Lãi vay bình quân giảm, tín dụng vẫn khó tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các ngân hàng công bố lãi suất cho vay bình quân kỳ tháng 5 giảm nhẹ so với các tháng trước, song tín dụng vẫn khó tăng trưởng ở mức cao.
Lãi vay bình quân giảm, tín dụng vẫn khó tăng

Vietcombank (VCB) công bố lãi suất cho vay bình quân kỳ tháng 5 giảm 0,2% so với tháng trước đó, ở mức 5,9%/năm, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân cũng giảm từ 3,3%/năm về 3,2%/năm và chênh lệch lãi suất sau khi trừ các chi phí liên quan hoạt động huy động vốn, sử dụng vốn từ 1,6%/năm về 1,5%/năm.

Tương tự, VietinBank (CTG) giảm lãi suất cho vay bình quân chung còn 6,1%/năm. Chênh lệch lãi suất cho vay và huy động bình quân chỉ còn 2,4%/năm. Lãi suất cho vay bình quân tại Agribank giảm còn 7,26%/năm, chênh lệch lãi suất giữa huy động và cho vay đưa về 1,43%/năm.

Đối với khối ngân hàng tư nhân, OCB cũng vừa công bố lãi suất cho vay bình quân đối với khách hàng cá nhân giảm từ 7,98%/năm xuống 7,76%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay bình quân cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp tăng từ 7,97%/năm lên 8,02%/năm, chênh lệch lãi suất cho vay bình quân và lãi suất tiền gửi bình quân tăng từ 3,5%/năm lên 3,64%/năm.

Trong khi đó, VIB áp dụng giảm lãi suất cho vay bình quân với khách hàng cá nhân từ 7,47%/năm xuống còn 7,33%/năm, khách hàng doanh nghiệp từ 6,98%/năm xuống 6,34%/năm, chênh lệch huy động và cho vay bình quân 3,47%/năm.

Sacombank giảm mức cho vay bình quân còn 7,53%/năm, chênh lệch bình quân chỉ ở mức 3.43%/năm. ACB, lãi suất cho vay bình quân là 6,6%/năm, chênh lệch bình quân là 3.65%/năm.

Trước đó, tại Chỉ thị số 12/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ban hành ngày 22/04/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu NHNN tiếp tục chỉ đạo giảm mặt bằng lãi suất cho vay; chủ động có biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn của nền kinh tế hiệu quả, kịp thời.

NHNN có Văn bản 4462/NHNN-CSTT yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện một số giải pháp về tín dụng và lãi suất.

Cụ thể, bên cạnh mục tiêu tiếp tục giảm lãi suất cho vay thêm 1-2% theo định hướng của Chính phủ, cơ quan này yêu cầu các TCTD tiếp tục triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng và phấn đấu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến hết quý II/2024 ở mức 5-6%.

Dù vậy, khó có thể phủ nhận diễn biến tín dụng tăng trưởng chậm lại từ năm ngoái đến năm nay dường như là một hệ quả tất yếu.

Theo số liệu cập nhật gần nhất của NHNN, tín dụng đến ngày 20/5 chỉ mới tăng 2,41% so với đầu năm, xấp xỉ số tuyệt đối là 327.000 tỷ đồng.

Nếu so sánh với mức tăng trưởng 1,34% đạt được vào cuối quý I/2024, có thể thấy gần hai tháng qua tín dụng chỉ tăng thêm chưa đến 1,1%, tương đương với gần 145.200 tỷ đồng. Với tốc độ như vậy, không dễ để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 5-6% trong nửa đầu năm nay.

Theo điều tra của Vụ Dự báo, thống kê (NHNN) về xu hướng kinh doanh quý II/2024, các TCTD dự báo huy động vốn toàn hệ thống tăng 3,5% trong quý II/2024 và tăng 9,9% trong năm 2024. Dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng bình quân 3,8% trong quý II/2024 và tăng 13,6% trong năm 2024.

VDSC đưa ra nhận định, NHNN vẫn còn dư địa để neo giữ mặt bằng lãi suất trong biên độ hợp lý thông qua các nghiệp vụ thị trường mở như phát hành tín phiếu, cầm cố giấy tờ có giá, và bán USD giao ngay với mục đích duy trì một lượng thanh khoản hợp lý thay vì trạng thái dư thừa như trước đây, đồng thời thu hẹp chênh lệch lãi suất USD và VND giúp cho áp lực rút ròng USD dịu dần trước khi Fed thực hiện đợt cắt giảm lãi suất lần đầu tiên.

Năm 2024, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 15%, ước tính khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế. NHNN khẳng định, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy tổng cầu.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục