Đây sẽ là chặng đường dài, có nhiều việc phải chuẩn bị, nhiều khó khăn và trở ngại phải vượt qua với chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người làm kế toán, kiểm toán, nhưng lợi ích với nền kinh tế rất to lớn.
IFRS được áp dụng vào doanh nghiệp niêm yết từ 2020
Hệ thống chuẩn mực lập và trình bày báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) với những quy chuẩn cao về tính giải trình và minh bạch, đề cao nguyên tắc thận trọng đang được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, trở thành “ngôn ngữ” chung cho báo cáo tài chính của doanh nghiệp toàn cầu. Thực tế triển khai IFRS của các nước, có thể đúc kết lại trong ba phương án như sau:
Thứ nhất, áp dụng toàn bộ IFRS cho tất cả các doanh nghiệp. Theo phương án này, IFRS được áp dụng toàn bộ, mà hầu như không có bất cứ sự điều chỉnh hay thay đổi nào.
Ở thời điểm hiện tại, nếu áp dụng phương án này ở Việt Nam sẽ có khá nhiều khó khăn do đặc thù phát triển và môi trường kinh tế của nước ta. Cụ thể, các doanh nghiệp nhà nước đang được hưởng các cơ chế, chính sách tài chính đặc thù, đa số doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa với quy mô và nguồn lực hạn chế.
Thói quen của người hành nghề kế toán tại Việt Nam là phải có hướng dẫn chi tiết cụ thể để thực hiện và rất ngại sử dụng các xét đoán, vận dụng hay lý luận theo nguyên tắc của IFRS. Hạn chế của các thị trường tài chính, hàng hóa còn non trẻ, đội ngũ thẩm định giá còn thiếu và yếu cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc xác định giá thị trường/giá trị hợp lý theo IFRS. Hạn chế ngoại ngữ cũng là rào cản không nhỏ trong việc nghiên cứu, học hỏi và vận dụng IFRS với đại đa số người hành nghề kế toán ở Việt Nam.
Thứ hai, áp dụng IFRS có điều chỉnh. Một số quốc gia Đông Âu, Trung Quốc, Indonesia, Lào… đã áp dụng phương án này và đây cũng là phương án Việt Nam đã áp dụng trong suốt hơn 15 năm qua. Theo đó, các quốc gia không chấp nhận toàn bộ hệ thống chuẩn mực IFRS do IASB ban hành, mà có sự điều chỉnh, bổ sung hệ thống chuẩn mực kế toán quốc gia hiện hành để tiệm cận với IFRS theo lộ trình.
Cách làm này có ưu điểm là ít gây xáo trộn trong hoạt động kế toán. Quá trình chuyển đổi chậm qua nhiều bước và không đòi hỏi hệ thống hạ tầng, nền tảng kế toán cao, dễ thực hiện và đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, như thực tế đã chứng minh, kết quả của việc đi trên con đường này trong suốt hơn 15 năm qua là hiện tại các quy định về lập báo cáo tài chính của Việt Nam vẫn còn rất xa so với sự phát triển của IFRS.
Thứ ba, áp dụng toàn bộ IFRS cho một số doanh nghiệp phù hợp. Phương án này được phần lớn các nước như Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc… áp dụng. Theo đó, bắt buộc áp dụng IFRS cho các doanh nghiệp thuộc công ty niêm yết và mở rộng thêm một số doanh nghiệp có quy mô lớn, tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, các doanh nghiệp muốn tự nguyện áp dụng… theo một lộ trình 2 - 3 năm (nhóm 1).
Các doanh nghiệp không thuộc nhóm này có thể áp dụng chuẩn mực kế toán trong nước nhưng được bổ sung, điều chỉnh cho tiệm cận với IFRS (nhóm 2). Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ áp dụng chế độ kế toán đơn giản.
Phương án áp dụng từng phần này phù hợp nhất với tình hình thực tế hiện tại của Việt Nam. Mục tiêu của IASB khi triển khai hội tụ kế toán quốc tế trước hết là nhằm nâng cao chất lượng thông tin trên thị trường vốn. Các doanh nghiệp nhóm 1 có lợi ích rõ ràng nhất, phù hợp nhất và đủ khả năng, tiềm lực tài chính để áp dụng thành công IFRS.
Trong quá trình áp dụng thực tế chúng ta sẽ tiến hành đánh giá rút kinh nghiệm để tiến tới áp dụng IFRS cho toàn bộ doanh nghiệp. Quan điểm này đã được chúng tôi bày tỏ tại Hội thảo “IFRS – Định hướng và lộ trình áp dụng tại Việt Nam” do Bộ Tài chính phối hợp cùng Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) tổ chức ngày 21/12/2016 (tại TP.HCM) và ngày 23/12/2016 (tại Hà Nội).
Không chỉ Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán – Bộ Tài chính mà hầu hết các đại biểu là đại diện các doanh nghiệp, các trường đại học, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước… và các cơ quan có liên quan đều có quan điểm thống nhất cao về hình thức áp dụng IFRS và lộ trình thực hiện như sau: Đối tượng áp dụng trước tiên là các công ty niêm yết, đại chúng, ngân hàng, bảo hiểm, sau đó dần áp dụng cho toàn bộ các doanh nghiệp; áp dụng IFRS đầy đủ qua việc dịch trực tiếp IFRS và ban hành các thông tư hướng dẫn. Thời điểm áp dụng từ năm 2020 trở đi.
Cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng và thận trọng
Triển khai IFRS là chặng đường dài đầy thử thách, sự thành công của nó đòi hỏi công tác chuẩn bị kỹ lưỡng và thận trọng của cơ quan quản lý nhà nước về kế toán, kiểm toán và cả cộng đồng doanh nghiệp.
