Ông Vũ Văn Ninh, Phó Thủ tướng Chính phủ
SCIC cần tập trung hoàn thành xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai Chiến lược phát triển 2016-2020 tầm nhìn đến năm 2030; chủ động đề xuất với Đảng, Nhà nước các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho sự phát triển trong tình hình mới; chủ động tiếp nhận bàn giao vốn nhà nước, nhất là từ các tập đoàn, tổng công ty; đẩy mạnh tiến độ thoái vốn tại các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ, củng cố hoạt động tại các DN mà SCIC nắm giữ vốn dài hạn. Tổng công ty cũng cần tăng cường chức năng đầu tư tài chính hơn nữa, hoàn thiện thể chế bộ máy và nâng cao năng lực hoạt động nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Ông Trần Văn Tá, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính
Hiện ở Việt Nam đang áp dụng nhiều mô hình quản lý vốn nhà nước, cả tập trung và phân tán, trong khi ở thế giới đã theo mô hình quản lý tập trung. Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII có nêu chủ trương: “Thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước”. Đây là lần đầu tiên Văn kiện Đại hội Đảng đề cập đến việc thành lập cơ quan quản lý vốn theo mô hình tập trung. Tuy nhiên, vấn đề còn đang bỏ ngỏ là mô hình tập trung đó theo cơ chế doanh nghiệp hay theo mô hình cơ quan quản lý nhà nước. SCIC muốn phát triển phải chứng minh được cho các cơ quan quản lý thấy rằng mô hình doanh nghiệp ưu việt hơn so với mô hình cơ quan quản lý nhà nước. SCIC sẽ phải cố gắng nỗ lực rất nhiều, đặc biệt khi các khuôn khổ thể chế để thực hiện nhiệm vụ đều chưa được quy định rõ ràng cụ thể.
Bà Victoria Kwakwa , Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam
SCIC đã có những bước tiến dài, tuy nhiên với mục tiêu hướng đến các hoạt động hiệu quả và minh bạch, Việt Nam nên nghiên cứu mô hình Temasek (Singapore) để áp dụng cho SCIC.
Hiện nay, trong danh mục của SCIC gồm rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực ngành nghề của nền kinh tế, đòi hỏi SCIC phải có những nỗ lực lớn để có thể đảm nhận tốt việc quản lý vốn nhà nước tại DN. Song điều này cũng đặt ra nhiều thách thức cho SCIC, bởi vậy Tổng công ty nên cân nhắc thoái vốn để tinh gọn lại danh mục, nắm giữ những DN và ngành nghề quan trọng với nền kinh tế nhằm quản lý tập trung và hiệu quả hơn.
Trong quá trình tái cơ cấu DNNN, Nhà nước nên chuyển sang nguyên tắc tham gia quản lý vốn như một cổ đông và làm thế nào để tối ưu hóa lợi nhuận của Nhà nước cũng như các cổ đông khác trong doanh nghiệp. SCIC cần độc lập hơn, độc lập hoàn toàn giữa chức năng quản lý nhà nước và chức năng quản lý đại diện vốn nhà nước.
Ông Lại Văn Đạo , Tổng giám đốc SCIC
SCIC phấn đấu đến năm 2030 trở thành tập đoàn đầu tư tài chính có quy mô lớn trong khu vực với tổng tài sản (bao gồm tài sản Nhà nước ủy thác quản lý) đạt khoảng 46 tỷ USD.
Tới đây, SCIC sẽ tập trung triển khai tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc đối tượng bàn giao về SCIC, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty đã có quyết định của Thủ tướng Chính phủ bàn giao vốn nhà nước về SCIC sau khi hoàn thành cổ phần hóa.
Tổng công ty sẽ tiếp tục triển khai tái cơ cấu và đẩy nhanh tiến độ bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ vốn theo lộ trình của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, Tổng công ty duy trì vốn tại một số doanh nghiệp quy mô lớn, quan trọng thuộc các ngành nghề lĩnh vực hiệu quả cao, Nhà nước cần chi phối trong danh mục hiện hữu, bao gồm: thực phẩm - đồ uống, viễn thông, dược phẩm, ngân hàng - bảo hiểm, cơ sở hạ tầng...
SCIC cũng đẩy mạnh mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh vốn với định hướng rõ nét hơn, tập trung vào những dự án có quy mô lớn trong các lĩnh vực trọng yếu và có triển vọng lâu dài; đồng thời từng bước mở rộng hoạt động đầu tư tài chính, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp và hoạt động đầu tư ra nước ngoài.