Lạm phát chặn lãi suất?

(ĐTCK-online)Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên gấp đôi, ở mức 10%, nhiều ngân hàng tuyên bố sẽ phải tính tới việc giảm lãi suất huy động để bù chi phí do phải tăng dự trữ bắt buộc.

Tuy nhiên, điều này đến nay chưa xảy ra, và một nguyên nhân là chỉ số giá tiêu dùng đang tăng và việc giảm lãi suất là không phù hợp với điều kiện thị trường, bởi người gửi tiền thậm chí có thể lỗ.

 

Khách hàng khó tính?

Việc hạ lãi suất huy động của các ngân hàng tại Việt Nam thực ra là một câu chuyện dài, ngay từ tháng 3/2006 khi các ngân hàng bắt đầu dư thừa vốn khả dụng lớn dẫn đến nhu cầu giảm lãi suất huy động là có thật. Nhưng cũng vào thời gian đó, không ngân hàng nào “dám” tự động hạ lãi suất bởi lo ngại khách hàng gửi tiền sẽ bỏ đi ngân hàng khác.

Việc hạ lãi suất chỉ được thực hiện khi Hiệp hội Ngân hàng đứng ra làm “trung gian hòa giải” vào tháng 4/2007. Dưới sự chủ trì chung đó, 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn và các ngân hàng cổ phần mới thỏa thuận được mức lãi suất huy động thấp hơn cho một số kỳ hạn như 3 tháng (tối đa 0,6%/tháng), 6 tháng (tối đa 0,63%/tháng), 9 tháng (tối đa 0,65%/tháng) và 12 tháng (tối đa 0,69%/tháng).

Mặc dù đã có thỏa thuận, nhưng cũng chỉ một vài ngân hàng thực hiện giảm nhẹ lãi suất huy động theo dạng thăm dò phản ứng của khách hàng mà thôi. Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Ngân hàng, mặt bằng chung lãi suất mà các ngân hàng thương mại áp dụng vẫn cao hơn thỏa thuận và chưa có dấu hiệu hạ xuống.

Cụ thể, chỉ có lãi suất không kỳ hạn từ 0,2% - 0,25%/tháng là được tuân thủ, còn các kỳ hạn khác thì hầu hết cao hơn mặt bằng.

Theo lãnh đạo của một ngân hàng thương mại, việc hạ lãi suất hiện nay xem chừng đang khó khăn, cho dù với tình hình vốn hiện tại thì hoàn toàn có thể hạ được. Ngoài nguyên nhân “muôn thủa” là cạnh tranh thì nhiều ngân hàng tỏ ra lo ngại về lạm phát khả năng còn tăng. Tính đến cuối tháng 7, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 8,39% so với cùng kỳ, tương đương lãi suất huy động 12 tháng của nhiều ngân hàng đang áp dụng, việc hạ lãi suất huy động sẽ khiến tiền lãi của khách hàng còn nhỏ hơn mức độ mất giá thì rất khó giữ khách hàng.

Cũng theo vị lãnh đạo này, nếu nhìn vào tốc độ huy động vốn của những ngân hàng lớn tăng 30 - 40% thì có thể thấy, các ngân hàng huy động vốn dễ dàng, nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Khách hàng “khó tính” hơn rất nhiều so với trước, các điểm giao dịch ngân hàng lập lên nhiều, khách hàng có điều kiện thuận lợi gửi tiền hơn và tất nhiên, họ sẽ so sánh ở đâu lãi suất cao hơn, dịch vụ tốt hơn để gửi.

“Ngay cả khách hàng là doanh nghiệp cũng khó tính hơn rất nhiều, bây giờ ngân hàng muốn doanh nghiệp gửi tiền ở chỗ mình, thường xuyên phải đến đàm phán về lãi suất và phải có cả hợp đồng riêng, nếu hạ lãi suất mà không đàm phán với doanh nghiệp thì rất dễ mất khách hàng”, vị lãnh đạo này nói.

Nhiều khách hàng lớn nay chuyển đổi thành cơ chế cổ phần nên họ tính toán rất kỹ phần tiền nhàn rỗi tạm thời gửi đâu có lợi, để giữ khách hàng có nguồn tiền gửi lớn, nhiều khi ngân hàng phải áp dụng cơ chế lãi suất riêng, cao hơn một chút so với mặt bằng.

 

Trái phiếu rẻ hơn

Sau khi Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu huy động vốn thì mới đây, liên tiếp 2 ngân hàng cổ phần là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và Ngân hàng TMCP Á châu (ACB) được NHNN chấp thuận cho phát hành các đợt giấy tờ có giá dài hạn, tương ứng là 4.000 tỷ đồng và 6.500 tỷ đồng.

Trong khối ngân hàng trước đây, chỉ các ngân hàng thương mại nhà nước lớn phát hành thường xuyên giấy tờ có giá dài hạn, nhưng với xu hướng này thì phát hành trái phiếu  tỏ ra là một kênh huy động vốn tốt cho cả các ngân hàng quy mô nhỏ hơn.

Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần cho rằng, hiện có nhiều điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng nhỏ phát hành trái phiếu. Cụ thể, uy tín các ngân hàng đang tăng lên là điều kiện tiên quyết để đợt phát hành thành công. Thêm vào đó, thị trường giao dịch thứ cấp phát triển rất tốt với nhiều ngân hàng lớn trong và ngoài nước tham gia cũng tạo tính thanh khoản tốt cho trái phiếu, từ đó tác động ngược lại tới thị trường phát hành.

Với các hình thức huy động vốn hiện nay, nếu so về chi phí thì với mức lãi suất khoảng hơn 8%/năm cho các loại trái phiếu kỳ hạn 5 năm, kênh huy động vốn bằng trái phiếu lại có lãi suất rẻ hơn và kỳ hạn dài hơn các hình thức huy động vốn thông thường.

Trên thực tế, thị trường trái phiếu hiện nay đang phát triển rất tốt với nhiều doanh nghiệp tham gia phát hành cũng như nhiều định chế tài chính nước ngoài tham gia đầu tư. Chỉ số tín nhiệm quốc gia đang được các hãng xếp hạng tín nhiệm nước ngoài đánh giá theo chiều hướng tăng, điều này có thể dự đoán lãi suất trái phiếu sẽ hạ trong tương lai gần. Thế nên, những trái phiếu phát hành thời điểm này có lãi suất tốt sẽ thu hút nhà đầu tư mua vào, bởi khi lãi suất trái phiếu hạ, thì việc bán ra sẽ mang lại  khoản chênh lệch lớn.

Trần Kiên
Trần Kiên

Tin cùng chuyên mục