Trước tiên, về phía Bộ Tài chính, chính phủ và các cơ quan quản lý, cần nhanh chóng hoàn tất việc xây dựng và phê duyệt Đề án áp dụng IFRS ở Việt Nam. Đề án này sẽ là cơ sở định hướng cho công tác chuẩn bị của các bên liên quan sau này. Đề án cần đánh giá tác động của việc áp dụng IFRS với nền kinh tế và đưa ra cách thức tổ chức và triển khai trong thực tế.
Trước và trong khi xây dựng đề án, cơ quan quản lý cần tăng cường tham vấn chuyên gia trong và ngoài nước, tận dụng sự hỗ trợ của IASB, các hiệp hội, tổ chức quốc tế, các công ty kiểm toán lớn, các trường đại học, cơ quan nghiên cứu… để xây dựng đề án thành công.
Sau khi đề án được phê duyệt, công tác phổ biến, tuyên truyền cần được đẩy mạnh càng sớm càng tốt, nhằm tạo sự đồng thuận của xã hội và thông báo rõ định hướng lộ trình để các bên liên quan có được sự nhận thức và chuẩn bị kịp thời.
Bên cạnh đó, cần đảm bảo khả năng áp dụng nguyên tắc giá trị hợp lý vào trong kế toán. Trên thế giới, giá trị hợp lý trở thành một cơ sở tính giá trong kế toán từ cuối những năm 1990 và chuẩn mực IFRS 13 – Xác định giá trị hợp lý – đã được ban hành, hướng dẫn chi tiết về cách xác định giá trị hợp lý trong hạch toán kế toán.
Ở Việt Nam, giá trị hợp lý đã được đề cập trong một số chuẩn mực kế toán, tuy nhiên, khái niệm giá trị hợp lý chủ yếu chỉ được sử dụng trong việc ghi nhận ban đầu như xác định giá phí hợp nhất kinh doanh, ghi nhận ban đầu đối với doanh thu, tài sản cố định, hay xác định giá trị trao đổi.
Như vậy, có thể thấy việc áp dụng giá trị hợp lý tại Việt Nam hiện mới chỉ dừng lại ở mức sơ khởi và chưa có một chuẩn mực hay hướng dẫn chi tiết về việc xác định, trình bày và hạch toán giá trị hợp lý trong kế toán.
Do đó, Bộ Tài chính cần phối hợp với các cơ quan quản lý liên quan để ban hành khung pháp lý chi tiết hơn hỗ trợ cho việc xác định, cách trình bày và hạch toán giá trị hợp lý.
Thêm vào đó, chúng ta cần tiếp tục xây dựng và phát triển các thị trường tài chính, hàng hóa hoạt động làm cơ sở cho việc xác định giá trị hợp lý và tiếp tục xây dựng đội ngũ thẩm định giá chuyên nghiệp để có thể đưa ra những bản định giá chuyên nghiệp và đáng tin cậy.
Một vấn đề cần chú ý là trình độ tiếng Anh của người làm kế toán tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, Bộ Tài chính cần tổ chức dịch và công bố bản dịch chính thức IFRS ra tiếng Việt theo một quy trình chặt chẽ, giúp đảm bảo chất lượng của bản dịch chính thức. Các thuật ngữ quy định trong chuẩn mực cần được giải thích rõ và sử dụng nhất quán, tránh hiểu lầm trong các văn bản quy phạm pháp luật khác. Bản dịch cuối cùng được phê duyệt phải là bản cập nhật mới nhất của IFRS.
Bộ Tài chính ban hành quy định cho phép áp dụng IFRS tại Việt Nam theo toàn văn bản dịch chính thức được phê duyệt (VFRS) hoặc theo nguyên gốc IFRS bằng tiếng Anh để các doanh nghiệp nhóm 1 áp dụng bắt buộc.
Đối với các doanh nghiệp nhóm 2, cần công bố chính thức dự thảo các chuẩn mực báo cáo tài chính của Việt Nam (VAS) dựa trên chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế để lấy ý kiến và điều chỉnh trước khi ban hành.
Kinh nghiệm ở các nước phát triển cho thấy, việc nghiên cứu, soạn thảo, đánh giá và ban hành chuẩn mực kế toán được thực hiện bởi Ban soạn thảo Chuẩn mực gồm các chuyên gia cao cấp trong nghề nghiệp hoặc đại diện cho các nhóm quyền lợi khác nhau liên quan đến chuẩn mực kế toán (ví dụ cơ quản quản lý nhà nước, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế chính, hội nghề nghiệp, công ty kiểm toán lớn…).
Cơ chế bỏ phiếu để thống nhất ý kiến trong Ban soạn thảo sẽ giúp cho quá trình soạn thảo các chuẩn mực được minh bạch và cân bằng quyền lợi giữa các bên. Ban soạn thảo cần thể hiện như một tổ chức tư vấn độc lập nhằm giúp việc cho Bộ Tài chính trong quá trình soạn thảo và ban hành các chuẩn mực.
Ban soạn thảo cũng sẽ giúp thành lập các nhóm nghiên cứu thảo luận về những khác biệt, khó khăn khi chuyển đổi, các giải pháp và kết luận về những vấn đề cần điều chỉnh hay hoãn lại chưa áp dụng cho các doanh nghiệp nhóm 2. Ban soạn thảo cũng sẽ là nơi xây dựng tài liệu hướng dẫn chuẩn mực để IFRS đi vào cuộc sống.
(Còn tiếp)