Kết quả kinh doanh phân hoá cổ phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền đang chảy mạnh vào các cổ phiếu đã công bố, hoặc dự báo sẽ công bố lợi nhuận quý III tốt.
Kết quả kinh doanh phân hoá cổ phiếu

"Cổ phiếu ngân hàng sẽ tạo đáy và đi lên"

Thông tin thu hút sự chú ý của giới đầu tư gần đây là, xét đến những tác động gây ra bởi Covid-19, Ngân hàng Nhà nước ước tính tỷ lệ nợ xấu tiềm ẩn (bao gồm nợ xấu trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng, nợ tái cơ cấu…) có thể lên đến 7,1 - 7,7%. Cổ phiếu ngân hàng vốn đã lình xình kéo dài từ tháng 7 lại có thêm lý do để rớt sâu thêm vài phiên trong tuần trước.

“Thất sủng”, “tránh xa cổ phiếu ngân hàng”, “hết vị”… là nhận xét của nhiều người. Không ít nhà đầu tư cá nhân “kẹp hàng” cổ phiếu ngân hàng ở vùng giá cao, sau nhiều tháng “gồng lỗ” tỏ ra chán nản.

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc Chi nhánh Sở giao dịch 1, Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận xét, ngân hàng là nhóm chiếm tới 1/3 tổng vốn hóa thị trường nên diễn biến tiêu cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong 3 tháng vừa qua đã kìm hãm đà tăng của toàn thị trường.

Theo ông Chung, những nỗi lo NIM giảm do hỗ trợ lãi suất, nguy cơ nợ xấu tăng cao do dịch bệnh, cổ phiếu phát hành thêm về làm loãng cổ phiếu… đã được phản ánh vào giá cổ phiếu ngân hàng và sẽ phản ánh nốt vào cuối tháng 10 khi mà báo cáo quý III/2021 được các ngân hàng công bố.

“Các cổ phiếu ngân hàng sẽ tạo đáy và đi lên, từ đó thị trường chứng khoán chung sẽ khởi sắc từ tháng 11 trở đi”, ông Chung dự báo.

Theo nghiên cứu của MBS, tốc độ tăng trưởng của ngành ngân hàng nói chung có tương quan chặt chẽ với tốc độ tăng trưởng GDP và con số tương quan là hơn 2 lần tăng trưởng GDP. Với tư duy mở cửa nền kinh tế thì tốc độ tăng trưởng GDP sẽ được cải thiện mạnh mẽ từ quý IV/2021 trở đi và sẽ tăng rất mạnh trong quý I/2022.

Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận nhóm ngành ngân hàng sẽ được cải thiện đáng kể từ quý IV/2021 trở đi.

Thêm nữa, nhu cầu vốn để sản xuất - kinh doanh sau dịch là rất lớn và bị dồn nén trong suốt thời gian qua nên khi room tín dụng mới được cấp mới vào đầu năm 2022 thì quý I/2022 sẽ là quý bùng nổ về tín dụng và từ đó lợi nhuận sẽ rất cao. Đây sẽ là nền tảng thúc đẩy giá cổ phiếu nhà băng tăng từ tháng 11/2021 trở đi.

Trong 3 tháng qua, theo ông Chung, diễn biến nhóm cổ phiếu ngân hàng đều tiêu cực là do hiện tượng đánh đồng các cổ phiếu ngân hàng với nhau, cho rằng đã là ngân hàng thì quý III lợi nhuận sẽ xấu vì ảnh hưởng của dịch bệnh.

“Thực tế thì không phải vậy, dịch bệnh sẽ chỉ tác động mạnh tới các ngân hàng có quản trị yếu kém, ngân hàng quốc doanh phải thực hiện nhiệm vụ chính trị hỗ trợ nền kinh tế. Còn các ngân hàng có quản trị tốt và cho vay cá nhân nhiều và có CASA cao thì NIM sẽ không sụt giảm quá nhiều. Khi báo cáo quý III được công bố, nhiều nhà đầu tư sẽ phải ngạc nhiên về lợi nhuận của một số ngân hàng có quản trị tốt”, ông Chung nói.

Ở góc nhìn thận trọng hơn, ông Trần Đức Anh, Giám đốc Chiến lược và vĩ mô Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBS) cho rằng, thời điểm hiện tại còn khá sớm để đánh giá cơ hội ở nhóm ngành ngân hàng khi mà toàn bộ các ngân hàng đều chưa công bố kết quả kinh doanh quý III.

Đưa ra con số so sánh giá cổ phiếu ngân hàng tăng trung bình 20 - 30%, trong khi lợi nhuận 9 tháng lại tăng trưởng trên 50%, ông Anh nhận xét, định giá nhiều ngân hàng vẫn còn hấp dẫn dựa trên kết quả kinh doanh.

“Tuy nhiên, thị trường chứng khoán định giá cổ phiếu dựa trên kỳ vọng về lợi nhuận của các doanh nghiệp trong tương lai”, vị chuyên gia lưu ý.

Trong khi đó, dưới góc nhìn của ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, “lo ngại nợ xấu ảnh hưởng lớn đến NIM của các ngân hàng đang quá mức”.

Với câu chuyện giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, vị chuyên gia này cho rằng, các ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng thương mại tư nhân sẽ giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách vay trong nước trên cơ sở chọn lọc.

Bên cạnh đó, các ngân hàng có dư địa để giảm tác động của việc cắt giảm lãi suất cho vay lên NIM thông qua lãi suất huy động thấp hơn (đã giảm 20 điểm cơ bản trong tháng 9), cơ cấu tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng nhờ những nỗ lực không ngừng trong việc cải thiện ngân hàng giao dịch và cơ cấu cho vay bán lẻ cao hơn.

Cho rằng về ngắn hạn, cổ phiếu ngân hàng có thể vẫn chịu áp lực điều chỉnh, nhưng ông Thành lạc quan về triển vọng trung và dài hạn của nhóm này, trên cơ sở tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh hơn, thu nhập từ phí gia tăng, trích lập dự phòng ổn định tạo cơ sở giúp ROA tăng lên mức bền vững là 1,8 - 2%.

Dòng tiền trú ẩn ở nhóm báo lãi quý III tốt

Chỉ số VN-Index đang giằng co trong biên độ hẹp 1.330 - 1.360 điểm. Thị trường đang thiếu nhóm ngành dẫn dắt chính, vì thế, biến động của thị trường gần đây khá khó chịu, đặc biệt với các vị thế giao dịch trong ngắn hạn.

Thị trường đang thiếu nhóm ngành dẫn dắt chính, vì thế biến động gần đây của chỉ số khá khó chịu, đặc biệt với các vị thế giao dịch ngắn hạn.

Điểm tích cực là dòng tiền vẫn duy trì tốt trên thị trường khi trú ẩn ở nhóm vốn hóa thấp và một số ngành dự kiến có kết quả kinh doanh tích cực trong quý III trong khi chờ đợi xu hướng sắp tới.

Điển hình như cổ phiếu TCD, trong quý III đã có đà tăng ấn tượng từ vùng giá 12.000 đồng/cổ phiếu lên 20.000 đồng/cổ phiếu và vẫn duy trì xu hướng tăng khá vững từ đầu tháng 10 tới nay.

Trong tuần qua, TCD gây phấn khích cho những nhà đầu đang nắm cổ phiếu này khi tiến tới vùng 3x- với động lực chính đến từ thông tin lợi nhuận quý III ước đạt 87,4 tỷ đồng, đưa kết quả 9 tháng vượt kế hoạch cả năm.

Hay hai cổ phiếu đầu ngành phân đạm là DPM và DCM, trước diễn biến giá phân bón trong nước tiếp tục tăng vọt vào cuối tháng 9 và các con số dự kiến lợi nhuận tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm – tiếp tục thu hút dòng tiền.

Nhiều phân tích từ phía công ty chứng khoán cũng như những nhà đầu tư kinh nghiệm cho rằng, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận chậm lại trong quý III/2021 do tác động từ giãn cách xã hội đã được chiết khấu phần lớn vào diễn biến giá các cổ phiếu trong 2 tháng gần đây.

Trong khi lợi nhuận các ngành liên quan đến cầu tiêu dùng nội địa như bán lẻ, bia, ô tô/xe máy, dầu khí và ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng khá nhiều từ đợt giãn cách thì một số ngành lại được hưởng lợi từ giá hàng hóa có mức tăng mạnh kể từ đầu năm như sắt thép, đường, phân bón, hóa chất...

Vận tải container và một số ngành liên quan đến xuất khẩu cũng dự kiến có triển vọng kết quả kinh doanh khả quan.

Ngành thép được dự báo sẽ là điểm sáng trong mùa công bố kết quả kinh doanh quý III, đã trở thành một trong các nhóm trụ đỡ thị trường trong tuần qua. HPG đã bứt phá qua mốc 52.000 đồng/cổ phiếu, lên trên 56.000 đồng/cổ phiếu và đang được kỳ vọng sẽ từng bước chinh phục mốc 6x -7x trong năm nay.

Không chỉ HPG, các cổ phiếu ngành thép khác cũng thăng hoa, như NKG, SMC, VGS…

Cùng với thép là sự trỗi dậy của nhóm cổ phiếu dầu khí, nhóm này đã thu hút tốt dòng tiền ở nhiều phiên tuần trước. Giá dầu Brent đã đạt mức 79 USD/thùng trong tháng 9/2021, mức cao nhất kể từ tháng 10/2018. Đà tăng giá ấn tượng này đến từ sự phục hồi nhu cầu dầu thô thế giới sau đại dịch, trong bối cảnh nguồn cung phản ứng chậm.

Nhóm bất động sản cũng nhen nhóm trỗi dậy từ tuần trước. DXG bất ngờ có “cây trần”với khối lượng giao dịch đột biến hơn 13,6 triệu cổ phiếu trong phiên 7/10. Cổ phiếu TDC cũng liên tục leo từ vùng 18.000 đồng/cổ phiếu lên 22.000 đồng/cổ phiếu. Tương tự, cổ phiếu IJC đã về vùng 3x, khối lượng giao dịch phiên 7/10 đạt hơn 9,6 triệu đơn vị...

Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Phòng Nghiên cứu phân tích Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) nhận định, quý III, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp bất động sản sẽ giảm so với dự kiến do thời gian qua, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch nên hoạt động bán hàng của các doanh nghiệp bất động sản hầu như bị “đóng băng”.

Tuy vậy, chuyên gia MBKE vẫn tin tưởng những doanh nghiệp đầu ngành bất động sản về đích kế hoạch lợi nhuận trong năm nay. Lý do là những doanh nghiệp tốt có khả năng bán hàng vượt trội, đẩy mạnh bán hàng ở quý IV để bù đắp lại khoảng thời gian giãn cách ở quý III. Quý IV cũng là mùa cao điểm trong năm của ngành bất động sản, do các công ty đẩy mạnh việc xây dựng, bàn giao và ghi nhận lợi nhuận trước Tết âm lịch.

Phan Hằng – Hải Vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục