Lãi vay ăn mòn lợi nhuận của mã đang nóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Có những doanh nghiệp đang lâm vào tình cảnh khó khăn khi lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi không đủ bù đắp dòng tiền trả lãi vay.
Chi phí lãi vay đang trở thành gánh nặng lên tình hình kinh doanh của không ít doanh nghiệp có dư nợ lớn giống như CII. Chi phí lãi vay đang trở thành gánh nặng lên tình hình kinh doanh của không ít doanh nghiệp có dư nợ lớn giống như CII.

Xoay xở thoát lỗ

Trong quý III/2021, một số công ty có kết quả kinh doanh cốt lõi không đủ để trả lãi vay trong kỳ, có doanh nghiệp phải chuyển nhượng dự án để thoát lỗ.

Cụ thể, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp - chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp) âm 50,1 tỷ đồng trong quý III/2021, giảm 167,2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, chi phí lãi vay là 273,2 tỷ đồng. Công ty chỉ thoát lỗ - khi lãi vỏn vẹn hơn 2 tỷ đồng - nhờ ghi nhận doanh thu tài chính 373,9 tỷ đồng.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận cốt lõi của CII là 325,9 tỷ đồng, thấp hơn 562,3 tỷ đồng so với chi phí lãi vay trong kỳ. Tuy nhiên, Công ty ghi nhận doanh thu tài chính 895,6 tỷ đồng, trong đó có 370 tỷ đồng doanh thu từ chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, nên lợi nhuận sau thuế vẫn dương gần 20 tỷ đồng.

Trước đó, CII liên tục ghi nhận doanh thu tài chính từ việc chuyển nhượng quyền tham gia dự án, cũng như các khoản đầu tư tài chính và doanh thu từ kinh doanh chứng khoán. Do kinh doanh thâm hụt vốn nên dòng tiền kinh doanh âm ở mức cao. Năm 2020, dòng tiền kinh doanh âm 1.393,9 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm 2021 âm 1.083,8 tỷ đồng.

Quý III/2021, chi phí lãi vay tại CII là 273,2 tỷ đồng, KBC là 154,8 tỷ đồng, HUT là 65,2 tỷ đồng, CEE là 22,7 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của các doanh nghiệp này đều âm, riêng KBC dương 106,6 tỷ đồng, nhưng vẫn thấp hơn lãi phải trả.

Tương tự, Công ty cổ phần Tasco (HUT) ghi nhận lợi nhuận cốt lõi âm 11,8 tỷ đồng trong quý III/2021 (cùng kỳ năm ngoái âm 23,8 tỷ đồng). Trong kỳ, HUT ghi nhận chi phí lãi vay 65,2 tỷ đồng, dẫn tới lỗ 72,8 tỷ đồng, luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021 lỗ 146,4 tỷ đồng.

Tại Công ty cổ phần Xây dựng Hạ tầng CII (CEE), trong quý III/2021, lợi nhuận cốt lõi âm 3,9 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lãi 5,1 tỷ đồng), chi phí lãi vay 22,7 tỷ đồng. Như vậy, hoạt động kinh doanh cốt lõi không đủ bù đắp cho lãi vay, Công ty giảm lỗ (lỗ sau thuế giảm còn 5,8 tỷ đồng) nhờ ghi nhận doanh thu tài chính 20,4 tỷ đồng.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận cốt lõi của CEE là 3,7 tỷ đồng, chi phí lãi vay 53,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 5,2 tỷ đồng.

Tại Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC), trong quý III/2021, lợi nhuận cốt lõi ghi nhận 106,62 tỷ đồng, chi phí lãi vay 154,8 tỷ đồng. Lợi nhuận cốt lõi thấp hơn chi phí lãi vay dẫn tới lợi nhuận sau thuế âm 59,3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), KBC đang ghi nhận doanh thu một lần từ phát triển quỹ đất khu công nghiệp, chính vì vậy, doanh thu và lợi nhuận biến động mạnh theo từng thời điểm. Trong giai đoạn cho thuê, KBC có thể ghi nhận doanh thu, lợi nhuận đột biến.

Ngược lại, giai đoạn đang phát triển dự án, doanh thu và lợi nhuận có thể giảm mạnh, điều này trái ngược với một số công ty trong lĩnh vực khu công nghiệp chọn hình thức ghi nhận 50 năm và phân bổ đều theo thời gian.

Báo động tình hình nợ vay tại CII và HUT

Hai tên tuổi lớn trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng hiện nay là CII và HUT đều có lợi nhuận kinh doanh cốt lõi không đủ bù đắp dòng tiền trả lãi vay trong những năm gần đây.

Tính từ 31/12/2017 tới 30/9/2021, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tại CII tăng từ 9.389 tỷ đồng lên 17.661 tỷ đồng, tức tăng thêm 8.272 tỷ đồng trong vòng gần 4 năm và bằng 226,7% vốn chủ sở hữu.

Việc CII đẩy mạnh phát hành trái phiếu khiến áp lực trả nợ tăng dần. Cụ thể, lịch trả nợ các khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn trong vòng 1 năm là 727 tỷ đồng; lịch thanh toán của các khoản trái phiếu là 1.221,3 tỷ đồng. Tổng hai khoản mục này là 1.948,3 tỷ đồng. Trong khi đó, tính tới 30/9/2021, Công ty có 936,8 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn, thấp hơn nghĩa vụ trả gốc vay trong 1 năm là 1.011,5 tỷ đồng (chưa tính tới chi phí lãi vay).

Nếu như tình hình kinh doanh không sớm cải thiện, Công ty không huy động thêm được dòng vốn bên ngoài, thì áp lực dòng tiền trả lãi sẽ là gánh nặng không nhỏ.

Mới đây, CII đã lên kế hoạch triển khai đề án chứng khoán hoá dòng tiền của một dự án BOT với tổng giá trị dự kiến 4.475 tỷ đồng. Đây là một sáng kiến mới nhằm giúp Công ty thay đổi hình thức huy động vốn bằng việc đóng gói quyền thu tiền từ dự án BOT cho tổ chức tập hợp, tổ chức này chia nhỏ ra và bán lại cho nhà đầu tư chứng khoán.

Tại HUT, nhiều năm trở lại đây, hoạt động thu phí BOT gặp khó khăn, trong khi tính tới 30/9/2021, tổng nợ vay của Công ty lên tới 5.312 tỷ đồng, bằng 188,7% vốn chủ sở hữu.

Chính vì sử dụng nợ vay lớn, trong khi hoạt động kinh doanh chính không đủ tạo tiền để trả nợ, HUT đã báo lỗ năm 2020 là 243 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm 2021 lỗ thêm 146,4 tỷ đồng. Việc này khiến doanh nghiệp mất hết toàn bộ lãi luỹ kế trong nhiều năm trước, thậm chí ghi nhận lỗ lũy kế 53,4 tỷ đồng.

Ngược lại, một số công ty xây dựng cơ sở hạ tầng dùng nợ vay thận trọng cho thấy hoạt động kinh doanh hiệu quả như Công ty cổ phần Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (IJC). Tính tới 30/9/2021, IJC có 1.210 tỷ đồng nợ vay, bằng 36,9% vốn chủ sở hữu.

Công ty trực tiếp quản lý dự án thu phí giao thông Quốc lộ 13 với chiều dài 64.107 km. Nhờ vào hoạt động kinh doanh thu phí BOT ổn định, cũng như hoạt động kinh doanh bất động sản hiệu quả, IJC ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng trong nhiều năm qua.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục