Bài 2: Để miền Trung trở thành điểm đến golf hàng đầu
Từ tuyến du lịch “Con đường di sản miền Trung” đặc sắc, đến thương hiệu “Miền di sản diệu kỳ”, là “trái ngọt” của cái bắt tay chặt chẽ giữa ngành du lịch 3 địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam. Trong tương lai, du lịch miền Trung sẽ còn tiếp tục thăng hạng khi những golf tour, MICE tour cao cấp liên tục được kiến tạo.
Sức hút của môn thể thao tinh hoa
So với các địa phương trong cả nước, liên kết du lịch các tỉnh miền Trung được quan tâm từ rất sớm, vào năm 2003 với tuyến du lịch “Con đường di sản miền Trung” liên kết các điểm du lịch ở Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam. Hơn 2 thập kỷ qua, sản phẩm du lịch này đã góp phần quan trọng tạo dựng thương hiệu, tên tuổi, khả năng thu hút du khách, khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch ở 3 địa phương và góp phần phát triển du lịch miền Trung bền vững.
Mỗi địa phương miền Trung đều có nét đặc trưng, làm nên một điểm đến diệu kỳ, đầy sức hấp dẫn, chào mời du khách khám phá và làm giàu những trải nghiệm.
Thừa Thiên Huế là cố đô của Việt Nam, mang trong mình 8 di sản thế giới với hệ thống kiến trúc, thành quách, cung điện, lăng tẩm, đình chùa… mang đậm bản sắc văn hóa đã được kết tinh qua nhiều thế kỷ, hòa quyện với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp.
Đà Nẵng là thành phố năng động, trẻ trung, là điểm đến lễ hội và sự kiện hàng đầu châu Á.
Năm 2025, khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; Đà Nẵng được Quốc hội cho phép thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng; còn Quảng Nam tập trung phát triển du lịch xanh, sinh thái bền vững, du lịch nông thôn, thì hạ tầng du lịch của 3 địa phương này sẽ càng được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, trải nghiệm không chỉ cho du khách, mà cho cả các nhà đầu tư. Trong tương lai không xa, miền Trung sẽ thực sự trở thành điểm đến golf hàng đầu khu vực và thế giới, trở thành “thỏi nam châm” hút khách hạng sang đến Việt Nam.
Quảng Nam nổi tiếng với 2 di sản văn hóa thế giới là đô thị cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn, cùng sự góp mặt của khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.
Bên cạnh khai thác thế mạnh di sản nổi trội, liên minh này không ngừng phát triển, làm mới và bổ sung những sản phẩm, dịch vụ du lịch để tăng tính độc đáo giúp “Con đường di sản miền Trung” trước đây, “Miền di sản kỳ diệu” hiện nay ngày càng hấp dẫn.
Nổi bật phải kể tới hệ thống sân golf đẳng cấp ở 3 địa phương. Trong đó, Đà Nẵng đang nổi lên là điểm đến golf hấp dẫn bậc nhất Việt Nam và Đông Nam Á sau 3 năm triển khai Lễ hội Du lịch golf Đà Nẵng và giải golf quốc tế BRG Open Golf Championship Danang thuộc hệ thống giải Asian Development Tour (ADT) của Asian Tour tại sân Legend Danang Golf Resort, sân golf 36 hố đầu tiên và duy nhất cho đến nay của 3 tỉnh Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, với sự tham gia tranh tài của hơn 400 golfer của khu vực và Việt Nam; 6.000 khán giả xem trực tiếp; gần 100.000 lượt người xem trên các nền tảng trực tuyến…
Mới đây, Huế cũng có thêm sân golf Golden Sands Golf Resort được đội ngũ thiết kế sân golf hàng đầu thế giới Nicklaus Design chắt lọc những điểm tinh túy nhất của kiểu sân golf phong cách links ven biển, để tạo nên một sân golf được coi là thử thách nhất Việt Nam hiện nay, kể cả với golfer chuyên nghiệp, nhưng cũng vô cùng thân thiện với golfer ở mọi trình độ.
Những sân golf độc đáo và những giải đấu tầm cỡ quốc tế không chỉ là “thỏi nam châm” hút dòng khách tinh hoa có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày, mà còn góp phần định vị miền Trung là điểm đến golf hàng đầu khu vực và thế giới.
Nỗ lực thu hút khách du lịch cao cấp
Du lịch golf hiện được nhiều thị trường khách trong nước và quốc tế quan tâm, trở thành điểm nhấn trong những chương trình du lịch MICE, nhất là chương trình có quy mô lớn, yêu cầu cao về tính chuyên nghiệp và khác biệt. Đây là dòng khách chất lượng cao theo đúng định hướng phát triển du lịch của cả Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho biết, nhóm khách golf tour quốc tế đến miền Trung do công ty ông tổ chức thường có thời gian 5 ngày, 4 đêm, nhưng thời gian phân bổ giữa 3 địa phương không đồng đều.
“Phần lớn thời gian du khách golf sẽ nghỉ đêm tại Đà Nẵng từ 3 đến 4 đêm trong tổng số 4 đêm.
Ngày đầu, sau khi tới sân bay Đà Nẵng, khách sẽ di chuyển đến Hội An tham quan, trải nghiệm đánh golf và nghỉ lại đây 1 đêm hoặc trở lại Đà Nẵng nghỉ đêm. Sau đó, họ chơi golf và khám phá thành phố, nghỉ lại đây 2 đến 3 đêm.
Ngày thứ 4, khách sẽ đi Huế đánh golf và trải nghiệm ở đây trong ngày, buổi tối trở lại Đà Nẵng nghỉ đêm để giảm thời gian làm thủ tục check-in, check-out và thuận tiện cho việc trở về nước ngày hôm sau. Đây cũng là chương trình du lịch golf đến miền Trung phổ biến hiện nay”, ông Đạt cho biết.
Lý giải việc hãng lữ hành phân bổ thời gian cho khách không đồng đều giữa 3 địa phương, ông Đạt cho hay, nguyên nhân chính là do đường bay quốc tế và nội địa tại sân bay Phú Bài chưa đa dạng, tần suất chuyến bay khá ít, nên khách đến Huế thường phải quay trở lại Đà Nẵng để đến các điểm tiếp theo hoặc trở về nước. Vì thế, ngành du lịch Huế đang phải nỗ lực nhiều hơn để giữ chân du khách golf lưu trú lại ít nhất một đêm.
“Ngành kinh tế xanh Thừa Thiên Huế sẽ phải nỗ lực hơn rất nhiều để làm sao giữ chân được nhóm khách du lịch cao cấp này, dù chỉ ít nhất 1 đêm lưu trú, vì nhóm khách du lịch golf thường sử dụng các dịch vụ lưu trú cao cấp, không tiếc tiền chi tiêu cho ăn uống và mua sắm, cũng như các hoạt đông vui chơi, giải trí vào cả ban ngày và ban đêm”, ông Đạt nhấn mạnh.
Cũng theo ông Đạt, nếu di chuyển bằng hàng không đi và đến Huế đa dạng, thuận lợi hơn, thì Thừa Thiên Huế sẽ có cơ hội hấp dẫn du khách ngủ lại đây 1 - 2 đêm.
Chẳng hạn, du khách đến sân bay Huế, chơi golf và trải nghiệm tại Thừa Thiên Huế trong 2 ngày, 1 đêm, hoặc 3 ngày, 2 đêm. Sau đó họ chơi golf, trải nghiệm 2 ngày, 1 đêm, hoặc 3 ngày, 2 đêm tại Đà Nẵng và khám phá Hội An trong 2 ngày, 1 đêm, rồi rời miền Trung qua sân bay Đà Nẵng. Lịch trình ngược lại, khách đến sân bay Đà Nẵng, khám phá Hội An và Đà Nẵng trước, rồi rời miền Trung qua sân bay Phú Bài sau khi trải nghiệm những sản phẩm và dịch vụ du lịch cao cấp của cố đô Huế.
Tăng cường công tác truyền thông
Hiện người chơi golf tăng mạnh, nhưng vẫn chưa tạo ra được tính cộng đồng - một yếu tố để phát triển du lịch golf. “Ở nước ngoài, đã hình thành hệ sinh thái các hạng sân golf, một kiểu như phân hạng sao khách hàng để khách tùy nghi lựa chọn theo nhu cầu và năng lực tài chính của mình. Tuy nhiên, các sân tại miền Trung chưa làm được điều đó và mọi người vẫn nghĩ đây là môn chơi xa xỉ”, ông Nguyễn Tiến Đạt chia sẻ.
Chưa kể, các sân golf tại miền Trung cũng như Việt Nam có giá cao hơn 10-20% so với tour du lịch golf tương tự tại Thái Lan.
Hiến kế để du lịch miền Trung định vị là điểm đến golf hàng đầu khu vực và thế giới, CEO Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, ngành du lịch Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam cần hỗ trợ cho các cơ sở lưu trú cao cấp, sân golf, câu lạc bộ golf, các hãng hàng không… liên kết với các hãng lữ hành tại TP.HCM, Hà Nội, các địa phương trong cả nước và những thị trường trọng điểm ở Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc), Đông Nam Á (Singapore, Thái Lan, Philippines, Indonesia), châu Âu, Australia… để tạo ra các gói sản phẩm chuyên đề du lịch golf với mức ưu đãi cùng quà tặng hấp dẫn. Từ đó, kích cầu khách du lịch chơi golf ở những thị trường quan trọng này.
Cùng với đó, để phát triển du lịch golf, vấn đề truyền thông rất quan trọng. Ngành du lịch 3 địa phương cần tăng cường truyền thông cả trong nước và quốc tế cho du lịch golf của miền Trung. Đồng thời, xây dựng một hệ sinh thái của vùng nhằm tạo ra nhiều sự lựa chọn cho khách, tạo nhiều trải nghiệm thông qua việc tổ chức nhiều hơn nữa giải golf có sự phối hợp giữa các sân golf miền Trung.
Để khai thác tối ưu thế mạnh du lịch golf, ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho hay, Thừa Thiên Huế đã và đang cùng Đà Nẵng và Quảng Nam đẩy mạnh hợp tác phát triển sản phẩm và quảng bá xúc tiến thương hiệu du lịch “Miền di sản diệu kỳ - Amazing Central Vietnam Heritage”, cùng chuỗi sản phẩm, dịch vụ đặc trưng, nổi bật là du lịch golf và MICE đến các thị trường Australia, Đài Loan (Trung Quốc), các nước Đông Nam Á… và những thị trường trọng điểm khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu.
Là hai địa phương có cảng hàng không quốc tế, thời gian qua, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng triển khai nhiều hoạt động xúc tiến mở đường bay từ Huế đến các trung tâm du lịch của Việt Nam và thế giới. Trong giai đoạn 2024 - 2025, Thừa Thiên Huế phấn đấu mở 1 đường bay quốc tế và các chuyến charter (thuê theo chuyến) nhằm phát huy công suất khai thác 5 triệu hành khách/năm nhà ga T2, Cảng hàng không quốc tế Phú Bài. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về vận tải hàng không, đặc biệt phục vụ các sự kiện lớn tổ chức tại Huế hoặc thời kỳ cao điểm khách du lịch.