Lãi vay sẽ nhích lên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các ngân hàng bắt đầu triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, nhưng việc tăng trưởng cho vay (9,35%) cao gần gấp đôi tăng trưởng huy động (4,51%) trong nửa đầu năm 2022 khiến lãi suất cho vay ra khó tránh áp lực đi lên.
Từ nay đến cuối năm, lãi suất cho vay được cho là chịu áp lực tăng, nhưng không mạnh. Ảnh: Dũng Minh Từ nay đến cuối năm, lãi suất cho vay được cho là chịu áp lực tăng, nhưng không mạnh. Ảnh: Dũng Minh

Lãi suất huy động tăng dần

Áp lực lạm phát tiếp tục tác động lên mặt bằng lãi suất, nhất là khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dự kiến tăng thêm 0,75-1%/năm lãi suất cơ bản USD vào cuối tháng 7 này.

Bộ phận Phân tích của Ngân hàng HSBC Việt Nam dự báo rằng, lạm phát năm 2022 của Việt Nam sẽ ở mức trung bình 3,5% - thấp hơn mức trần 4% do Ngân hàng Nhà nước đề ra, nhưng có thể vượt qua mức 4% từ cuối quý IV/2022 hoặc đầu quý II/2023, đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước sớm “bình thường hóa” chính sách tiền tệ.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, tác động của các chính sách tiền tệ lên nền kinh tế thường có độ trễ, trong khi giá cả hàng hóa đang tăng lên, giá xăng dầu mới chỉ tác động vòng 1, còn vòng 2, vòng 3 sẽ là tác động vào giá lương thực, thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng... và điều này làm tăng sức ép lạm phát trong 2 quý cuối năm 2022.

Lạm phát tăng là thách thức lớn đối với nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2022 và ông Lực cho rằng, việc chỉ số tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm chỉ tăng 2,44% so với cùng kỳ nhưng cũng không thể chủ quan.

“Vì nền kinh tế có độ trễ, mà giá cả lại đang tăng lên và Việt Nam vẫn phải nhập khẩu rất nhiều. Vì vậy, câu chuyện nhập khẩu lạm phát có thể xảy ra với Việt Nam. Bên cạnh đó, một số khoản như học phí, thuế hay lương cơ bản… bắt đầu tăng từ 1/7/2022 nên chưa thể hiện trong chỉ số lạm phát nửa đầu năm. Do đó, lạm phát của Việt Nam trong năm nay sẽ vào khoảng 3,8-4,2%. Về cơ bản, mức lạm phát này chấp nhận được và nếu trên 4% cũng phải chấp nhận vì bối cảnh lạm phát trên thế giới năm nay rất cao”, ông Lực dự báo.

Thực tế, áp lực lạm phát đang tác động lên mặt bằng lãi suất huy động khi đã tăng 0,1-0,7%/năm trong nửa đầu năm nay và xu hướng này dự báo còn tiếp diễn trong nửa cuối năm. Cùng với lạm phát, theo giới phân tích, việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn từ 37% xuống 34% từ ngày 1/10/2022 theo quy định của Thông tư 08/2021/TT-NHNN và kỳ vọng nới room tín dụng cũng khiến lãi suất tăng.

Trong khi đó, các ngân hàng liên tục tăng tốc trên đường đua lãi suất huy động. Tính đến đầu tháng 7/2022, mức lãi suất trên 7%/năm đã xuất hiện tại không ít ngân hàng. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa phát đi tín hiệu “mở đường” trong hoạt động cấp thêm hạn mức cho vay. Đáng chú ý, 2 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối là BIDV và Agribank đã tăng 10 điểm cơ bản lãi suất huy động cho kỳ hạn trên 12 tháng. Tuy nhiên, hiện tại, mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất trên thị trường là 7,55%/năm thuộc về một ngân hàng cổ phần là SCB.

Gây sức ép lên lãi suất cho vay

Ảnh tác giả

Nên để mặt bằng lãi suất cho vay tăng 1-1,5%/năm từ nay đến cuối năm 2022 để kiểm soát lạm phát, đồng thời khẩn trương giúp Chính phủ triển khai các chương trình kích thích kinh tế, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính - ngân hàng

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, các ngân hàng vẫn đang đẩy mạnh cho vay và đưa một lượng tiền lớn vào lưu thông. Nhiều ngân hàng đã dùng hết room tín dụng và đang xin Ngân hàng Nhà nước cấp thêm hạn mức để đẩy mạnh cho vay, đáp ứng nhu cầu vay vốn thường tăng cao những tháng cuối năm. Điều này là bình thường trong bối cảnh nền kinh tế cần được tiếp sức để tiếp tục quá trình phục hồi, nhưng lại đi ngược chủ trương chống lạm phát của Chính phủ, với dòng vốn tín dụng tiếp tục đổ vào nền kinh tế trong khi rủi ro lạm phát ngày càng cao, nói như ông Hiếu, “không khác nào đổ thêm dầu vào lửa”.

“Lạm phát tăng sẽ khó tránh được mặt bằng lãi suất đi lên, kể cả với lãi suất cho vay ra, do đó nên để mặt bằng lãi suất cho vay tăng 1-1,5%/năm từ nay đến cuối năm 2022 để kiểm soát lạm phát, đồng thời khẩn trương giúp Chính phủ triển khai các chương trình kích thích kinh tế, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng”, ông Hiếu khuyến nghị.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá, lãi suất cho vay sẽ chịu áp lực tăng trong nửa cuối năm 2022, nhưng có độ trễ so với lãi suất huy động, đồng thời có sự phân hóa giữa mức tăng và thời điểm tăng giữa các lĩnh vực, ngành nghề. Ngoài ra, việc Fed tiếp tục tăng lãi suất và là ngân hàng trung ương đi đầu trong quá trình trung hòa dần các chính sách nới lỏng nên áp lực tăng lãi suất sẽ dồn vào quý IV/2022 và USD sẽ lên giá so với các ngoại tệ mạnh khác.

TS. Cấn Văn Lực nhìn nhận, mặt bằng lãi suất cho vay đang chịu áp lực tăng lên khi lãi suất trên thị trường quốc tế tăng, chi phí đầu vào của các ngân hàng cũng gia tăng theo xu hướng lãi suất huy động. Tuy nhiên, mức tăng lãi suất cho vay dự báo sẽ không tăng quá mạnh để phục vụ mục đích phục hồi kinh tế.

“Các chính sách đều phải hướng đến nhiệm vụ trên. Vì thế, khả năng trong tháng 7 này, Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng hết room nhằm đảm bảo triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% phục hồi kinh tế, đồng thời đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế đang tăng cao. Dù vậy, dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm nay ở mức 14-15% là phù hợp, dòng vốn tín dụng sẽ được ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp, xuất nhập khẩu, nông, lâm nghiệp, thủy sản. Ngược lại, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt chẽ dòng vốn tín dụng chảy vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp…”, ông Lực nói.

Trong khi đó, theo đánh giá của TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), trước mắt, lãi suất cho vay sẽ chưa tăng mạnh, lý do là các tổ chức tín dụng hiểu rằng, việc huy động vốn với lãi suất có thể cao hơn, nhưng việc nâng lãi suất cho vay cũng phải cân nhắc cho phù hợp với thực tiễn.

Ngân hàng UOB Việt Nam đánh giá, Ngân hàng Nhà nước có đủ khả năng giữ ổn định lãi suất để hỗ trợ phục hồi kinh tế, bất chấp những tác động từ các sự kiện địa chính trị thế giới và bối cảnh lạm phát trong nước trong xu hướng tăng. Tuy nhiên, với động thái quyết liệt hơn trong việc thắt chặt tiền tệ từ Fed, UOB Việt Nam dự đoán rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ có xu hướng khởi đầu chu kỳ tăng lãi suất từ quý II/2023 hoặc sớm hơn nếu đà tăng trưởng kinh tế tích cực như kỳ vọng và các rủi ro bên ngoài đáng quan ngại hơn.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục