Lãi vay sẽ còn ở mức thấp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng Nhà nước sẽ còn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cho nên mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục ở mức thấp ít nhất từ nay đến cuối năm.
Tín dụng mảng khách hàng cá nhân của ACB tăng trưởng khả quan trong 5 tháng đầu năm nay Tín dụng mảng khách hàng cá nhân của ACB tăng trưởng khả quan trong 5 tháng đầu năm nay

Lãi suất huy động tăng lên gần đây có tác động lên lãi suất cho vay, thưa ông?

Mặt bằng lãi suất huy động tăng trong thời gian gần đây do đã chạm “đáy” và tất nhiên, lãi suất huy động theo xu hướng thị trường đi lên thì ACB cũng phải điều chỉnh tăng theo. Bởi một khi mặt bằng lãi suất chung tăng lên thì không có bất kỳ ngân hàng nào có thể đứng ngoài chu kỳ này.

Thời gian qua, ACB đã tăng nhẹ lãi suất huy động, song chúng tôi cũng phải cân nhắc vấn đề này để kiểm soát chi phí đầu vào thì mới giữ và giảm được lãi suất cho vay. Do đó, ACB không thể tăng nhanh lãi suất huy động khiến chi phí vốn tăng lên, làm ảnh hưởng lãi suất cho vay ra. Bởi chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục yêu cầu các ngân hàng nỗ lực giảm chi phí để giảm thêm 1-2%/năm lãi suất cho vay, kích cầu tín dụng đến cuối quý II/2024 tăng 5-6%.

Ông Từ Tiến Phát -Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)
Ông Từ Tiến Phát -Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)

Xu hướng lãi suất từ nay đến cuối năm sẽ thế nào khi ngành ngân hàng thực hiện chủ trương giảm thêm lãi suất cho vay trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng?

Điều này cũng tùy vào dư địa của từng ngân hàng. Với các ngân hàng lớn và ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao thì họ có thể cân bằng được, nhưng hiện chi phí giá vốn đã tăng lên, vì thế khả năng ngân hàng nhỏ sẽ khó khăn hơn.

Có thể thấy, chưa bao giờ cạnh tranh cho vay khốc liệt như hiện nay, nên để mở rộng được tín dụng thì lãi suất khó tăng cao. Bởi nếu một ngân hàng nâng lãi suất cho vay, ngay lập tức dòng tiền tín dụng có thể chảy sang ngân hàng khác, do đó các ngân hàng không thể “một mình một ngựa” tăng lãi suất, đi ngược với xu hướng thị trường. Hơn nữa, hiện các ngân hàng phải công bố công khai lãi suất cho vay bình quân theo yêu cầu của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước để người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiếp cận tín dụng, lựa chọn ngân hàng để vay vốn, cho nên ngân hàng không thể đơn phương tăng lãi vay. Bởi vậy, tôi cho rằng, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp ít nhất từ nay đến cuối năm.

Vậy tăng trưởng tín dụng các tháng đầu năm của ACB ra sao và tập trung ở phân khúc khách hàng nào?

Chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục yêu cầu các ngân hàng nỗ lực giảm chi phí để giảm thêm 1-2%/năm lãi suất cho vay, kích cầu tín dụng đến cuối quý II/2024 tăng 5-6%.

Tính đến gần cuối tháng 5/2024, tín dụng của ACB tăng khoảng 9,5% - cao hơn mức tăng trưởng của ngành (theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng toàn ngành đến ngày 20/5/2024 mới tăng 2,41% so với đầu năm). Để đạt được mức tăng trưởng trên, ACB đã thúc đẩy các chương trình tín dụng ưu đãi với lãi suất cạnh tranh. Trong đó, lãi suất cho vay khách hàng doanh nghiệp từ 6-8%/năm, khách hàng cá nhân là 7-8%/năm. Bên cạnh việc cắt giảm chi phí để giảm lãi suất huy động, ACB luôn chủ động trong việc kết nối với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề thuộc các lĩnh vực có nguồn ngoại tệ cao như xây dựng, dệt may, xuất khẩu… để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Chúng tôi không muốn giảm nhịp tín dụng nên phải tính toán, cân đối chi phí để đưa vốn rẻ ra thị trường, do đó ACB phải kiểm soát chi phí đầu vào ở mức phù hợp để có thể giảm lãi suất đầu ra nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tốt hơn. Trong quý II/2024, tín dụng ACB tăng gấp đôi so với quý đầu năm và kỳ vọng tăng trưởng tích cực hơn trong các quý tới. Bởi thực tế, tín dụng luôn tăng cao trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, nên ACB đang nỗ lực để có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng Ngân hàng Nhà nước cấp đầu năm 2024 là 16%.

Về các phân khúc, cùng với mảng khách hàng cá nhân, tín dụng khách hàng doanh nghiệp tại ACB cũng tăng trưởng khả quan trong 5 tháng đầu năm 2024. Trong đó, riêng dư nợ tín dụng đối với nhóm doanh nghiệp FDI tăng 30% (do quy mô ban đầu ở mức khiêm tốn nên con số tăng trưởng ở mức cao). Bên cạnh đó, ACB luôn nhìn nhận rằng, tập trung cho vay đối với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn theo chủ trương của Chính phủ vừa thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế, vừa mang lại lợi ích cho Ngân hàng khi đẩy mạnh được tăng trưởng tín dụng trung - dài hạn.

Trước áp lực tỷ giá tăng, nhà điều hành đã tăng lãi suất thị trường mở (OMO). Theo ông, chính sách tiền tệ nới lỏng có tiếp tục được duy trì để hỗ trợ tăng trưởng?

Để kiểm soát tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã, đang và sẽ có chuỗi hoạt động phù hợp. Việc tạm thời nâng lãi suất OMO lên 4,5% và phát hành tín phiếu sẽ góp phần nâng lãi suất liên ngân hàng, giảm chênh lệch giữa lãi suất USD và VND, từ đó giảm áp lực tỷ giá. Điều này sẽ có tác động lên mặt bằng lãi suất huy động từ dân cư, nhưng đây là giải pháp ngắn hạn.

Còn về chính sách chung, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang thực hiện các giải pháp làm sao để thúc đẩy được tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp cũng như tăng trưởng của nền kinh tế. Song, tỷ giá là vấn đề được ưu tiên hàng đầu, do đó việc kiểm soát trong ngắn hạn cũng là bình thường, cho tới khi các yếu tố bên ngoài dịu đi. Chẳng hạn, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể giảm lãi suất USD từ tháng 9/2024 sẽ làm giảm áp lực tỷ giá trong nước.

Nếu các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới giảm lãi suất sẽ làm dịu lại tỷ giá trong nước thì Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm dư địa để duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước sẽ dung hòa kiểm soát tỷ giá và duy trì lãi suất cho vay ở mức thấp để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Với nhiều giải pháp được Ngân hàng Nhà nước đưa ra thời gian qua, bao gồm cả việc bán ngoại tệ can thiệp thị trường, liệu có đủ sức để ghìm tỷ giá thời gian tới?

Hiện có nhiều yếu tố tác động lên tỷ giá, chẳng hạn yếu tố bên ngoài là việc Fed chưa cắt giảm lãi suất, còn yếu tố bên trong là các vấn đề liên quan đến dòng tiền... Tuy nhiên, tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có đủ các công cụ để kiểm soát tỷ giá, và mỗi công cụ sẽ có mức độ ảnh hưởng khác nhau.

Lấy ví dụ, công cụ lãi suất có tác dụng tức thời, hoặc chúng ta nhìn lại năm 2023, tỷ giá cũng tăng khá nhanh lên đến 8-9%, song đến cuối năm vẫn giảm về dưới 3%, bởi có nhiều giai đoạn, dòng tiền luân chuyển khác nhau.

Thông thường, cuối quý I hàng năm là thời điểm các công ty nước ngoài chốt sổ năm tài chính và họ có xu hướng chuyển vốn về nước nên sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền, nhưng rõ ràng, từ đầu năm tới nay, có yếu tố tích cực là xuất siêu tăng trưởng. Trong tháng 4 và 5/2024 bắt đầu nhập siêu trở lại, nhưng mang tính chất tích cực. Vì nếu nhập siêu tăng trở lại thì đến tháng 8 và 9 dòng tiền xuất khẩu sẽ mạnh lên, do nhập siêu có nghĩa là nhập khẩu nguyên liệu, vật tư nhiều và đơn hàng sẽ tăng đáng kể.

Thùy Vinh thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục