Điều này dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng hóa, chi phí vận chuyển và giá năng lượng tăng. Sau đại dịch, nếu cung không thể phục hồi đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu, lạm phát có nguy cơ tăng vọt.

Nhưng ngược lại, cung suy giảm khiến không ít người lao động mất việc làm, giảm thu nhập, làm hạn chế khả năng bùng nổ chi tiêu, sẽ kiềm chế lạm phát.

Theo lý thuyết đường cong Phillips, khi nền kinh tế ở xa mức toàn dụng lao động, khả năng gia tăng lạm phát khi kinh tế phục hồi sẽ giảm. Điều này làm giảm khả năng xảy ra bùng nổ chi tiêu, do không phải ai cũng có đủ khả năng tài chính để “bạo chi”, bù đắp cho những tháng ngày giãn cách xã hội.

Tình hình thị trường lao động cũng không mấy khả quan. Theo Bloomberg, tỷ lệ thất nghiệp trên thực tế ở Mỹ vào tháng 1/2021 có thể lên đến 9,1%, thay vì 6,3% như công bố chính thức và các chuyên gia cho rằng, phải mất nhiều năm nữa, nước này mới có thể đạt được số lao động có việc làm tương tự năm 2019.

Ở góc nhìn lạc quan hơn, không giống những thảm họa khác như chiến tranh hay thiên tai, hoạt động sản xuất - kinh doanh có khả năng phục hồi nhanh sau đại dịch. Nguyên nhân là do các cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, vận chuyển vẫn an toàn, không phải chịu thiệt hại nào.

Chuỗi cung ứng chỉ bị ảnh hưởng do người lao động phải chịu các biện pháp giới nghiêm, không thể làm việc như thường lệ.

Do đó, khi dịch bệnh được đẩy lùi và doanh nghiệp có thể hoạt động bình thường trở lại, các công cụ phục vụ sản xuất sẽ thoát khỏi tình trạng “đắp chiếu”. Điều này có thể giúp nguồn cung bù đắp cho sự gia tăng nhu cầu đột biến (nếu xảy ra).

Ba là, vị thế của người lao động.

Vị thế của người lao động nhiều khả năng được nâng lên sau đại dịch Covid-19, làm gia tăng áp lực tăng lương, từ đó tăng chi tiêu và thúc đẩy lạm phát. Nguyên nhân có thể đến từ gia tăng ảnh hưởng của chủ nghĩa dân túy sau đại dịch, dẫn đến việc cơ quan quản lý ban hành các chính sách ưu tiên người lao động trong nước nhiều hơn (việc hạn chế lao động nhập cư đã và đang diễn ra ở nhiều nước).

Đồng thời, sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch làm giảm khả năng quyết định chính sách tiền lương của giới chủ doanh nghiệp, do tầm ảnh hưởng của họ bị thu hẹp.

Bốn là, mức độ mở cửa thương mại.

Lạm phát sắp tới có thể gia tăng tạm thời do kinh tế phục hồi, nhưng không có dấu hiệu cho thấy lạm phát trở nên dai dẳng.

Các nước có nền kinh tế chú trọng vào xuất khẩu có thể phải chịu thiệt hại do giảm cầu ở các bạn hàng, từ đó làm giảm thu nhập quốc dân, chi tiêu và dẫn đến giảm phát.

Một số phân tích cho thấy, đường cong Phillips, tượng trưng cho mối quan hệ giữa tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát, đang “phẳng hóa” từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Điều này có nghĩa là tác động của thất nghiệp lên lạm phát giảm đi đáng kể so với trước đây.

Tỷ lệ thất nghiệp cao chưa chắc sẽ dẫn đến lạm phát và ngược lại, tỷ lệ thất nghiệp thấp khó có khả năng làm bùng nổ lạm phát. Một trong những lý do làm phẳng đường cong Phillips được đưa ra là toàn cầu hóa kinh tế khiến giá hàng hóa được định theo tiêu chuẩn quốc tế, làm giảm áp lực tăng lạm phát.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp có xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng để tránh phụ thuộc vào bên ngoài nhiều hơn, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu mà các nước muốn tự chủ sản xuất, bất chấp nguy cơ nâng giá thành. Điều này có thể khiến quá trình phẳng hóa đường cong Phillips bị đảo ngược, làm gia tăng áp lực lạm phát.

Năm là, khung chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.

Các chính sách tiền tệ ưu tiên điều hòa tăng trưởng có thể khiến lạm phát gia tăng khi có cú sốc giảm cung. Do đó, việc đánh đổi giữa giảm lạm phát và ổn định tăng trưởng có thể trở nên ngặt nghèo hơn, bởi áp lực đến từ nguồn cung bị gián đoạn.

Chính sách tài khóa cũng có tác động đến nguy cơ bùng nổ lạm phát, điển hình là nhiều nước tung ra các gói cứu trợ với quy mô lớn. Điều này làm gia tăng đáng kể cung tiền trong nền kinh tế.

Cung tiền là một trong những tác nhân quan trọng gây ra lạm phát và đây là lý do chính khiến không ít chuyên gia quan ngại về khả năng xảy ra lạm phát khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.

Hơn nữa, việc Ngân hàng Trung ương Mỹ sẵn sàng để lạm phát vượt mục tiêu 2%, miễn là trung bình vẫn ở mức đó, cho thấy họ sẵn sàng chấp nhận lạm phát cao hơn để ưu tiên phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên, do những hệ quả phát sinh từ đại dịch, cung tiền lớn và dân có tiền để tiêu chưa đảm bảo sẽ làm bùng lên lạm phát.

Theo Bloomberg, vận tốc luân chuyển tiền ở Mỹ liên tục giảm kể từ khủng hoảng tài chính 2008, và đến năm 2020 (năm bùng phát dịch Covid-19) chỉ còn một nửa so với thập niên trước đó.

Ngoài ra, tỷ lệ tiền để dành trên thu nhập nhàn rỗi của người dân Mỹ trong năm 2020 lên đến 15%. Sự bất an về tương lai có thể là tác nhân hạn chế chi tiêu của người dân.

Ngay cả khi các biện pháp giới nghiêm được bãi bỏ và vắc-xin được tiêm rộng rãi, mối lo về an toàn sức khỏe chưa chắc sẽ vơi đi nhanh chóng, khiến người dân không dám mạnh dạn chi tiêu.

Khả năng lạm phát tại Việt Nam

Dịch bệnh Covid-19 từ khi xuất hiện đến nay đều trong tầm kiểm soát, các biện pháp truy vết, khoanh vùng, cách ly người nhiễm và nghi nhiễm… được thực hiện một cách nhanh chóng, triệt để.

Biện pháp giãn cách trong 1 năm qua chỉ áp dụng trong một số khu vực nhỏ, giảm thiểu ảnh hưởng lên nhu cầu đi lại, sinh hoạt và làm việc của người dân so với nhiều nước khác. Vì vậy, khi cuộc sống của người dân về cơ bản không bị gián đoạn trong đại dịch, khả năng chi tiêu mạnh khi dịch bệnh kết thúc khó xảy ra.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2021 giảm 0,04% so với tháng 3, tăng 1,27% so với tháng 12/2020 và tăng 2,7% so với tháng 4/2020; CPI bình quân 4 tháng đầu năm tăng 0,89%, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản 4 tháng tăng 0,74%.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam hiện vào khoảng 2,26% và lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên giảm 1,2 triệu người so với năm 2019. Báo cáo của HSBC cho rằng, thị trường việc làm sẽ tiếp tục suy giảm, từ đó làm giảm áp lực tăng lạm phát từ phía cầu.

Dựa trên nhiều yếu tố khác, khả năng lạm phát vượt mục tiêu 4% là không lớn, nhưng vẫn có một số yếu tố cần phải cân nhắc như giá dầu thế giới vẫn có dấu hiệu tăng, ảnh hưởng đến chi phí vận tải và giá các mặt hàng thiết yếu. Việt Nam tuy xuất khẩu dầu thô nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nhiên liệu chế biến từ dầu.

Từ đó, diễn biến của giá dầu có thể gây hiệu ứng lên giá cả và lạm phát, đặc biệt trong bối cảnh thế giới vẫn đang vật lộn với đại dịch Covid-19, cùng với các bất ổn, xung đột kinh tế và địa chính trị như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Ngoài ra, chi phí dịch vụ y tế, giáo dục có thể gia tăng.

Nhìn chung, tình hình hiện tại cho thấy, Chính phủ có thể thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng có kiểm soát nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch mà vẫn đạt được mục tiêu trần lạm phát đề ra.

Nguyễn Trí Minh, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM ,

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục