Những cổ phiếu lao dốc bất thường

(ĐTCK) Sau một thời gian tăng giá mạnh mẽ, giá nhiều cổ phiếu rơi sâu trong vòng xoáy giải chấp, tạo nên mất mát không nhỏ cho nhiều nhà đầu tư.
Những cổ phiếu lao dốc bất thường

Từ TNT

Cổ phiếu điển hình cho đà sụt giảm bất thường trong thời gian qua là TNT của CTCP Tài Nguyên. Liên tiếp giảm sàn trong gần 3 tháng trở lại đây, thị giá cổ phiếu này đã rơi từ  30.200 đồng/CP vào ngày 8/8/2016 xuống còn 2.440 đồng/CP trong phiên giao dịch 18/10/2016, tức giảm hơn 10 lần. Nhiều tài khoản của nhà đầu tư đã bị “cháy” chỉ vì cổ phiếu này. Đằng sau sự lao dốc bất thường của cổ phiếu TNT là hàng loạt nghi vấn làm giá cổ phiếu.

Trước đó, cổ phiếu TNT đã có quá trình tăng chóng mặt từ hơn 8.000 đồng/CP từ tháng 6/2015 lên đến trên 30.000 đồng/CP vào đầu năm 2016. Đây cũng là giai đoạn nhiều nhà đầu tư sẵn sàng vay ký quỹ kịch trần để mua cổ phiếu TNT, nên khối lượng giao dịch tăng đột biến. Cũng nhờ margin mà quá trình tạo thanh khoản và nâng giá TNT rất thuận lợi. Thậm chí, sau khi tăng vốn từ 80 tỷ đồng lên 255 tỷ đồng trong quý I/2016, bị pha loãng giá, nhưng cổ phiếu này vẫn tiếp tục lấy lại mức giá trên 30.000 đồng/CP sau đó.

Điều đáng nói là dù cổ phiếu tăng giá chóng mặt, nhưng hoạt động của TNT từ năm 2015 đến nay không có gì đột biến. Có chăng là việc công ty này công bố sẽ thông tin sẽ rút dần ra khỏi lĩnh vực khoáng sản do khó khăn chung của ngành và tập trung đẩy mạnh hoạt động vào các lĩnh vực bất động sản, dịch vụ, thương mại, với việc liên doanh đầu tư khu nhà ở… tận bờ sông Nậm Rốm (Điện  Biên). Tính đến thời điểm hiện tại (18/10), TNT chưa công bố báo cáo tài chính quý III/2016, tuy nhiên, theo báo cáo kết quả kinh doanh bán niên năm 2016, TNT đạt 2,19 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ 255 tỷ đồng.

Đà tăng giá chóng mặt của TNT thu hút nhiều nhà đầu tư lướt sóng mua bán sôi động, cho đến khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo quyết định xử phạt hơn 1 tỷ đồng với một cá nhân vì sử dụng 26 tài khoản để thao túng giá cổ phiếu TNT thì thị giá cổ phiếu này liên tục lao dốc cho đến nay.

Cổ phiếu TNT vốn có truyền thống “giật gân” về sự lên xuống của giá, các thành viên Ban lãnh đạo Công ty, đặc biệt là cá nhân Chủ tịch TNT Nguyễn Gia Long cũng liên tục mua vào, bán ra cổ phiếu. Mới đây, ông Long đã bán ra 1,5 triệu cổ phiếu, giảm số lượng sở hữu còn 26.000 đơn vị.

… tới hàng loạt cổ phiếu khác

Bên cạnh TNT, một loạt cổ phiếu bị bán giải chấp mạnh do thị giá sụt giảm bất thường thời gian qua như TTF của CTCP Gỗ Trường Thành, G20 của CTCP Đầu tư Dệt may G.home, DRH của CTCP Đầu tư Căn nhà mơ ước…

Trong 5 phiên giao dịch gần nhất (11/10- 18/10/2016), cổ phiếu G20 đều giảm sàn và thị giá hiện chỉ quanh ngưỡng 3.000 đồng/CP. Nếu tính từ thời điểm đỉnh trong 3 tháng trở lại đây là lúc đạt 7.600 đồng/CP thì giá cổ phiếu G20 đã sụt giảm hơn 105%. Trước mức giá sụt giảm quá mạnh, một thành viên HĐQT G20 là ông Hoàng Xuân Viện đã đăng ký mua 200.000 cổ phiếu từ ngày 20/10/2016 thông qua phương thức thỏa thuận khoặc khớp lệnh để nâng tỷ lệ sở hữu lên 395.600 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 2,75%.

TTF cũng là một trong những cổ phiếu gây sốc cho thị trường trong thời gian vừa qua khi liên tục lao dốc từ mức trên 40.000 đồng/CP xuống dưới 10.000 đồng/CP chỉ trong hơn 1 tháng (từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 8/2016). Đà giảm mạnh của TTF bắt đầu từ khi thông tin Công ty thua lỗ hơn 1.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2016 do điều chỉnh số liệu hàng tồn kho và những nghi vấn về chất lượng doanh thu.

Sau một thời gian giao dịch giằng co, tính đến thời điểm kết thúc phiên 18/10, giá cổ phiếu TTF giao dịch ở mức 7.910 đồng/CP. Từ một cổ phiếu được nhiều CTCK cho áp dụng margin với tỷ lệ cao, sau thời gian bị giải chấp, cổ phiếu TTF đang nằm trong 5 mã chứng khoán thuộc diện bị kiểm soát đặc biệt, không được cho vay margin. Thậm chí, ông Võ Trường Thành, nguyên Chủ tịch Công ty cũng đã bị bán giải chấp gần 7 triệu cổ phiếu TTF.

Nằm trong nhóm cổ phiếu sụt giảm mạnh và bị giải chấp nhiều trong thời gian qua không thể không kể đến cổ phiếu DRH khi sụt giảm từ mức đỉnh 54.000 đồng/CP (ngày 28/7) xuống còn 19.800 đồng/CP (ngày 18/10).

Cổ phiếu khác là KSA của CTCP Khoáng sản Bình Thuận, sau nhiều đợt sụt giảm liên tục, đang giao dịch ở mức 1.400 đồng/CP. Điều đáng lo ngại hơn  tại KSA là khối lượng bán sàn ngày càng tăng, có phiên lên tới hơn 50 triệu đơn vị, trong khi tổng số cổ phiếu KSA hiện đang lưu hành chỉ đạt gần 94 triệu cổ phiếu…

Những cổ phiếu mà giao dịch chủ yếu bằng tiền vay, có diễn biến tăng giảm bất thường như trên đã gây tổn hại lớn cho nhiều nhà đầu tư, song thực tế, hiện cơ quan quản lý mới chỉ phát hiện và xử phạt hành vi làm giá cổ phiếu tại TNT. UBCK và hai sở GDCK giám sát giao dịch theo mô hình 2 cấp, nhưng trong bối cảnh hành vi thao túng giá cổ phiếu ngày càng tinh vi, để tránh rủi ro, nhà đầu tư cần xem xét rất kỹ các yếu tố nội tại của doanh nghiệp, thay vì chạy theo các con sóng  do đội lái tạo nên.                                 

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục