Làm giá cổ phiếu: nỗi niềm người “đứng mũi chịu sào”

(ĐTCK) Tại mùa đại hội đồng cổ đông năm nay, lãnh đạo một số công ty gặp phải tình huống “khó ăn, khó nói” trước câu hỏi do các cổ đông đặt ra: ban lãnh đạo công ty có tham gia làm giá cổ phiếu không?
Cổ đông yêu cầu có giải pháp cải thiện thị giá là dễ hiểu, nhưng giải pháp không thể chỉ đặt lên vai người lãnh đạo doanh nghiệp Cổ đông yêu cầu có giải pháp cải thiện thị giá là dễ hiểu, nhưng giải pháp không thể chỉ đặt lên vai người lãnh đạo doanh nghiệp

Truy vấn nghi án làm giá…

“Trên thị trường chứng khoán có tin đồn ‘đội lái’ của một công ty chứng khoán có liên hệ với chủ tịch hội đồng quản trị của công ty mình để có những giao dịch nhằm ‘bơm thổi’ giá cổ phiếu. Ông có dám bác bỏ tin đồn này không?”, cổ đông thẳng thắn đặt câu hỏi cho Chủ tịch hội đồng quản trị một công ty đang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) tại kỳ đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 vừa diễn ra.

Không giấu được sự “khó ăn, khó nói” trước câu hỏi trên, nhưng câu trả lời của vị chủ tịch không nằm ngoài dự đoán của nhiều người dự họp. Ông cho biết: “Tin đồn tôi tham gia làm giá cổ phiếu là không có căn cứ, mọi giao dịch của tôi đều được thông tin rõ ràng, không có gì khuất tất…”.

Chưa thỏa mãn với câu trả lời trên, cổ đông truy vấn nếu tin đồn là thất thiệt, thì Chủ tịch Hội đồng quản trị giải thích sao về diễn biến giá cổ phiếu bất thường, khi giữa năm 2015 giá cổ phiếu chỉ trên 10.000 đồng/CP, nhưng một năm sau tăng mạnh lên gần 40.000 đồng/CP và hiện rơi mạnh xuống chỉ trên dưới 20.000 đồng/CP?

Giá cổ phiếu thăng giáng bất thường khiến vốn hóa của công ty trồi sụt mạnh, có lúc mất gần 800 tỷ đồng, gây thiệt hại và ảnh hưởng nặng nề đến cổ đông nhỏ lẻ.

“Nếu chỉ là tin đồn thất thiệt, tại sao Công ty không gửi công văn lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đề nghị xác minh, làm rõ trắng đen để bảo vệ lợi ích cho cổ đông, cũng như hình ảnh và uy tín của Công ty và Ban lãnh đạo Công ty?”, cổ đông đặt câu hỏi.

Vị chủ tịch một lần nữa bối rối và phân bua rằng, vì tin đồn không có căn cứ, công ty không thể đưa ra căn cứ nào để gửi công văn lên UBCK nhờ theo dõi và xác minh…

… đến gợi ý nên chủ động có cách đẩy giá lên!!!

Trái ngược với những câu hỏi truy vấn về nghi án lãnh đạo công ty câu kết với “đội lái” làm giá cổ phiếu, tại một số đại hội đồng cổ đông khác, các “ông chủ” lại “gợi ý” lãnh đạo nên can thiệp để đẩy giá cổ phiếu tăng, chứ đừng để mãi cái cảnh thị giá giảm dưới mệnh giá.

“Giá cổ phiếu giảm sâu, đúng là các cổ đông lớn nắm nhiều cổ phiếu thì thiệt hại nhiều, nhưng họ còn có các nguồn khác để xoay sở.  Cổ đông nhỏ như tôi, giá cổ phiếu giảm sâu, mất tiền đau lắm. Đề nghị công ty có cách gì để thúc giá tăng lên”.

Cổ đông của một công ty niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) phát biểu tại Đại hội. Trước vấn đề trên, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty cho biết, ông cảm thấy “đau đầu” khi giá cổ phiếu giảm sâu trong bối cảnh hoạt động công ty vẫn ổn định.

“Giá cổ phiếu giảm sâu cũng khiến chính ban lãnh đạo công ty ngạc nhiên”, ông nói.

Cổ đông kia hỏi tiếp: “Kinh doanh tốt mà giá cổ phiếu giảm sâu, như ông nói là gây ngạc nhiên cho lãnh đạo công ty, vậy tại sao có thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát không mua vào?”.

Lãnh đạo công ty đành chia sẻ, khi giá cổ phiếu giảm về khoảng 10.000 đồng/CP, ông đã “dốc hầu bao” mua thêm. Nay giá giảm sâu hơn, dù muốn mua thêm, nhưng… không còn tiền.

Chủ tịch công ty này cũng chia sẻ, ông từng điều hành công ty chứng khoán và ông biết rõ rằng cổ phiếu muốn lên giá nhanh và cao, lãnh đạo công ty phải bắt tay với một số bên để đẩy giá.

“Trở về với doanh nghiệp sản xuất, tôi không muốn làm như vậy, vì làm vậy là vi phạm pháp luật nghiệm trọng”, ông nói. Chia sẻ thẳng với cổ đông, ông bảo, công an từng vào làm việc doanh nghiệp mình, liên quan đến những tin đồn về làm giá cổ phiếu, ông không muốn vướng vào sự rắc rối kiểu này thêm nữa, nên tránh mọi hoạt động có nguy cơ dẫn đến nghi án làm giá.

“Với lượng cổ phiếu nắm giữ lớn, chúng tôi còn muốn cổ phiếu tăng giá nhiều hơn là các cổ đông nhỏ mong muốn, nhưng không vì thế mà chạm vào ranh giới pháp luật. Chúng tôi chỉ có thể cam kết điều hành công ty ổn định, gặp dịp thị trường thuận lợi thì sẽ cải thiện giá cổ phiếu dần…”.

Thị trường chứng khoán vận hành không hoàn hảo là nguyên nhân dẫn đến thực trạng có nhiều mã tốt, giá vẫn rơi sâu, bên cạnh những mã đầy nghi vấn, giá cao chót vót. Đó là chưa kể thực tế, có đến gần 200 mã niêm yết có thanh khoản cực thấp, theo đó, doanh nghiệp lên sàn để yết cái tên, còn cổ phiếu nằm im, không ai ngó ngàng…

Cổ đông của các doanh nghiệp đặt vấn đề và yêu cầu có giải pháp là dễ hiểu, nhưng giải pháp không thể chỉ đặt lên vai người lãnh đạo doanh nghiệp, bởi việc của lãnh đạo doanh nghiệp là làm ra hiệu quả kinh doanh và minh bạch.

Câu chuyện thị giá khác xa giá trị sổ sách của nhiều mã trên sàn cần phải được xử lý ở tầm vĩ mô, bằng điều tiết cung - cầu, bằng kỷ cương thị trường, mới mong nhà đầu tư có niềm tin vào doanh nghiệp, bớt đi sự “nóng ruột” trước tình cảnh “giá rổ” phập phù, chẳng biết ai tạo nên…    

Tân Văn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục