Làm cách nào để khôi phục não bộ của bạn khi nghiện ChatGPT

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày càng có nhiều lao động trẻ phụ thuộc vào việc sử dụng các công cụ AI. Một người đã tìm thấy sự nhẹ nhõm khi từ bỏ công cụ này.
Việc quá phụ thuộc vào các AI không tốt cho não bộ, cũng như sự tự tin của bạn Việc quá phụ thuộc vào các AI không tốt cho não bộ, cũng như sự tự tin của bạn

Edison Earl đã hoàn thành xuất sắc công việc thực tập sinh sau đại học tại Đại học Nghệ thuật Bournemouth ở Anh. Anh đã tạo ra nhiều nội dung marketing cho trường và đã tăng gấp đôi lượng người theo dõi trên Instagram trong bảy tháng qua. Nhưng anh lại gặp khó khăn khi nhận công về mình, vì ứng dụng ChatGPT đã thực hiện phần lớn công việc. Trong hai năm qua, anh đã chuyển từ việc phác thảo trên giấy sang trò chuyện với ChatGPT gần như cả ngày. “Bạn có thể viết lại email này cho tôi không?”, “Bạn nghĩ gì về bài đăng mạng xã hội và sự kiện này?”. Không chỉ trong công việc, chàng trai 23 tuổi này còn nhờ ChatGPT giúp đỡ trong mọi việc - từ chọn món ăn đến mua quần áo.

Earl thừa nhận anh đã trở nên phụ thuộc vào công cụ do OpenAI ra mắt vào cuối năm 2022, hiện đang được hơn 400 triệu người sử dụng. Công cụ này và các phần mềm tương tự, như Gemini của Google hoặc Claude của Anthropic, được quảng bá như những trợ lý nghiên cứu. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại cho những thực tập sinh và nhân viên mới mà tôi đã trò chuyện là: nhiều người đang trở nên quá phụ thuộc vào trí tuệ nhân tạo, làm mờ ranh giới thăng tiến, suy giảm sự tự tin và gia tăng cảm giác không xứng đáng.

“Tôi đã tin tưởng nó đến mức mất niềm tin vào quyết định và quá trình suy nghĩ của chính mình”, Earl chia sẻ.

Theo một nghiên cứu năm 2025 của công ty tư vấn quản lý BearingPoint của Hà Lan, những nhân viên trẻ sử dụng công cụ AI nhiều hơn so với các quản lý cấp trung và cao, lý do là bởi họ vẫn đang phát triển "la bàn nội tại" - quá trình phát triển khả năng tự định hướng và phán đoán cá nhân. Nghiên cứu này đã khảo sát hơn 300 quản lý ở châu Âu và Mỹ. Trong khi các lãnh đạo cấp cao thường bỏ qua các công cụ AI vì họ quá tin vào chuyên môn của bản thân (có thể là hơi quá mức), thì những nhân viên mới lại làm điều ngược lại.

Earl từng rất tự hào về công việc của mình trước khi bắt đầu sử dụng ChatGPT. Nhưng giờ đây, anh cảm thấy một sự trống rỗng mà chính bản thân cũng không thể giải thích được. “Tôi đã trở nên lười biếng… Tôi lập tức tìm đến AI vì tôi đã quen với việc nghĩ rằng nó sẽ đưa ra câu trả lời tốt hơn”, anh tâm sự. Loại phản xạ này có thể rất mạnh mẽ ở độ tuổi trẻ. Một giám đốc nhân sự đã chia sẻ trong tuần này rằng, một trong những nhân viên mới của cô thừa nhận không biết cách đóng góp ý kiến trong các cuộc họp nhóm. Khi được hỏi lý do, cô giải thích rằng mình đã gia nhập lực lượng lao động trong thời kỳ phong tỏa do Covid và đã phụ thuộc vào tính năng giơ tay trên Microsoft Teams, nền tảng hội nghị video. Với việc không có biểu tượng giơ tay nào để sử dụng trong thực tế, cô đã phải học cách phát biểu trong các cuộc thảo luận công việc.

Tác động của AI không chỉ dừng lại ở việc hình thành thói quen ứng xử nơi công sở, mà còn có nguy cơ làm xói mòn khả năng tư duy phản biện - một hiện tượng đã được các nhà nghiên cứu của Microsoft cảnh báo, và chính Earl cũng cảm nhận được điều đó. “Tôi cảm thấy như não mình hơi lười biếng”, anh nói. “Tôi không khai thác giới hạn của bản thân nhiều như trước, không thúc đẩy những suy nghĩ của mình”.

Tất nhiên, không có gì là tuyệt đối, và ChatGPT mang lại rất nhiều lợi ích. Earl đã sử dụng ChatGPT để theo dõi chi tiêu tại quán bar và những nơi khác, nhờ vậy cuối cùng anh đã cân đối được ngân sách chi tiêu của mình lần đầu tiên. Anh cũng đã dùng camera điện thoại để quét các kệ hàng để nhờ ChatGPT giúp chọn lựa trang phục, từ đó Earl trở nên tự tin hơn với phong cách ăn mặc của mình. Tuy nhiên, anh vẫn nhớ cảm giác khám phá khi đi mua sắm và những lần mua sai đồ. “Cái khoảnh khắc khi tôi bước vào một cửa hàng và nhìn thấy một món đồ, rồi nghĩ ‘Cái này thật sự hợp với tôi,’ tôi không còn cảm nhận được nữa”, Earl chia sẻ. “Giờ tôi mua đồ chỉ vì ChatGPT bảo tôi làm vậy”.

Đây có thể là một trường hợp cực đoan, nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nhiều người, đặc biệt là những người trẻ tuổi, đã dựa vào các công cụ AI để làm bài tập. Họ đang tiếp tục gia tăng sự phụ thuộc vào công nghệ cả trong công việc lẫn cuộc sống cá nhân. Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, điều này bắt nguồn từ cách các chatbot thực hiện nhiệm vụ một cách nhanh chóng và việc phản hồi của chúng thường rất thân thiện.

Yếu tố thứ hai có lẽ mạnh hơn chúng ta nghĩ. Hãy tưởng tượng cảm giác vui sướng khi bạn nhận được một lời khen. ChatGPT và các công cụ tương tự thường xây dựng câu trả lời theo cách tâng bốc và khích lệ người dùng. Sam Altman, đồng sáng lập OpenAI, gần đây thừa nhận rằng phiên bản mới nhất của ChatGPT đã trở nên quá "nịnh nọt," và các kỹ sư của ông đang cố gắng điều chỉnh để giảm bớt điều này.

Nghiên cứu của chính OpenAI được công bố vào tháng trước cho thấy, trong khi hầu hết người dùng ChatGPT có mối quan hệ lành mạnh với công nghệ này, một nhóm nhỏ người dùng thường xuyên lại có dấu hiệu của “sự phụ thuộc về mặt cảm xúc”. Thử nghiệm ngẫu nhiên trên 981 người tham gia đã chỉ ra rằng, những người này có biểu hiện của việc “sử dụng công cụ này thiếu kiểm soát”.

Sam Altman đang phải đối mặt với bài toán duy trì sự cân bằng giữa việc giữ người dùng gắn bó với ChatGPT - thông qua việc trả phí đăng ký hoặc có thể xem quảng cáo - và việc vô tình tạo thêm một lý do khiến chúng ta ngày càng gắn chặt với những chiếc màn hình nhỏ.

Nhận ra rằng mình có lẽ đã hình thành một thói quen, tuần trước, Earl đã hủy gói đăng ký ChatGPT trị giá £20 mỗi tháng (30 USD). Chỉ sau hai ngày, anh đã cảm thấy mình làm việc hiệu quả hơn, và một cách kỳ lạ: năng suất hơn. “Tôi cảm thấy như mình đang thực sự làm việc trở lại”, anh nói. “Tôi đang lên kế hoạch, suy nghĩ và viết lách”.

Tuy nhiên, việc hoàn toàn tránh xa AI có lẽ cũng không phải là giải pháp, đặc biệt khi những người khác đang sử dụng nó để tạo lợi thế cạnh tranh. Thách thức hiện tại đối với Earl và các chuyên gia trẻ khác là sử dụng AI một cách hợp lý mà không để trí não của mình trở nên trì trệ.

“Tư duy phản biện là điều then chốt”, Cheryl Einhorn, nhà sáng lập công ty tư vấn Decisive và là giảng viên tại Đại học Cornell, chia sẻ. Để tránh việc dựa dẫm quá nhiều vào chatbot, bà đưa ra hai gợi ý: “Hãy cố gắng tự suy nghĩ để đưa ra quyết định, sau đó dùng AI để ‘kiểm tra’ lại quyết định đó”, bà nói. Gợi ý thứ hai là đặt câu hỏi ngược lại với câu trả lời của chatbot. “Bạn có thể hỏi nó: ‘Khuyến nghị này dựa trên cơ sở nào?’”. Bà cũng lưu ý rằng, AI có thể mang theo những định kiến giống như con người.

Việc Earl cố gắng tìm kiếm sự cân bằng hợp lý khi sử dụng AI có lẽ sẽ là một trong những thách thức lớn của thế hệ trẻ. Nhưng bên cạnh đó, các công ty công nghệ cũng cần tìm cách thiết kế các sản phẩm giúp con người phát triển tư duy thay vì làm thụ động trí não. Đồng thời, cũng rất cần một cuộc thảo luận sâu rộng hơn về việc thiết lập ranh giới lành mạnh với AI. Sự thẳng thắn của Earl trong vấn đề này thật đáng quý. Chúng ta cần nhiều sự thẳng thắn như vậy hơn nữa.

Việt Khôi
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục