Làm gì để vực dậy TTCK?

(ĐTCK-online) Hơn một năm qua, TTCK Việt Nam trồi sụt thất thường, trong đó xu hướng giảm là chủ đạo, đặc biệt là từ đầu năm 2008 đến nay, tình trạng bán giá sàn nhưng rất ít người mua xảy ra thường xuyên. VN-Index tính đến ngày 23/4 chỉ còn 523,25 điểm, giảm 40,8% so với mức thấp nhất trong năm 2007. Nếu so với mức cao nhất thì giảm 73,2%, so với mức trung bình thì giảm 55%. Tình trạng "người người thua lỗ" đã biến TTCK từ một kênh đầu tư hấp dẫn trở thành "địa ngục trần gian" đối với không ít nhà đầu tư. Trong bài viết này, tôi chỉ nêu một số yếu tố chính đã làm VN-Index giảm sâu, đồng thời kiến nghị vực dậy thị trường.
Làm gì để vực dậy TTCK?

Hoạt động giải chấp cổ phiếu của NHTM

Thời điểm nhiều nhất, các NHTM cho vay kinh doanh chứng khoán khoảng 20.000 tỷ đồng so với tổng tài sản 2 triệu tỷ đồng (chiếm 1%), thời điểm hiện nay khoảng 9.000 - 10.000 tỷ đồng (khoảng 0,5% tài sản), bởi các ngân hàng đẩy mạnh giải chấp cổ phiếu cầm cố và điều này càng khiến TTCK sụt giảm. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đây không phải là tỷ lệ cao, các NHTM hoàn toàn có thể chịu đựng được trong giai đoạn hiện nay để ngưng giải chấp. Trong khi đó, Chính phủ đã chỉ đạo NHNN cho vay tái chiết khấu với lãi suất 9%/năm khi NHTM thiếu thanh khoản tạm thời. Sau khi TTCK tăng điểm liên tục, chủ yếu nhờ biên độ giao dịch được thu hẹp thì thị trường lại liên tục sụt giảm khi biên độ được nới rộng. Nhiều lệnh lớn bán giá sàn ngay từ đầu phiên đã được tung ra, nhà đầu tư có cơ sở nghi ngại về một đợt giải chấp tiếp theo của các NHTM, nhất là vốn huy động của nhiều ngân hàng đang gặp khó khăn, nếu không giải chấp thì ngân hàng sẽ gặp rủi ro cao. Còn nhà đầu tư thì không còn tiền để bổ sung khoản ký quỹ, nếu được ngân hàng cho vay thì lãi suất quá cao, nhưng nếu bán đi thì “mất cả chì lẫn chài”. Cách đây 6 tháng, nhà đầu tư có 1.000 cổ phiếu REE trị giá 150 triệu đồng, cầm cố số cổ phiếu này có thể vay ngân hàng 60 triệu đồng. Nhưng không ai ngờ giá cổ phiếu REE hiện nay chỉ còn 52.000 đồng, ngoài việc phải đóng thêm tiền nếu giờ đây hợp đồng hết hạn, nhà đầu tư sẽ trắng tay vì tiền bán cổ phiếu thậm chí không đủ để trả ngân hàng. Điều này có thể lý giải tại sao một loạt cổ phiếu blue-chip một thời như REE, SAM, GMD, FPT, SSI… giảm đến những mức giá không thể ngờ. Giá SAM hiện nay còn thấp hơn thời điểm VN-Index rơi xuống 400 điểm giữa năm 2006. Đây chính là những cổ phiếu tốt được cầm cố nhiều nhất và cũng là những “tội đồ” khiến VN-Index liên tục sụt giảm.

Thực tế là, nếu hàng trăm hộ dân thế chấp sổ đỏ vay tiền ngân hàng để trồng hay nuôi con gì đó mà trong trường hợp thất bại thì ngân hàng hầu như bó tay trong việc thu hồi nợ hay giải chấp, vì không thể đuổi họ ra đường. Nhưng đối với chứng khoán, ngân hàng dễ dàng đem số cổ phiếu cầm cố của hàng trăm nhà đầu tư bán với giá sàn. Với giá trị cầm cố là 10.000 tỷ đồng thì mất bao nhiêu phiên mới giải chấp hết trong khi tính thanh khoản hiện nay rất yếu, VN-Index sẽ đi về đâu?

Để ngăn chặn làn sóng giải chấp này, NHNN phải can thiệp, thay vì cho các ngân hàng vay với lãi suất chiết khấu 9%/năm, NHNN sẽ dùng khoản vay này gia hạn những hợp đồng cầm cố, repo đến thời điểm phải giải chấp. Các NHTM được vay với lãi suất 9%/năm từ NHNN, sau đó gia hạn hợp đồng cho nhà đầu tư với lãi suất không quá 12%/năm (NHTM hưởng lợi 3%/năm). Nhà đầu tư sau những tháng ngày thua lỗ sẽ yên tâm phần nào với lãi suất ưu đãi. Với dư nợ cho vay như hiện nay của NHTM, nếu trừ đi các khoản vay cầm cố trên thị trường OTC thì khoản tiền mà NHNN bỏ ra cho vay là không lớn. Những hợp đồng được gia hạn sẽ không còn tình trạng giải chấp, điều này giúp thị trường không bị thừa cung và gây tác động xấu đến tâm lý nhà đầu tư.

 

Mặt trái của thông tin

Nếu như cách đây vài năm, nhà đầu tư rất khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin về doanh nghiệp, TTCK trong và ngoài nước thì hiện nay họ đang đối diện với một rừng thông tin từ các báo viết từ Trung ương đến địa phương, các bản tin trên truyền hình, trên internet, tất cả các bài viết hay về chứng khoán trên các báo lập tức được link về trang web của CTCK, các diễn đàn chứng khoán mọc lên như nấm, trong đó ai cũng là chuyên gia, tất cả không ngoài mục đích cung cấp thông tin cho nhà đầu tư. Mấy tháng vừa qua, ngày nào nhà đầu tư cũng phải nhập vào đầu các thông tin như giá dầu, giá vàng liên tục tăng, lạm phát cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, kinh tế Mỹ suy thoái, TTCK toàn cầu tụt dốc… Chuyện này khiến nhà đầu tư có tâm lý giống như bà mẹ của Tăng Sâm trong giai thoại của Trung Quốc “Tăng Sâm giết người”. Một hôm, mẹ Tăng Sâm nghe người hàng xóm nói đã nhìn thấy Tăng Sâm giết người, bà cười không tin vì con trai bà không bao giờ làm chuyện đó. Sau đó, người thứ hai cũng nói với bà như vậy và bà vẫn không tin. Nhưng đến người thứ ba nói thì bà không thể không tin và vội chạy đi tìm con. Các nhà đầu tư chứng khoán thời gian qua đã bị nhồi nhét quá nhiều thông tin xấu nên đã xả hàng hàng loạt, cả cổ phiếu tốt lẫn cổ phiếu xấu. Hậu quả là VN-Index dẫn đầu danh sách mất điểm trên thế giới, trong khi “tội đồ” chứng khoán Mỹ trong một nền kinh tế đang suy thoái lại giảm rất ít, chỉ số Dow Jones chỉ giảm 1.300 điểm so với đỉnh 14.000 điểm trong năm 2007, hiện là 12.720 điểm. Tỷ lệ giảm của Dow Jones chưa đầy 10% so với đỉnh.

 

Phát ngôn của các chuyên gia

Kể từ cuối năm 2006 đến nay, trên báo, đài xuất hiện khá nhiều chuyên gia chứng khoán nhận xét, đánh giá về TTCK trên cơ sở chính kiến cá nhân và thực tế không có cơ quan nào bắt họ phải chịu trách nhiệm về phát ngôn của mình. Có vị cho rằng, VN-Index không thể giảm xuống dưới 970 điểm; có vị khuyên nhà đầu tư nên mua FPT cỡ 60x, VNM gần 20x và quả quyết, Việt Nam mới gia nhập WTO, VN-Index sẽ tăng ít nhất 4 năm nữa giống như Trung Quốc thời kỳ sau khi gia nhập WTO; có vị không ủng hộ việc các nhà đầu tư mua bán ngắn hạn… Thật nực cười vì nếu không mua bán thì lấy đâu ra tính thanh khoản, Nhà nước lấy cơ sở nào để định ra giá khởi điểm IPO? Khi thị trường giảm mạnh, có vị cho rằng, nên để thị trường tự nhiên, cổ phiếu nên về giá trị thật, trong khi không đưa ra được giá trị thật là bao nhiêu… Trước hết, chúng ta phải tìm ra nguyên nhân giảm giá. Nếu giảm vì doanh nghiệp làm ăn kém thì tất yếu phải để thị trường phán xét, còn giảm do giải chấp cầm cố, do nhà đầu tư mất niềm tin, do lũng đoạn thị trường thì chúng ta phải giải quyết dứt điểm.

 

Một số giải pháp

- Thứ nhất, ngắt mạch giao dịch: TTCK Malaysia vừa qua có phiên giảm hơn 10% khi mở cửa và đã được ngắt mạch ngay lập tức, đó là do Malaysia gặp biến cố chính trị. Tuy nhiên, sau đó thị trường Malaysia đã phục hồi trở lại. Với doanh nghiệp làm ăn yếu kém thì chuyện cổ phiếu giảm giá sàn là đương nhiên, nhưng với TTCK Việt Nam, việc giảm sàn liên tiếp nhiều phiên với hầu hết cổ phiếu tốt xấu lẫn lộn thì việc ngắt mạch giao dịch là việc làm cần thiết, vừa đảm bảo tính phát triển bền vững, vừa bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ lẻ trước tâm lý không ổn định hay hành vi thao túng, làm giá, lũng đoạn thị trường.

- Thứ hai, ngăn chặn việc thao túng, lũng đoạn thị trường: Một vị lãnh đạo UBCK cách đây vài tháng cho biết, đã phát hiện được những giao dịch mua ghìm giá của các tổ chức lớn, đặc biệt là có bàn tay của nhà ĐTNN. Đang tiếc là chúng ta vẫn chỉ dừng lại ở mức độ phát hiện, chưa xử lý nghiêm minh cụ việc thể vụ nào. Điều gì xảy ra khi những đối tượng này hy sinh một lượng cổ phiếu nào đó bán giá sàn liên tục, hậu quả là thị trường suy giảm không phanh, rồi sau đó mua vào? Thực tế, không ít cổ phiếu blue-chip được bán ra rất mạnh, kéo theo làn sóng bán ra cổ phiếu đó và cả những cổ phiếu khác của các nhà đầu tư nhỏ lẻ, các ngân hàng giải chấp và bây giờ họ có thể ung dung mua lại với giá chỉ bằng 1/3 mức giá cũ. Nếu có sự kết hợp giữa Trung tâm Lưu ký chứng khoán, UBCK với Bộ Công an thì việc theo dõi, truy tìm những tài khoản giao dịch kiểu này không khó.

- Thứ ba, mở room cho nhà ĐTNN: Chúng ta đã từng mở room cho nhà ĐTNN trong năm 2005 và sau đó, nhờ nguồn lực không nhỏ của khối này đã góp phần giúp TTCK phát triển sau một thời gian dài trầm lắng. Có một điều đáng lưu ý là, mặc dù giá nhiều loại cổ phiếu giảm rất mạnh nhưng khối này tiếp tục mua vào nhiều hơn bán ra, nhiều mã như STB, ACB hầu như không bao giờ bán, room của REE, GMD, CII, BMP, TDH luôn được lấp đầy 49%. Chúng ta hạn chế room dành cho nhà ĐTNN chủ yếu là nhằm ngăn họ thoát vốn gián tiếp đột ngột, nhưng thực tế đối tượng thoát vốn chủ yếu gần đây lại là các nhà đầu tư nội, các tổ chức nội. Câu hỏi đặt ra là, nếu họ xác định đầu tư dài hạn trong lúc thị trường giảm sâu như hiện nay thì tại sao ta không mở room cho họ, đằng nào thì theo lộ trình gia nhập WTO ta cũng phải mở, nếu không mở room bây giờ để tạo lực cầu thì chúng ta đợi đến bao giờ hay chờ thị trường nóng lên mới mở? Mở room tại thời điểm này vừa tạo được sức cầu, giúp TTCK phục hồi, vừa giúp cho tiến trình cổ phần hoá nói chung, cổ phần hóa các ngân hàng quốc doanh nói riêng đỡ ế ẩm.       

Huỳnh Tiến Dũng
Huỳnh Tiến Dũng

Tin cùng chuyên mục